Toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, lãnh đạo các địa phương phải “ra tay”, người dân không được mất cảnh giác, Bộ Quốc phòng và Hà Nội kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Trong khi đó, Bộ Y tế hỗ trợ giúp Đà Nẵng nâng cao năng lực xét nghiệm lên 5.000-7.000 xét nghiệm mỗi ngày, chạy đua với thời gian, bằng mọi giá phải dập dịch thành công ổ dịch coronavirus ở Đà Nẵng.
Nỗi lo dịch bệnh bùng phát, lây lan nhanh chóng, thậm chí “vỡ trận nếu lơ là” trước đại dịch Covid-19 “đang rất thật” ở Việt Nam. Tuy nhiên, toàn Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân đều đang đồng lòng, quyết tâm để một lần nữa chiến thắng coronavirus.
Vẫn chưa phát hiện nguồn lây nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng
Sáng nay 29/7, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã tổ chức phiên họp trực tuyến với các địa phương, bộ ngành về công tác phòng, chống Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp ủy, đảng của các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch, huy động hệ thống chính trị và nhân dân cùng đồng hành tham gia.
Các địa phương cần phải có kịch bản ứng phó với Covid-19, cũng như phải có những biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng chống dịch.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này tại Đà Nẵng đã ghi nhận 30 trường hợp nhiễm coronavirus, trong đó có 27 người ở Đà Nẵng, 2 ca ở Quảng Nam, một người ở Quảng Ngãi. Đa số các trường hợp mắc Covid-19 là người từ 40 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, dự kiến chiều nay, Bộ Y tế sẽ công bố thêm 4 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 1 ca tại Hà Nội là nhân viên bán Pizza tại cửa hàng 106 Trần Thái Tông, Cầu Giấy. Bệnh nhân này có tiền sử đi lại đến Đà nẵng từ ngày 12-15/7 cùng gia đình gồm 32 người. Sáng 23/7, bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt nhẹ, ngày 28/7 đến khám tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và kết quả ban đầu cho thấy dương tính với virus SAR-CoV-2.
Hai ca dương tính tiếp theo là 2 vợ chồng quốc tịch Mỹ trú tại Quận 8 (TP.HCM). Trước đó, người chồng đã đến Đà Nẵng 2 lần trong tháng 6 và 7, khám và điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Sau khi quay trở về TP.HCM, bệnh nhân bắt đầu khởi phát các triệu chứng và đến khám tại bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 28/7 kết quả xét nghiệm cho thấy cả 2 trường hợp này đều dương tính.
Ca còn lại được ghi nhận tại Đắk Lắk là nhân viên y tế thực tập tại bệnh viện Đà Nẵng, sau khi quay trở về được xét nghiệm và phát hiện mắc Covid-19.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, các cơ quan chức năng hiện nay xác định ổ dịch không chỉ giới hạn trong bệnh viện mà còn có thể bao gồm các khu vực lân cận bên ngoài, do đó, vấn đề đáng quan tâm hiện tại là có ba trường hợp chưa tìm được nguồn lây nhiễm. Cụ thể là các ca nhiễm nCoV tại quận Hải Châu, Sơn Trà TP. Đà Nẵng dù đã tiến hành điều tra kỹ.
Đối với những địa phương khác trên cả nước, hiện nay, Việt Nam chỉ phát hiện khả năng cao bệnh xâm nhập từ Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk, Đắk Nông. Do đó, GS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị hiện tại, ưu tiên tối đa dập dịch ở Đà Nẵng.
“Dập ổ dịch của Đà Nẵng hết sức quan trọng, quyết định thành công vấn đề kiểm soát lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, Đà Nẵng cần phải chạy đua với thời gian và triển khai nhanh tất cả các biện pháp”, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định.
