Ngày 27/7, thực hiện quyết liệt các biện pháp giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, vì không biết các ca bệnh đang ở đâu, nguồn lây bệnh thế nào, nên thành phố đang tập trung truy vết những nơi liên quan đến người Trung Quốc, nơi nhiều khách lưu trí, vừa tìm kháng nguyên, vừa tìm kháng thể để truy vết tìm nguồn lây bệnh.
Trong khi đó, Bệnh viện Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đề nghị phối hợp chỉ đạo việc giám sát 30 người bệnh và người nhà (thuộc khoa Tim mạch và khoa Ngoại tiết niệu) tự ý rời bệnh viện hôm 26/7 trong lúc cơ sở này đang cách ly.
Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng giãn cách từ 0 giờ ngày 28/7 theo Chỉ thị 19
Như đã thông tin, sáng nay, 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Tại phiên họp, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận các ý kiến phát biểu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, lãnh đạo Bộ Y tế, các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT, lãnh đạo TP. Đà Nẵng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng tình với quan điểm của Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế khi nhận định tình hình dịch bệnh do coronavirus tại TP. Đà Nẵng còn diễn biến phức tạp, chưa tìm được nguyên nhân lây nhiễm cộng đồng, ca F0.
Thủ tướng Chính phủ quán triệt tinh thần chủ động, không được để dịch bệnh lây lan từ Đà Nẵng ra cả nước cũng như toàn thành phố.
“Tuyệt đối không được chủ quan, không được mất cảnh giác cũng như không được hoang mang”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại yêu cầu đặt ra là bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng ở Đà Nẵng và các địa phương khác, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung cao độ, phản ứng nhanh, hiệu quả, bằng sức mạnh tổng hợp, tổng lực, phải thần tốc, truy vết, xét nghiệm diện rộng cho những đối tượng cần thiết để ngăn ngừa có hiệu quả việc lây nhiễm.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần phối hợp tốt, nhuần nhuyễn giữa lực lượng của các địa phương, đặc biệt là Đà Nẵng với cơ quan Trung ương mà trực tiếp là Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan có liên quan.
Đặc biệt, tại cuộc họp hôm nay, lãnh đạo Chính phủ đồng ý thực hiện giãn cách xã hội trên toàn TP. Đà Nẵng theo Chỉ thị 19 ngày 24/4/2020 về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với mức độ cao, thời gian thực hiện từ 0h ngày 28/7 và kéo dài ít nhất 14 ngày.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Việt Nam, trên toàn thành phố Đà Nẵng áp dụng Chỉ thị 19 nhưng tại những điểm là ổ dịch thì thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị 16 và việc phân định này do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng quyết định.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung xử lý triệt để đối với ba cơ sở y tế là Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và ba quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và Hải Châu, bởi đây là những địa điểm khu dân cư có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Trong ngày hôm nay, ít nhất sẽ có thêm 6 ca dương tính với SARS-CoV-2 được công bố, có cả nhân viên y tế, Thủ tướng yêu cầu tất cả các cơ quan chức năng phải vào cuộc, không để dịch lây lan toàn thành phố hay từ Đà Nẵng ra cả nước.
Thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại các lực lượng trực chiến, lực lượng phản ứng nhanh, điều phối liên ngành hỗ trợ Đà Nẵng giống như bộ tư lệnh tiền phương. Phản ứng kịp thời hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trước tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh tại Đà Nẵng. Hoàn thiện các kịch bản ứng phó với Covid-19.
“Phải thần tốc truy vết và xét nghiệm diện rộng cho một số đối tượng cần thiết để ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh. Trong đó có việc phối hợp tốt, nhuần nhuyễn giữa lực lượng của các địa phương, đặc biệt là Thành phố Đà Nẵng với các cơ quan Trung ương, trực tiếp là Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học công nghệ và các bộ ngành liên quan”, Thủ tướng chỉ đạo.
Trước đó, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài.
Giãn cách xã hội ở Đà Nẵng cần lưu ý những gì?
Theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng, yêu cầu giãn cách xã hội thực hiện với các nội dung đầy đủ, bao gồm cả việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, phương tiện giao thông công cộng.
Theo Chỉ thị 19, Đà Nẵng tạm dừng các hoạt động phục vụ khách, tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động và các hoạt động khác, cơ bản dừng các hoạt động vận chuyển hành khách công cộng trừ trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên liệu sản xuất, hàng hóa, hạn chế tối đa hoạt động của phương tiện cá nhân.
Điều quan trọng là những người từ TP. Đà Nẵng đến Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác đều được xem xét xét nghiệm, trường hợp cần thiết thì cách ly y tế. Những trường hợp cảm, sốt, ho đều phải đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.
