Tàu chiến đắt tiền nhất trong lịch sử, giá thành gần 13 tỷ USD, cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng phục vụ, mặc dù đã được đưa vào thành phần Hải quân Hoa Kỳ ngay từ tháng 5 năm 2017. Bài viết của Sputnik đi sâu phân tích lý giải tại sao «Gerald Ford» lại thiếu may mắn cứ «gặp hạn» liên tiếp đến thế.
Con tàu của tương lai
Việc thiết kế chế tạo chiếc tàu sân bay hùng mạnh nhất bắt đầu ngay từ giữa những năm 1990. Tàu được khởi công đóng vào năm 2005. Theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh Hải quân, con tàu mới cần thay thế cho tàu sân bay đầu tiên chạy bằng năng lượng nguyên tử «Enterprise» đã phục vụ trong quân ngũ Hoa Kỳ từ đầu những năm 1960. Quá trình đóng tàu kéo dài gần chục năm và tàu được hạ thuỷ vào mùa thu năm 2013. Với lượng giãn nước hơn 100.000 tấn, «Gerald Ford» quả thực là tàu chiến nổi «khủng» nhất thế giới.
Trên bản vẽ thiết kế, khả năng của siêu tàu sân bay này thật sự gây choáng. Với chiều dài 337 mét, chiều rộng 78 mét và chiều cao 76 mét, tàu có tốc độ hành tiến đến 30 hải lý/giờ (56 km/giờ). Lực đẩy lớn như vậy được tạo bởi hai trạm phản ứng hạt nhân Bechtel A1B, công suất mỗi trạm là 700 megawatt. Khả năng hoạt động tự chủ ngoài khơi của con tàu hầu như là vô hạn, chỉ cần nạp dự trữ một lần cho 100 ngày đêm.
Phần hàng không của «Gerald Ford» gồm gần một trăm máy bay với các chức năng mục đích khác nhau, trong đó có chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet, F-35C, máy bay đối phó điện tử EA-18G Growler, máy bay cảnh báo sớm tầm xa E-2D Hawkeye, máy bay vận tải C-2 Greyhound. Ngoài ra, hàng không mẫu hạm được thiết kế để làm căn cứ và sử dụng chiến đấu cho các máy bay trực thăng MH-60R/S và UAV.
Mặc dù các nhà thiết kế đã sử dụng vô số công nghệ hiện đại và đạt được mức độ tự động hóa cao ở hầu hết các quy trình thao tác trên boong tàu, thuỷ thủ đoàn của «Gerald Ford» vẫn có cơ số lớn là hơn 4.500 người.
Toàn bộ thân tàu «Gerald Ford» nhìn chung trông giống như các «tiền bối» của nó là tàu thuộc loại «Nimitz». Một trong những điểm khác biệt nổi bật là cấu trúc thượng tầng tương đối nhỏ gọn được chuyển đến gần đuôi tàu. Diện tích sàn đậu máy bay được tăng lên, và cách bố trí cho phép di chuyển máy bay và đạn dược nhanh chóng hơn. Bí quyết mới know-how đặc trưng của «Gerald Ford» là máy phóng điện từ thay vì máy hơi nước thông thường. Những thiết bị này tăng tốc cất cánh cho máy bay trơn tru hơn còn mức quá tải với các phi công được giảm nhẹ hơn.
Đứa trẻ khó nuôi
Dự kiến là năm 2016 tàu sân bay mới sẽ được đưa vào vận hành. Tuy nhiên, hãng Bloomberg thông báo rằng «Gerald Ford» đã thất bại trong bài kiểm tra khả năng chiến đấu. Ngay từ trước chuyến đi biển đầu tiên, trên con tàu sân bay đã phát lộ nhiều trục trặc, trong đó một số khiếm khuyết chỉ có thể loại bỏ bằng cách thiết kế lại. Trước hết, các thiết bị hãm máy bay chứng tỏ hiệu suất kém - các nhà phát triển tuyên bố rằng boong tàu đủ khả năng tiếp nhận thoải mái 1.600 máy bay mà không lo sự cố ngắt quãng, nhưng con số thực tế hóa ra không quá 25. Còn máy phóng điện từ chỉ đảm bảo 400 lần cất cánh thay vì 4.000 lần như đã tuyên bố.
Thêm nữa, Uỷ ban Lầu Năm Góc không hài lòng với thang nâng máy bay, phát hiện các vấn đề có thể ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ công việc chiến đấu của con tàu. Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được khắc phục, trong số 11 thiết bị nâng thang chỉ có 2 thang máy hoạt động, như vậy rõ ràng hạn chế nghiêm trọng đến trình độ sẵn sàng chiến đấu. Cuối cùng, trong quá trình thử nghiệm sơ bộ, các chuyên gia đã xác định có sự cố với các trạm radar triển vọng, vốn được chế tạo ra dành riêng cho tàu sân bay của dự án mới.
