Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần làm tốt công tác phòng chống tham nhũng trong xây dựng cơ bản, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và đảm bảo tiến độ thời gian giải ngân, thanh quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn ODA.
Thủ tướng Việt Nam họp Chính phủ về giải ngân đầu tư công
Sáng 16/7 tại trụ sở Chính phủ ở Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, bộ ngành cùng bàn giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bao gồm cả ngân sách nhà nước cũng như vốn đầu tư nước ngoài hỗ trợ phát triển chính thức ODA.
Đây được xem là điểm nghẽn lớn trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương ở Việt Nam nhiều năm qua.
Mục đích của Hội nghị quan trọng lần này do Chính phủ tổ chức là nhằm thống nhất những biện pháp đảm bảo giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm 2020.
Tham dự sự kiện sáng nay có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Thường trực Chính phủ và 45 Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các bộ, ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phải tìm ra nguyên nhân vì sao giải ngân vốn đầu tư công ở Việt Nam còn chậm?
Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, bộ ngành cùng bàn giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bao gồm cả ngân sách nhà nước và ODA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát biểu với tinh thần hết sức thẳng thắn, tìm ra đúng trọng tâm vấn đề, để từ đó yêu cầu các bộ ngành địa phương đề ra giải pháp.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Việt Nam nêu rõ, nhân dân hiện đang khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng bởi Covid-19, công nhân mất việc làm, tiền lương của người lao động thấp. Trước đó, theo Tổng Cục Thống kê, gần 31 triệu người Việt Nam (tương đương gần 1/3 dân số cả nước) bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch do coronavirus – thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm thu nhập, đời sống còn nhiều khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, kinh tế đất nước tăng trưởng thấp kể từ khi đổi mới đến nay. Nguyên nhân chính của tình trạng này là các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư Nhà nước đều chậm và thấp so với nhiệm vụ kế hoạch.
“Đầu tư công là cứu cánh đối với nền kinh tế, là một trong những giải pháp quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn”, Thủ tướng Việt Nam nói.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư ở Việt Nam sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Do đó, trách nhiệm của Chính phủ, các địa phương trong cả nước là phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công, gần 28 tỷ USD, tương đương hơn 633 ngàn tỷ đồng.
Người đứng đầu Chính phủ nêu thực tế đáng lo ngại. Mỗi khi Thủ tướng làm việc với các Bộ, ngành, hay địa phương, đều đề nghị “xin vốn” Nhà nước để phục vụ xây dựng hạ tầng cho địa phương, ngành mình, nhưng khi nhận được vốn rồi thì “không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, thực trạng này diễn ra nhiều năm. Năm nay, mặc dù có tiến bộ hơn là đã giải ngân được trên 20%, tăng hơn 8% so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn khối lượng lớn tồn đọng ở các cấp, các ngành.
Do đó, phát biểu tại cuộc họp sáng nay, 16/7, Thủ tướng chỉ đạo Hội nghị cần tìm ra được nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm chạp, ì ạch, kém cỏi trong giải ngân vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA. Phải tìm cho ra nguyên nhân chủ quan là chính, với tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về sử dụng vốn đầu tư Nhà nước trong phát triển ngành, địa phương, lĩnh vực của mình.
“Tại sao những địa phương cùng cơ chế, chính sách, nhưng lại thực hiện đầu tư, giải ngân rất tốt, còn nhiều địa phương khác lại rất ì ạch. Thủ tướng phê phán bệnh quan liêu không đi sâu đi sát với công việc mà chỉ nói chung chung; đồng thời đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Bộ trưởng sau khi xin vốn về không được cứ để vậy mà phải trực tiếp giải quyết khó khăn trong giải ngân. Cho nên tôi muốn nhấn mạnh tìm nguyên nhân chủ quan để tìm giải pháp”, người đứng đầu Chính phủ nêu vấn đề.
Xử lý người đứng đầu nếu giải ngân chậm: Nói hoài, nói mãi, không làm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tại Hội nghị này sẽ kết luận những biện pháp khả thi để đảm bảo giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm nay.
Do đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị xây dựng chế tài để xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng “nói hoài, nói mãi, không chịu làm”.