Đà Nẵng sẽ có thể tiến hành 5.000-7.000 xét nghiệm mỗi ngày
Cùng với đó, GS.TS Nguyễn Thanh Long yêu cầu tăng cường hỗ trợ để giúp Đà Nẵng nâng cao năng lực xét nghiệm. Hiện thành phố có thể tiến hành trung bình 1.000 xét nghiệm, tối đa là 2.000 xét nghiệm/ngày. Như vậy vẫn còn hạn chế. Do đó, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dưới sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đà Nẵng đặt mục tiêu xét nghiệm từ 5.000-7.000 mẫu mỗi ngày.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ nguồn lực, sinh phẩm y tế để thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, cũng như tăng cường hỗ trợ trang thiết bị y tế, hỗ trợ máy thở nhân tạo, ECMO để điều trị bệnh nhân, tạo thuận lợi hỗ trợ chuyên môn, nguồn lực, cả bệnh viện dã chiến đề phòng dịch diễn biến xấu.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã cử đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế từ Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng, đồng thời lập một phòng xét nghiệm ngay tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Viện Pasteur Hồ Chí Minh hỗ trợ CDC Đà Nẵng, thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện 199 Bộ Công An. Dự kiến, ngày 30/7, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga sẽ đến Đà Nẵng hỗ trợ với việc thành lập một phòng thí nghiệm di động và Học viện Quân y hỗ trợ Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xét nghiệm.
Bộ Y tế cũng đã giao trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, tỉnh Quảng Nam để có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm tại đây.
Liên quan đến việc điều chỉnh các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bộ Y tế yêu cầu chuyển tất cả các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Đà Nẵng về Bệnh viện Trung ương Huế điều trị.
Đối với tất cả địa phương trên cả nước, ông Nguyễn Thanh Long đề nghị tiếp tục tăng cường năng lực, khả năng xét nghiệm để đảm bảo cho công tác phát hiện, khoanh vùng, dập dịch và điều trị.
Về phần mình, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết đã kích hoạt các biện pháp "chống dịch như chống giặc" như trước đây, siết chặt quản lý địa bàn ở những nơi có nguy cơ cao, tập trung quản lý ở các khu cách ly tập trung, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly khi cần cách ly số lượng lớn hơn. Bộ cũng yêu cầu lực lượng biên phòng các địa phương rà soát, kiểm tra chặt chẽ các khu vực biên giới.
Dịch Covid-19 phức tạp hơn, phải khống chế tốc độ lây nhiễm coronavirus
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lần này dịch bệnh diễn biến có phần phức tạp hơn so với trước, do đã có sự lây lan ra cộng đồng nhiều ngày và chưa tìm được F0.
“Tình hình phức tạp và diễn biến nhanh trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều nguy cơ lây nhiễm giữa các địa phương, trước hết là các Thành phố lớn, các tỉnh xung quanh Đà Nẵng, trong thời gian ngắn đã lây nhiễm lên 27 ca, trong đó có các Thành phố lớn. Chính vì vậy, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, không được để vỡ trận, không được chủ quan. Vì khi tình hình xấu rồi sẽ trở tay không kịp. Các địa phương phải tuyên truyền lại ở các cấp độ khác nhau để nhân dân đề cao cảnh giác”, - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tường đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện của Thường trực Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo. Theo đánh giá, các địa phương đều có nguy cơ cao. Hệ thống chính trị, cũng như lãnh đạo địa phương phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác thực hiện các biện pháp cần thiết.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế, tài chính và các địa phương phải đảm bảo năng lực cho hệ thống y tế, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, gồm cả công cụ xét nghiệm và đảm bảo an toàn cho các lực lượng có liên quan. Bên cạnh đó là đẩy mạnh truy tìm F1 và cách ly nhanh. Các đơn vị thuộc lực lượng quân đội, đặc biệt là Quân khu 5, cần thực hiện cách ly cho người dân Đà Nẵng tốt nhất, bởi đây là nơi có số lượng cần cách ly đông.
Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng cần tăng cường thêm phương tiện, cán bộ chuyên gia trong lĩnh vực xét nghiệm, không chỉ cho địa phương mà cả các địa phương khác khi có yêu cầu. Đặc biệt, tăng cường xét nghiệm, nhất là ở những địa phương có điều kiện, đối với những cá nhân tiếp xúc với bệnh nhân và tiếp cận nhưng nơi ổ dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý phương án tăng cường vị trí điều trị ở các bệnh viện trung ương, bệnh viện quân đội, các bệnh viện ở Huế, Quảng Nam để điều trị cho bệnh nhân có bệnh nền nặng. Đối với các trường hợp cần thiết, phải tăng cường xét nghiệm kịp thời hơn. Đặc biệt, cần kêu gọi những người sốt, ho để chủ động đi xét nghiệm để sàng lọc các ca nhiễm.
Thủ tướng nhất trí với chủ trương đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ sở y tế tư nhân; ở Trung ương do Thủ tướng quyết định, ở địa phương sẽ do Chủ tịch UBND quyết định.
Căn cứ trên hoàn cảnh cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương được áp dụng Chỉ thị 19 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng kịp thời.
Với Đà Nẵng yêu cầu áp dụng triệt để Chỉ thị 16. Mỗi địa phương đều phải có kịch bản ứng phó với Covid-19 như giai đoạn đầu đã triển khai, trong đó phải có những biện pháp khuyến cáo đến nhân dân về phòng chống dịch. Các địa phương đều phải tổ chức tốt quản lý dân cư, an ninh trật tự, nhất là đảm bảo bình ổn giá cả hàng hóa dịch vụ, không được để xảy ra tình trạng lộn xộn.
“Không được ngăn sông cấm chợ nhưng có biện pháp cần thiết ngăn chặn dòng người rất đông đã đi đến các địa phương khác từ thành phố Đà Nẵng”, Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng được yêu cầu làm tốt nhiệm vụ quản lý biên giới, Bộ Công an điều tra khởi tố các đối tượng đưa người trái phép vào Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương có biện pháp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng phải có nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là các địa phương đang xuất hiện dịch bệnh.
Cứ mỗi hai ngày một lần, BCĐ phòng chống dịch phải họp xử lý công việc, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xử lý các vấn đề cần thiết.
Hà Nội kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch Covid-19
Sáng 29/7, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 7 và bảy tháng đầu năm 2020, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh các sở, ban, ngành, UBND quận huyện, thị xã phải ngay lập tức kích hoạt trở lại các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và nỗ lực đẩy nhanh công tác phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm 2020.
Lãnh đạo thành phố giá đại dịch do coronavirus hiện đang diễn biến phức tạp, ca nhiễm mới tăng cao, đặc biệt tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi phát hiện các ca mắc nCoV chưa rõ nguồn lây nhiễm, các bệnh nhân di chuyển nhiều, tiếp xúc phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị tất cả sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khởi động lại toàn bộ hoạt động của ban chỉ đạo và các đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời, chuẩn bị nhân lực, vật lực cho phòng, chống dịch.
“Các quận, huyện, thị xã phát hiện dịch phải triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch như giai đoạn trước đã thực hiện”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn khi nhận được yêu cầu xác minh bệnh nhân từ các địa phương khác thì phải tập trung thực hiện ngay, không cần báo cáo lên các cơ quan cấp trên.
Cũng trong cuộc họp sáng nay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các phòng, trạm y tế, các bệnh viện kích hoạt toàn bộ công tác phòng, chống dịch, đồng thời tập trung phòng, chống các loại bệnh dịch khác, không để dịch chồng dịch.
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu phải chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông; đồng thời quán triệt, triển khai khởi động lại toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các nhà trường như sát khuẩn, đo thân nhiệt.
Đồng thời, tiến hành rà soát các trường hợp học sinh đi thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế từ ngày 1/7 đến nay. Sở cũng chuẩn bị mọi điều kiện để tuyển sinh trực tuyến đầu cấp lớp 1 và lớp 6.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, đối tượng cần quan tâm nhất là học sinh, bởi thành phố có 2,2 triệu học sinh, các cháu lại tập trung đông đúc tại một địa điểm”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ.
Về công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và Paragames 11, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cần làm việc với các cơ quan chức năng để có phương án sửa chữa hay làm mới làng vận động viên.