Ngoài ra, tại cuộc họp, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế có trách nhiệm tăng cường nguồn lực hỗ trợ Đà Nẵng cả về công tác xét nghiệm, điều trị.
Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy hiệu quả của các phương tiện truyền thông trong phòng chống dịch; đề cao cảnh giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không được hoang mang, dao động, hỗ trợ Đà Nẵng trong việc truy vết các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng và các địa phương biên giới phải tăng cường kiểm soát và làm rõ trường hợp vi phạm.
Bộ Quốc phòng cũng phải xử lý nghiêm khắc các cán bộ, chiến sĩ, cá nhân, đơn vị, địa phương vi phạm Luật về quản lý biên giới. Các trung tâm cách ly phải tổ chức thực hiện nghiêm túc; tăng cường tiêu trùng, khử độc các vị trí có nguy cơ lây nhiễm.
Bộ Công an thực hiện chủ trương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” những địa bàn trọng điểm như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và 2 thành phố lớn. Bộ Công an có trách nhiệm điều tra, truy tố, xét xử những cá nhân, đơn vị vi phạm pháp luật trong vấn đề đưa người xâm nhập trái phép.
Ngành y tế cũng cần chú trọng hơn nữa bảo đảm an toàn cho lực lượng chức năng, phóng viên trên tuyến đầu chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, nâng cao năng lực sản xuất khẩu trang của Việt Nam, tránh để xảy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang.
Tiếp tục thực hiện các phương án xây dựng các khu cách ly tập trung, đặc biệt là TP. Đà Nẵng, các bệnh viện dã chiến phòng trường hợp diễn biến xấu của dịch có thể xảy ra
Thủ tướng nêu rõ, trong tình hình cấp bách, các địa phương cả nước cần phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, kinh tế Việt Nam đầu quý III vẫn có nền tảng vĩ mô tốt, xu hướng tích cực, kể cả đầu tư thương mại, cả kinh tế trong nước và xuất nhập khẩu.
Chính phủ sẽ kiên quyết triển khai các giải pháp kiểm soát tốt dịch bệnh trong phạm vi quốc gia đồng thời chỉ đạo tốt phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và nhân dân sản xuất kinh doanh.
“Chúng tôi cũng đề nghị các nhà đầu tư và nhân dân tin tưởng sự quản lý, điều hành của Chính phủ để bảo đảm nhịp độ phát triển của đất nước, nhất là chúng ta đang thúc đẩy thực hiện kế hoạch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế cùng với các địa phương chỉ đạo phòng chống các bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết, đồng thời, rà soát, xét nghiệm tất cả những người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thời gian gần đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm tại các thành phố lớn nhưng phải bình tĩnh để không có sự rối loạn xảy ra.
“Các ngành, chức năng đề cao cảnh giác trước nguy cơ kẻ xấu phá hoại đất nước lợi dụng sự việc xảy ra ca lây nhiễm tại Đà Nẵng”, lãnh đạo Chính phủ nêu rõ.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương, kể cả TP. Đà Nẵng, có phương án bảo đảm an toàn cho kỳ thi.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch đưa người Việt Nam có nhu cầu bức thiết về nước, kể cả nhóm người lao động tại Guinea Xích đạo với phương án đảm bảo an toàn.
Giám sát 30 người trốn khỏi Bệnh viện Đà Nẵng sau lệnh cách ly
Sáng 27/7, Bệnh viện Đà Nẵng ra thông báo kèm danh sách 30 bệnh nhân và người nhà tự ý rời bệnh viện hôm 26/7 trong lúc cơ sở này đang cách ly.
Cụ thể, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, BS. Nguyễn Thành Trung cho biết, nhiều ca bệnh trốn khi Bệnh viện Đà Nẵng được cách ly theo quy định.
Theo đó, sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện cách ly vào lúc 13h ngày 26/7 để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Do tâm lý lo lắng nên nhiều bệnh nhân và người nhà đã tự ý rời khỏi bệnh viện.
“Trong đó, tại khoa Tim mạch can thiệp có 15 người, khoa Ngoại tiết niệu có 15 người vắng mặt. Những người này hầu hết là người dân sống trên địa bàn TP. Đà Nẵng, một số khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi”, thông báo của lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.
Bệnh viện Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đề nghị phối hợp chỉ đạo việc giám sát những trường hợp này.
Cũng theo đại diện Bệnh viện Đà Nẵng, tính đến trưa nay, cơ sở này đã dừng tiếp nhận đồ tiếp tế của người nhà gửi vào bệnh viện để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Sức khỏe hai bệnh nhân Covid-19 416 và 418 diễn tiến nặng
Thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hai bệnh nhân số 416 và 418 tại Đà Nẵng hiện có các chỉ số tương đối ổn định.
Đây là hai trường hợp nặng nhất trong tổng số 55 ca mắc coronavirus đang điều trị tại các cơ sở y tế của Việt Nam.
Đặc biệt, Tiểu ban Điều trị nhận định các chỉ số và chức năng trong phạm vi kiểm soát, nhưng tiên lượng rất nặng, khả năng vẫn tiếp tục thở máy, ECMO phổi nhân tạo, lọc máu liên tục.
Cụ thể, bệnh nhân 416 nhập viện Bệnh viện C Đà Nẵng từ ngày 20 đến sáng 24/7 với chẩn đoán viêm phổi. Tới 9h30 ngày 24/7, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng với chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do nhiễm SARS-CoV 2, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn.
Trường hợp bệnh nhân mắc nCoV này diễn biến tăng nặng rất nhanh, phải chạy ECMO (hệ thống tuần hoàn oxy ngoài cơ thể (còn gọi là hệ thống tim phổi nhân tạo), đến hôm nay là ngày thứ 4, lọc máu liên tục, thở máy hỗ trợ. Đến sáng ngày 27/7, bệnh nhân còn sốt nhẹ (37-38 độ C). Bệnh nhân không ghi nhận dấu hiệu xuất huyết.
Trong khi đó, ca bệnh số 418 đang được điều trị tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng từ 21/7 với chẩn đoán theo dõi lao phổi bội nhiễm trên nền bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc cuối giờ chiều 23/7. Tới 2h30 ngày 26/7, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Y học nhiệt đới cùng bệnh viện.
Nam bệnh nhân 61 tuổi này đã gặp biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp, hiện nằm yên dưới tác dụng an thần, giãn cơ, sốt nhẹ, có thở máy hỗ trợ.
Bệnh nhân đến hôm nay nằm yên dưới tác dụng an thần, giãn cơ; nhiệt dao động từ 37-39 độ C. Bệnh nhân phải thở máy hỗ trợ, không ghi nhận dấu hiệu xuất huyết. Theo Tiểu ban Điều trị, bệnh nhân này có tiên lượng rất nặng, tiếp tục thở máy và lọc máu liên tục.
Trước đó, trong tối 26/7, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê đã yêu cầu ngành Y tế Đà Nẵng tập trung tối đa mọi nguồn lực để ưu tiên quản lý, điều trị chăm sóc toàn diện cho các người bệnh đặc biệt là ca bệnh 416, 418 đang có diễn biến nhanh và nặng.
Đến chiều nay, ngành Y tế Đà Nẵng đã quyết định chuyển các bệnh nhân mắc coronavirus từ Bệnh viện Đà Nẵng sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để điều trị.
Bên cạnh đó, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) cũng cho hay, chiều nay, hơn 100 bệnh nhân mãn tính và các bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ khác tại Bệnh viện Đà Nẵng sẽ được chuyển sang BV 199 để tiếp tục điều trị.
Đà Nẵng tập trung truy vết những nơi liên quan đến người Trung Quốc
Ngày 27/7, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, bắt đầu từ chiều 27/7, Thành phố sẽ áp dụng mạnh mẽ các biện pháp cách ly xã hội và giãn cách xã hội.
Theo lãnh đạo TP. Đà Nẵng, do không biết các ca bệnh ở đâu, nguồn bệnh thế nào nên TP tập trung lực lượng cách ly toàn bộ những người tiếp xúc gần F1. Riêng 2 bệnh viện đã 7.000-8.000 người.
“Nếu tính cả ngoài cộng đồng nữa thì lên đến 10.000 người. Thành phố đang tập trung truy vết những nơi liên quan đến người Trung Quốc, nơi nhiều khách lưu trú, vừa tìm kháng nguyên, vừa tìm kháng thể để truy vết tìm nguồn lây bệnh. Hiện nay, ngành y tế đã lấy tổng số lượng mẫu bệnh phẩm gần 3.000 người, đã xét nghiệm hơn 1.000 mẫu, đề nghị các Trung tâm Y tế hỗ trợ cho Đà Nẵng xét nghiệm rộng hơn ngoài cộng đồng để có thể đánh giá chính xác”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.
“Chúng tôi thống nhất áp dụng Chỉ thị 16 là Chỉ thị cao nhất về phòng chống dịch. Tuy nhiên đối với TP Đà Nẵng có những điểm khác với đầu tháng 3 vừa qua. Hồi đó phòng thủ là chính, ngăn chặn dịch từ bên ngoài vào. Còn bây giờ đã trở thành tâm dịch. Do đó chúng tôi thay đổi cách thức không chỉ lập các chốt kiểm soát mà phải tìm các ca bệnh từ bên trong”, lãnh đạo TP. Đà Nẵng nêu rõ.
Trong chiều nay, UBND TP Đà Nẵng sẽ công bố chi tiết những vùng cách ly, vùng nào thực hiện giãn cách để áp dụng.