“Không lẽ chúng ta vô hiệu lực trong chuyện này sao? Lần này phải đưa ra các chế tài cần thiết”, Thủ tướng Việt Nam kiên quyết.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, ngoài biện pháp mà Quốc hội đã trao quyền cho Chính phủ trong việc điều chuyển vốn đầu tư công từ ngành này qua ngành khác, địa phương này sang địa phương khác, nếu để xảy ra chậm trễ trong giải ngân, Thủ tướng Việt Nam khẳng định sẽ triển khai những chế tài mạnh mẽ trong các lĩnh vực như thi đua, khen thưởng, đánh giá cán bộ, để tăng cường đôn đốc xử lý vấn đề này.
Phát biểu tại Hội nghị, đề cập đến những kinh nghiệm tốt trong giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhắc lại kết quả chuyến kiểm tra tại Ninh Bình vừa qua, nổi bật là HĐND tỉnh mỗi tháng họp một lần thay vì 6 tháng họp 1 lần như tại nhiều địa phương khác, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, điều chuyển vốn đầu tư phù hợp, đạt tới 72%.
“Bệnh quan liêu xa dân là một trong các căn bệnh làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích.
Ông đề nghị, các bộ ngành, địa phương cần tránh tình trạng “ngại đơn thư” trước thềm Đại hội Đảng, cả hệ thống chính trị, Bí thư, Chủ tịch, Thường trực Tỉnh ủy, Huyện ủy, Đảng ủy xã phải vào cuộc để thúc đẩy nhiệm vụ này, qua đó, giải thích cho người dân hiểu, nhanh chóng tìm giải pháp.
Nhằm thúc đẩy công tác giải ngân đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đoàn kiểm tra của Trung ương, Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh phải tăng cường đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, giải quyết cho được những vướng mắc về thể chế, chính sách và thủ tục.
Mỗi tháng phải họp đánh giá một lần. Các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, thành phố phải trực tiếp kiểm tra, đôn đốc giải ngân.
Thủ tướng đề nghị giải quyết 3 cái đọng trong giải ngân đầu tư
Cũng tại cuộc họp sáng nay, phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần giải quyết cho được 3 cái đọng trong giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, thứ nhất là không được để vốn đọng, không được để nợ đọng, hạn mục thi công xong, dự án đã hoàn thành nhưng không quyết toán, “cứ nằm để mãi”. Đồng thời, không được để thủ tục đọng, vấn đề rất phổ biến ở các cấp, các ngành hiện nay.
“Dự án xong rồi nhưng không hoàn thành được thủ tục thanh, quyết toán vì “bệnh cửa quyền, tiêu cực hay chủ đầu tư ngâm lâu”, người đứng đầu chỉ rõ.
Cùng với đó, yêu cầu quan trọng nhất và cuối cùng của Hội nghị này là “phải có hành động”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cần phải thảo luận việc có một Nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy để phân công trách nhiệm rõ ràng, đôn đốc, kiểm tra giải ngân vốn đầu tư công.
Với tinh thần hết sức thẳng thắn, không né tránh, Thủ tướng điểm danh một số địa phương đã làm tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công như: Nghệ An, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Tiền Giang, Ninh Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh…Đây là những địa phương đạt mức giải ngân từ khoảng 45% - 70% vốn kế hoạch trong nửa đầu năm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng phê bình một số địa phương để xảy ra tình trạng chậm trễ trong lĩnh vực này như: Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Cần Thơ, Ninh Thuận, Đồng Nai, Thái Nguyên chỉ đạt mức giải ngân dưới 20%.
Công tác giải ngân cả nước còn quá chậm
Bộ Tài chính báo cáo cho biết, nửa đầu năm 2020, cả nước giải ngân được 33,9% kế hoạch vốn đầu tư công. Trong khi đó, số liệu công bố tại Hội nghị đầu tháng 7/2020 cho thấy trong 63 tỉnh, thành thì đến 22 tỉnh không giải ngân vốn ODA (tức bằng 0%), 16 tỉnh, thành giải ngân trên 10%, duy nhất 1 tỉnh đạt 15%.
Cho rằng tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ dẫn đến sự trì trệ trong phát triển đất nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần có những biện pháp kiên quyết để khắc phục tình trạng này, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ.
“Sau cuộc họp này, hàng tháng phải giao ban để tháng 8 sẽ điều chuyển vốn những địa phương, bộ, ngành làm không tốt công tác này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) báo cáo cho biết, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm nay vẫn thấp so với yêu cầu.