Dù sao chăng nữa, vào ngày 8 tháng 4 năm 2017, «Gerald Ford» đã ra khơi, còn đến 31 tháng 5 con tàu sân bay được đưa vào thành phần phiên chế của Hải quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những khó khăn vẫn chưa kết thúc. Trong chuyến đi, chẳng mấy chốc vòng bi hỗ trợ trục chân vịt đã nhanh chóng bị hỏng. Tàu phải quay lại cảng, mất vài tháng để khắc phục sự cố.
Tiếp theo càng tồi tệ hơn. Năm 2018, trong cuộc thử nghiệm trên biển, trạm phát năng lượng gặp sự cố.
Người ta thông báo: «Tàu sân bay đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi năng lượng tạo ra bởi các lò phản ứng hạt nhân thành vòng quay của các cánh quạt».
Con tàu khổng lồ lại được kéo vào cảng để sửa chữa. Một năm sau, trạm điện lại hỏng và «Gerald Ford» một lần nữa mắc kẹt nằm chết dí ở bến tàu.
Đối mặt với «Zirkon» sao nổi
Mặc dù nhiều thiếu sót đã được loại bỏ, thang nâng và máy phóng điện từ liên tục hỏng hóc. Một tháng trước, hệ thống điều khiển máy phóng không chịu hoạt động. Các chuyến cất cánh máy bay từ boong tàu phải ngừng trệ suốt trong 5 ngày liền.
Còn hoá ra là bộ phận quan trọng nhất, máy phóng mới, không có khả năng đưa biến thể chiến đấu cơ F-35C thế hệ thứ năm từ boong tàu lên không trung, đơn giản là vì công suất không đủ mạnh.
Tuy vậy Chính phủ Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng tài trợ cho chương trình siêu tàu sân bay đề án mới. Theo đánh giá của các chuyên gia phương Tây, con tàu đầu đàn của loạt hàng không mẫu hạm sẽ đạt mức hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu vào năm 2022. Một tàu sân bay khác được chế tạo, là chiếc «John Kennedy». Hàng không mẫu hạm này hạ thuỷ hồi tháng 10 năm ngoái và cần gia nhập hạm đội vào năm 2024. Từ trước đó Lầu Năm Góc đã nói về yêu cầu cần thiết có 10-12 con tàu loại này để thay thế cho «Nimitz».
Nhưng sự đời khác xa với chuyện những kế hoạch tham vọng này phải trở thành hiện thực. Trong cơ quan quân sự Hoa Kỳ đang diễn ra cuộc tranh cãi nảy lửa về việc liệu nước Mỹ có thực cần một đội tàu sân bay lớn, tốn kém mà ít đắc dụng đến thế hay không. Ông chủ Lầu Năm Góc Mark Esper tuyên bố rằng ông quan tâm đến quy mô hải quân nhỏ hơn. Trong thời gian tới cấu trúc mới của hạm đội sẽ sớm được hoạch định trong các cuộc tập trận và thao diễn, và phương án cuối cùng sẽ được phê duyệt vào mùa thu này. Theo khái niệm đã được thông qua, con số tàu sân bay trong Hải quân Hoa Kỳ sẽ giảm bớt, trong khi số lượng những con tàu có dung tích choán nước nhỏ hơn, cụ thể là các khu trục hạm, sẽ tăng lên.
Hẳn là sự thay đổi có tính chất phương hướng đó gắn với thực tế là các tàu sân bay to lớn và nặng nề dễ thành mục tiêu quá «ngon ăn» đối với các tên lửa chống hạm mới nhất của Nga và Trung Quốc. Tổ hợp «Zirkon» siêu thanh triển vọng sẽ được đưa vào hàng ngũ phục vụ của Hải quân Nga trong năm 2022. Thời điểm hiện tại, tên lửa này đang được thử nghiệm: có khoảng chục lần phóng thử từ các phương tiện mang khác nhau. Đang chờ đợi là tầm xa chuyến bay của tên lửa sẽ vượt hơn phạm vi hoạt động của máy bay trên boong hàng không mẫu hạm Mỹ, còn tốc độ đạt khoảng 9 Mach sẽ khiến tên lửa Nga trở nên bất khả xâm phạm trước lưới phòng không hải quân đối phương.
Không ngẫu nhiên mà tạp chí The National Interest của Mỹ cũng phải thừa nhận rằng «Zirkon» đủ sức «đục lỗ thủng lớn» trên bất kỳ «sân bay nổi» nào đó.