Sputnik mời các bạn theo dõi tổng quan đánh giá trong chuyên mục hàng tuần «Việt Nam trên báo chí nước ngoài».
Người Việt Nam hành động mau lẹ và toàn diện
Đại đa số các bài báo và thông tin về Việt Nam đều dành nói về đợt bùng phát mới của đại dịch coronavirus. Ngày 6 tháng 8, ghi nhận 34 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh tại Việt Nam lên 747 trường hợp, trong đó có tin buồn là 10 người tử vong. Kể từ khi phát hiện virus trở lại tại Đà Nẵng hôm 25 tháng 7, trong cả nước báo cáo 192 trường hợp mới, kể cả những bênh nhận không qua khỏi. Kể từ đó, đã phát hiện bệnh lây nhiễm ở ít nhất 10 địa điểm trên cả nước, - như tờ The Jakarta Post phản ánh. Báo này đưa tin về việc chuyển đổi sân vận động thể thao ở Đà Nẵng thành bệnh viện dã chiến với 1.000 giường và xét nghiệm lặp lại với 72.000 người Hà Nội vừa trở về từ thành phố trung tâm nghỉ dưỡng nổi tiếng, lần này sử dụng cách thức có độ chính xác cao hơn.
Tờ Nikkei Asia Review lưu ý sự thay đổi cách tiếp cận của Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống COVID-19 so với đợt bùng phát đầu tiên. Bây giờ, trong nỗ lực bảo toàn nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành phong toả theo điểm, tức là chỉ cô lập những khu vực ảnh hưởng như ổ dịch bệnh coronavirus. GDP của đất nước chỉ tăng 0,36% trong quý II so với 3,8% trong tháng 1 đến tháng 3.
IMF dự đoán rằng GDP của Việt Nam từ mức 7% vào năm 2019 sẽ giảm xuống 2,7% vào năm 2020. Đỉnh dịch, theo dự đoán, sẽ là trong vòng 10 ngày tới. Sau khi trải qua thời kỳ giãn cách xã hội trên toàn quốc, người Việt Nam nghĩ rằng cách tốt nhất để bảo vệ cộng đồng là thông báo cho những người khác về nguy cơ lây nhiễm.
Báo chí Nga cho biết, WHO đánh giá cao hành động của chính quyền Việt Nam. Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới đã gọi Việt Nam là tấm gương điển hình dành cho các nước khác.
«Việt Nam hành động mau lẹ và toàn diện, họ có hệ thống đủ sức giúp kiểm soát đợt bùng phát mới này. Đây là điều chúng ta cần được thấy ở tất cả các nước», - báo chí dẫn lời chuyên gia trọng trách của WHO.
Việt Nam và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Tờ báo uy tín The Diplomat đã dành một bài báo lớn giới thiệu lập trường của Việt Nam đối với chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Còn ấn phẩm Singapore CFR chuyên về chính sách đối ngoại thì nói về phản ứng của Hà Nội trước phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và sự thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Báo này viết: «Việc Hà Nội hoan nghênh cách tiếp cận cứng rắn hơn của Hoa Kỳ và Australia đối với Biển Đông không nhất thiết có nghĩa là Việt Nam sẽ sử dụng thời điểm này để khởi động vụ kiện đã được suy tính từ lâu chống lại Trung Quốc, hoặc là thậm chí thúc đẩy tăng tốc quan hệ đối tác chiến lược Việt-Mỹ.
Việt Nam giã từ than đá
Tờ Lexology trình bày chi tiết về Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã có hiệu lực: thương mại và phát triển bền vững, lối tiếp cận thị trường dành cho hàng hóa và dịch vụ, quy tắc xuất xứ hàng hoá, hàng rào phi thuế quan, sở hữu trí tuệ và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, mua sắm công và luật chống độc quyền.
Forbes kể rằng lợi nhuận của tập đoàn Vingroup tại Việt Nam giảm 60% trong bán niên thứ nhất sau khi từ bỏ quyền kiểm soát chuỗi bán lẻ cơ bản và tập trung vào mảng kinh doanh xe hơi và điện thoại thông minh.
Còn tờ Mongabay thông báo về kế hoạch của Vingroup - xây dựng thành phố du lịch Cần Giờ trị giá 9,3 tỷ USD trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn đã được UNESCO công nhận tại TP Hồ Chí Minh. Cũng chính tờ báo này dành bài viết dài phản ánh cuộc cải cách khối điện lực của đất nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam công bố nhằm đáp ứng sự cần thiết từ bỏ than đá trong tương quan nhiều vấn đề hệ luỵ mà thứ nhiên liệu này gây ra. Chiến lược năng lượng mới của đất nước dành điểm nhấn nhiều hơn vào các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm phong điện và điện mặt trời, từ bỏ các kế hoạch đầu tư vào phát triển ngành khai thác than.