“Ba bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%, 33 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%”, đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định.
Trong số các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, đáng chú ý là Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân là 689,923 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là 1.827,391 tỷ đồng, chỉ đạt 10,1% kế hoạch được giao.
Bộ KH&ĐT nhận định, tình trạng giải ngân này đạt mức rất thấp, khó có khả năng hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao đất và giải ngân hết kế hoạch vốn Ngân sách Trung ương được giao như đã như cam kết của tỉnh Đồng Nai.
Vì sao công tác giải ngân còn chậm? Các ý kiến tại hội nghị nêu ra nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung chủ yếu vào 6 nhóm chính gồm sự yếu kém trong khâu tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa được thực hiện tốt, việc đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.
Quyết tâm chính trị trong giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao nhận thức trong giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đất nước đang chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
“Từ công trình giải quyết tiền lương, từ công trình giải quyết việc làm cho hàng triệu người”, Thủ tướng nói và đề nghị cần nâng cao hơn nữa quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành trong vấn đề này.
Thủ tướng chỉ rõ, qua kiểm tra, công tác chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, nhiều bất cập; trong đó có việc chưa phân bổ gần 27 ngàn tỷ đồng vốn.
Bên cạnh những địa phương làm tốt, còn nhiều địa phương, một số bộ, ngành chưa quyết tâm vào cuộc tháo gỡ khó khăn, bất cập. Thủ tướng đề nghị các bộ cần có chương trình hành động cụ thể, mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong triển khai nhiệm vụ này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Biểu dương Bộ Xây Dựng đã đình chỉ một số cán bộ thiếu trách nhiệm, gây chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải rờ gáy những người làm trực tiếp, quy trách nhiệm rõ ràng với người đầu để tình hình giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến.
Bên cạnh tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần tập trung hỗ trợ cho đầu tư xã hội, thu hút vốn FDI và đầu tư tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm cao nhất, đề nghị phát động phong trào thi đua yêu nước trong giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI tại các ngành, địa phương.
Nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu trong bối cảnh chỉ còn 25 -26 tuần là hết năm, Thủ tướng yêu cầu báo cáo thường xuyên 2 tuần/lần về kết quả triển khai công tác này đi đôi với kiên quyết xử lý cá nhân thiếu trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng quyết định bắt đầu từ đầu tháng 8, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập danh sách điều chuyển vốn trình Chính phủ quyết định để ưu tiên cho các dự án đang rất cần vốn.
“Với luật pháp hiện hành, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là vốn ngân sách, kể cả vốn ODA. Bắt đầu từ đầu tháng 8, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển một cách quyết liệt vốn từ các bộ, ngành địa phương không tiêu hết tiền, tập trung cho các dự án có khả năng giải ngân, không thể để chậm trễ, không để tình trạng giữ vốn như các năm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đi liền với đó là công khai, minh bạch trên báo chí, tuyên dương những địa phương, bộ, ngành làm tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời kiểm điểm, phê bình các địa phương, bộ, ngành chưa thực hiện tốt.
Phải “làm đến nơi đến chốn” để đánh giá năng lực cán bộ, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, Thủ tướng chỉ đạo.
Tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng – một khâu yếu trong giải ngân vốn đầu tư, Thủ tướng chỉ đạo các Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải hỗ trợ cấp huyện, cấp xã trong đối thoại, tuyên truyền với người dân; giải quyết thỏa đáng, đúng mức, đúng quy định của pháp luật trong hỗ trợ, bồi thường người dân thuộc diện thu hồi đất.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục giao quyền cho các địa phương trong xử lý các vấn đề về thủ tục theo thẩm quyền; tiếp tục đôn đốc kiểm tra, xử lý các thủ tục hồ sơ tồn đọng.
“Thảo luận, đối thoại với dân, công khai phương án với dân để thuyết phục nhân dân, tiếp đó có biện pháp mạnh mẽ với tình trạng chây ì, không tuân thủ kỷ cương phép nước sau khi đã giải quyết thỏa đáng các chế độ theo quy định”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong xây dựng cơ bản, xác định rõ trách nhiệm và đảm bảo tiến độ thời gian thanh quyết toán dự án.