"Việc các tảng băng vĩnh cửu tan chảy trong một số điều kiện tổng hòa dẫn đến quá trình phát thải hợp chất carbon vào khí quyển. Điều này làm tăng mức hiệu ứng nhà kính, khiến cho bầu khí quyển của chúng ta nóng lên. Đồng thời, những đám cháy do hạn hán, cùng với tro bụi và nhiều thứ khác đi kèm với hiện tượng các hạt bồ hóng lan rộng vượt xa khỏi phạm vi của đám cháy, dẫn đến thực trạng núi tuyết và sông băng cũng đều tan chảy", - nhà khoa học phân tích.
Theo vị chuyên gia, toàn bộ quá trình này làm giảm độ phản xạ của băng tuyết và tăng tốc độ nóng lên khiến các vật chất tan chảy nhanh hơn.
Nguy cơ lũ lụt
"Quá trình tan chảy nhanh chóng của băng tuyết tích tụ trước đó mang lại một lượng lớn nước bổ sung vào các đại dương, và dần dần - với tốc độ khoảng 3 milimet mỗi năm - sự gia tăng mực nước biển và lũ lụt ở nhiều vùng ven biển do con người gây ra sẽ ngày càng trở nên phổ biến", - ông Shamov lưu ý.
Đáng chú ý, sự tan chảy của lớp băng lâu năm còn "đánh thức" nhiều sinh vật được lưu trữ trong băng vĩnh cửu. Điều này có thể gây nguy hiểm cho động vật và loài người hiện đại.
"Sự thay đổi trong hệ sinh thái khiến nhiều sinh vật di cư: nhiều loài ưa nhiệt phải tìm kiếm và phát triển vùng lãnh thổ mới. Đối với những loài thích ứng với điều kiện thời tiết lạnh, sẽ di cư vào những vùng lạnh giá hơn, tìm kiếm nguồn thức ăn mới, tuy nhiên, không phải mọi sự đều thuận lợi. Có cả những quá trình thích nghi với bệnh tật, đau đớn với điều kiện sống thay đổi", - nhà khoa học lưu ý.
Vị chuyên gia về địa lý và khí hậu thủy văn còn cho thấy biểu đồ về sự gia tăng nhiệt độ trung bình hàng năm. Qua đó, có thể hiểu vì nguyên cớ nào vào giữa những năm 1930 và 1940, nhiệt độ toàn cầu bắt đầu lệch mạnh so với định mức theo hướng tăng đáng kể và tiếp tục tăng trong suốt thời gian qua.
Ông Shamov lý giải rằng có lẽ điều này xảy ra là do thực tế hậu suy thoái vào cuối những năm 20 của thế kỷ trước, thế giới đã chứng kiến quá trình phát triển, bùng nổ mạnh mẽ, điều này dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ đột ngột không liên quan đến hoạt động của con người.
Vai trò của con người trong quá trình nóng lên toàn cầu
"Để nói về vai trò của con người trong quá trình nóng lên toàn cầu, có lẽ (có sự ảnh hưởng) của toàn bộ quá trình chuẩn bị chiến tranh, sự phát triển tích cực của nền kinh tế - loạt sự kiện xảy ra ở nhiều địa phương riêng biệt tại các châu lục khác nhau. Tôi là người ủng hộ quan điểm rằng con người tham gia vào quá trình nóng lên toàn cầu, nhưng không phải là tác nhân chính. Chính yếu là toàn bộ những quá trình quỹ đạo, ngoài trái đất quyết định yếu tố nóng lên của bầu khí quyển. Có rất nhiều bằng chứng lý giải cho điều này", - nhà khoa học cho biết thêm.
"Những lo ngại do hiện tượng xoáy nghịch (vòng tuần hoàn gió ở quy mô lớn xung quanh một vùng áp cao), thường xuyên xảy ra trong những thập kỷ gần đây, gây ra hạn hán và hỏa hoạn nghiêm trọng, ngoài ra còn có mưa lớn và lũ quét. Mặt khác, những cơn bão như vậy có liên quan đến việc bầu khí quyển vượt quá mức nhiệt thông thường", - nhà khoa học nói.
Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng do đặc thù của hoàn lưu khí quyển, các khu vực gần cực của Trái đất và các vùng núi cao của hành tinh trải qua hiệu ứng nhiệt mạnh hơn các vùng lãnh thổ và khu vực khác.
Ông Shamov nhấn mạnh rằng hậu quả của bầu khí quyển nóng lên là không thể bỏ qua. Chúng ta cần nghiên cứu tất cả những quá trình trong khí quyển và thủy quyển, đặc biệt là ở các vùng tuần hoàn, kể cả trong vùng băng vĩnh cửu để hiểu rõ hơn về cơ chế của những hiện tượng này.