Nhưng ông lưu ý rằng đại dịch không ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam, cũng như sự quan tâm của các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga trong việc mở rộng quan hệ thương mại và kinh tế với các đồng nghiệp Việt Nam.
Hơn một trăm doanh nhân Nga đã tham gia hội nghị. Họ quan tâm đến rất nhiều vấn đề. Ví dụ: Việt Nam có cần ôxi già để làm sạch bể bơi không? Có triển vọng nào để các doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Vladimir của Nga thâm nhập vào thị trường Việt Nam hay không? Những thành phố nào ở Việt Nam hấp dẫn nhất để đầu tư nhà ở? Sản phẩm Nga cần phải có những điểm đặc biệt nào để được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu vào thị trường Việt Nam?
Việt Nam là đối tác chính của Nga ở Đông Nam Á
Phân tích tình trạng hiện tại và triển vọng quan hệ đối tác thương mại và kinh tế giữa hai nước, các diễn giả hội nghị giải đáp các câu hỏi ngay lập tức hoặc hứa hẹn trả lời trong những ngày tới. Chẳng hạn, đại diện thương mại của Nga tại Việt Nam Vyacheslav Kharinov nhấn mạnh rằng Việt Nam là đối tác chính của Nga ở Đông Nam Á.
"Đồng thời, nếu năm ngoái Việt Nam chiếm vị trí thứ 38 về tổng khối lượng hàng hóa giữa Nga và nước ngoài, thì trong giai đoạn tháng 1-4 năm nay, khối lượng đó đã tăng lên khiến Việt Nam chiếm vị trí thứ 25. Và khối lượng xuất khẩu của Nga sang Việt Nam trong quý đầu năm nay tăng tới 76%. Nhờ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (Vietnam-EAEU FTA), đã xóa bỏ khoảng 98% dòng thuế trong trao đổi thương mại song phương".
Theo ông Kharinov, các chuyên gia của hai nước tin tưởng dự đoán rằng trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ có nhu cầu cao về các hàng hóa Nga cần thiết cho sự phát triển công nghiệp và năng lượng, để hoàn thiện nguyên liệu thô và vật tư tiêu hao cho sản xuất trong nước. Ngoài ra, có một lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn là giao thông: đường sắt, tàu điện ngầm, xe cơ giới. Các dự án được đề xuất để thực hiện chương trình đầy tham vọng cho sự phát triển đường sắt Việt Nam mà các đối thủ chính châu Âu của Nga đưa ra có giá thành quá đắt đỏ, do đó, các đề xuất của Nga đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.
Thỏa thuận sản xuất lắp ráp xe tải GAZ và KAMAZ của Nga tại Việt Nam đã có hiệu lực. Việc xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm dược phẩm của Nga, vốn đã nổi tiếng từ lâu ở nước này, cũng đầy hứa hẹn. Việc cung cấp các thực phẩm chức năng của Nga đã được nối lại. Năm nay đã có sự gia tăng đáng kể trong các lô hàng phân bón, ngũ cốc và thịt.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga Dương Hoàng Minh đã đưa ra một ví dụ hùng hồn về vấn đề này:
"Nếu hai năm trước không một công ty Nga nào có giấy phép xuất khẩu thịt cho Việt Nam, thì ngày nay Việt Nam chiếm vị trí thứ hai trên thế giới về nhập khẩu thịt lợn Nga".
Xu hướng thương mại Nga-Việt
Phó Chủ tịch Hội các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga Maksim Kuznetsov đã nói về những xu hướng chính trong thương mại Nga-Việt và lưu ý các lĩnh vực đầy triển vọng cho các nhà xuất khẩu Nga:
"Việt Nam có lịch sử gần gũi với Nga, các sản phẩm của chúng ta bổ sung cho nhau, chứ không cạnh tranh. Các điểm tăng trưởng quan trọng hiện nay là xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Nga, quảng bá các sản phẩm CNTT của Nga, hợp tác về du lịch, bất động sản và nội địa hóa các xí nghiệp Nga tại Việt Nam".
Phát biểu tại hội nghị, người đứng đầu văn phòng đại diện của Trung tâm xuất khẩu Nga tại Việt Nam, ông Robert Kurilo lưu ý các nhà sản xuất Nga quan tâm đến phòng trưng bày (showroom) giới thiệu thực phẩm và đồ uống của Nga tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Kurilo cho biết:
"Trong ba năm hoạt động của showroom, các hợp đồng trị giá hàng trăm triệu đô la đã được ký kết. Kể từ cuối tháng 6, các hạn chế đối với việc xuất khẩu kem Nga cho Việt Nam đã được dỡ bỏ. Sắp tới, một buổi thuyết trình giới thiệu hàng tiêu dùng Nga cũng đã lên kế hoạch".
Các diễn giả tham gia hội nghị đảm bảo với những người tham gia rằng các ban ngành và tổ chức của họ sẽ cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho mọi nhà sản xuất Nga đang tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam.