Sputnik mời các bạn theo dõi bài tổng quan trong chuyên mục truyền thống «Việt Nam trên báo chí nước ngoài».
Bản đồ lộ trình dành cho các nước đang phát triển
Bí quyết thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch vẫn là chuyện khiến các chuyên gia phương Tây chưa bớt quan tâm. Trong bài viết trên trang web của mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã gọi hành động căn bản chuẩn xác của CHXHCN Việt Nam để chống đại dịch là «bản đồ lộ trình dành cho các nước đang phát triển». IMF lưu ý việc sử dụng rộng rãi mạng lưới theo dõi các tiếp xúc đến tận phân cấp thứ 3, cách ly nhóm lớn để hạn chế lây truyền coronavirus trong cộng đồng. Gần 450.000 người đã được cách ly (hoặc trong bệnh viện, hoặc trong cơ sở Nhà nước hoặc tự cách ly).
Việc ngăn chặn sớm và huy động sử dụng các chủ thể công cộng và quân sự hiện có vào cuộc đấu tranh chống đại dịch đã chứng tỏ hiệu quả tiết kiệm chi phí. Chính phủ ước tính chi tiêu ngân sách dành cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vào khoảng 0,2% GDP, trong đó khoảng 60% kinh phí chi cho thiết bị và phần còn lại dành cho các biện pháp kiềm chế ngăn chặn đại dịch, - bài báo cho biết.
Các đồng minh trong cuộc đối chọi với Trung Quốc
Ấn phẩm Nhật Bản nổi tiếng Nikkei Asia Review dành bài viết công phu nói về quan hệ của các nước ASEAN với Trung Quốc và vai trò đặc biệt của Việt Nam. Nhiều người cho rằng nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm nay là cơ hội độc đáo để bảo vệ quyền của các nước nhỏ trong vùng biển tranh chấp, - tác giả bài báo nhận xét. Kể về sự gia tăng hoạt tính của Malaysia sau nhiều năm im lặng thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh và lợi ích của nước này chồng chéo với lợi ích của Việt Nam, tờ báo cho rằng không nên để điều này làm suy yếu những nỗ lực chung về tạo lập một mặt trận chung dưới ngọn cờ ASEAN.
Các nước Đông Nam Á cần tìm kiếm thỏa thuận đáng tin cậy, làm giảm thiểu nguy cơ xung đột quân sự, hạn chế hoạt động khiêu khích của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp và ngăn ngừa lối hành động đơn phương từ phía các quốc gia đang nêu yêu sách chủ quyền. Điều mà khu vực này không hề cần đến bây giờ là phát sinh và gia tăng căng thẳng giữa hai nước Đông Nam Á, - bài báo nêu ý kiến.
Một số tờ báo có uy tín đã tập trung phản ánh đề tài mốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Với mức độ chi tiết khác nhau, những bài báo mô tả tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của mối quan hệ này rồi đưa ra dự đoán về diễn biến tương lai. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Việt Nam ngày càng có nhiều ý nghĩa quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, thể hiện trong các văn kiện quốc gia cơ bản của phía Mỹ cho năm 2017-2019, - The Diplomat cho biết. Phương thức tốt nhất dành cho Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc là hạ thấp sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh bằng cách giúp các nước đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ giảm độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đối với Việt Nam, nước Mỹ là người bảo vệ tiềm năng trước Trung Quốc hùng mạnh và mối đe dọa thường trực từ Bắc Kinh. Đang chờ đợi là mức độ hợp tác giữa Hà Nội và Washington có thể được nâng cao đến cấp chiến lược trong thời gian chuyến công du của Tổng Bí thư ký BCH TƯ Đảng Cộng sản và Chủ tịch CHXHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ, dự kiến thực hiện trong năm nay, sau khi kết thúc các hoạt động chống đại dịch. Nhưng cũng tồn tại không ít vấn đề trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Một trong số đó là thâm hụt của phía Mỹ trong giao thương lẫn nhau, tăng từ 39,5 tỷ USD năm 2018 lên 55,8 tỷ USD năm 2019. Hoa Kỳ cũng không hài lòng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, trong khi đó Hà Nội lo ngại rằng sự ủng hộ của Mỹ dành cho những nhân vật bất đồng chính kiến hướng tới nhằm lật đổ trật tự chế độ xã hội hiện có. Như vậy, hẳn là khả năng đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam còn «tuỳ phụ thuộc vào hoàn cảnh», - bài viết kết luận.
Kinh tế đang hồi sinh
Vietnam Briefing đưa tin vui rằng hoạt động kinh tế của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2020 cho thấy đất nước sẵn sàng cho sự khôi phục từng bước. Nhịp độ tăng trưởng FDI được duy trì nhờ sự quan tâm liên tục dành cho các khu công nghiệp của Việt Nam và nhanh chóng chấp thuận các dự án lớn. Xuất khẩu có chịu thiệt hại nhưng một số sản phẩm của Việt Nam vẫn giữ được mức cầu cao trên thị trường. Trong ngành công nghiệp chế biến, các sản phẩm công nghệ cao tiếp tục là nguồn thu nhập chính thậm chí ngay cả khi phải đối mặt với đại dịch toàn cầu.
Hellenic Shipping News thông báo về lô hàng than đầu tiên của Mỹ được đưa đến Việt Nam, mở ra con đường cho việc tiếp tục nhập khẩu trong bối cảnh tăng cao nhu cầu sản xuất điện. Báo Indonesia JawaPos cho biết rằng Tập đoàn Mitsubishi Motors Corporation trình làng ở Việt Nam một mẫu xe crossover hoàn toàn mới Xpander Cross.
Bản tin của Tân Hoa Xã phản ánh rằng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank, AIIB) đã phê duyệt khoản vay tín dụng 100 triệu USD dành cho một ngân hàng thương mại tại Việt Nam để giúp hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp đã bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Đây là dự án đầu tiên của AIIB ở Việt Nam.
Còn tờ báo Ấn Độ EurAsian Times viết rằng Hiệp định thương mại tự do của EU với Việt Nam là đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp dệt may của Ấn Độ.
Các khán đài lại vang tiếng hô cổ vũ nồng nhiệt
Và bây giờ xin khép lại tổng quan báo chí này với nội dung nói về sự khởi sắc trong đời sống thể thao Việt Nam. SportBusiness thông báo rằng trong khi các Liên đoàn Bóng đá trên khắp thế giới tiến hành mùa thi đấu theo kiểu «sau cánh cửa đóng kín», thì các giải đấu hàng đầu ở Việt Nam thu hút khán giả đông đảo đến mức kỷ lục. Hơn 400.000 người hâm mộ môn túc cầu đã tham dự chín vòng đấu đầu tiên của V. League 1 trong mùa giải này, tăng hơn 33,3% so với năm ngoái.