Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh, an toàn giao thông là vấn đề lớn, rất quan trọng vì tính mạng con người là trên hết, đồng thời yêu cầu phải trên tinh thần cái gì có lợi cho dân, làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành, “không quyền anh, quyền tôi” mà làm chậm trễ sự phát triển của đất nước.
Dự thảo Luật Phòng chống ma túy: Còn một số ý kiến nhau
Khai mạc phiên họp sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là các luật mang tính liên ngành, liên quan đến nhiều thành phần trong xã hội.
Bên cạnh những báo cáo, trao đổi chung, lãnh đạo Chính phủ phủ yêu càu thảo luận về các nội dung chuyên đề, liên quan trực tiếp đến ngành, lĩnh vực của mình, đặc biệt là các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình soạn thảo.
Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo tóm tắt về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Theo đó, đây là dự thảo gồm 8 chương, 67 điều, so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008 thì bản mới đã tăng 11 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa 47 điều và 13 điều quy định mới.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong quá trình xây dựng luật, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, có một số nội dung còn có các ý kiến nhau như việc chấp hành hình phạt tù trong khi đang cai nghiện bắt buộc, quy định về trình tự, thủ tục đưa người nghiện từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thời gian qua, về những nội dung này, đa số ý kiến thành viên Chính phủ cho rằng, người đang cai nghiện ma túy mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu bị tòa án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về các nội dung trên, đa số ý kiến thành viên Chính phủ cho rằng, người đang cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu bị tòa án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Luật nên giao Chính phủ quy định chi tiết việc lập hồ sơ đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để cai nghiện ma túy bắt buộc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tại Tòa án nhân dân.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, thời gian qua, nhiều đối tượng tìm cách xâm nhập Việt Nam, không chỉ biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ mà còn là nơi trung chuyển, chế biến ma túy. Từ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương các lực lượng công an, quốc phòng, nhân dân các địa phương lập nhiều thành tích trong đấu tranh phòng chống ma túy trong quá trình thực hiện Luật năm 2008.
Đối với quy trình cai nghiện ma túy bắt buộc, theo đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, cần minh bạch, rõ ràng, với trình tự thủ tục bảo đảm thận trọng, khách quan, chặt chẽ, đặc biệt khi áp dụng biện pháp này đối với người dưới 18 tuổi.
“Dự thảo Luật lần này đã nhấn mạnh việc hợp tác quốc tế trong phòng chống ma túy là cần thiết và vừa qua chúng ta đã làm tốt việc này”, Thủ tướng khẳng định.
Phát biểu chỉ đạo liên quan đến Dự thảo Luật Phòng chống ma túy, người đứng đầu Chính phủ cần nêu rõ tinh thần làm sao tạo khung pháp lý không quá cứng để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống ma túy.
Tiếp đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật, báo cáo Thủ tướng trước khi trình Quốc hội cho ý kiến thông qua.
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Bộ Công an tiếp tục có tờ trình tóm tắt về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 5 chương, 35 điều, Luật xác định rõ lực lượng tham giao bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, được tuyển chọn tham gia phối hợp, hỗ trợ công an chính quy trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã, tham gia xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc của Việt Nam.
Dự thảo Luật điều chỉnh đã thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là lực lượng tham gia hỗ trợ, tránh trùng lắp với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, phường, thị trấn chính quy và chính quyền cơ sở.
Lắng nghe tờ trình và các ý kiến đóng góp, phát biểu kết luận phần thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã được quy định riêng rẽ tại nhiều luật và nghị định.
Do vậy, Luật này là cần thiết nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của lực lượng tự quản tại cộng đồng dân cư, tham gia hỗ trợ cùng công an chính quy, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền.
“Vai trò của cơ sở rất quan trọng trong mọi phương diện từ nắm tình hình đến một số biện pháp trước mắt, kịp thời bảo đảm an ninh trật tự. Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc và các thành viên Chính phủ cơ bản đồng ý”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.
Theo lãnh đạo Chính phủ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở thể hiện tinh thần tự quản, tự nguyện, “không hành chính hóa về tổ chức và hoạt động”, với sự tham gia thực chất và giám sát chặt chẽ của nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội cơ sở.
Bên cạnh đó, tổ chức và hoạt động bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với đặc điểm dân cư, với yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự từng vùng, miền, khu vực, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân.
Về tuyển chọn, Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục hoàn thiện theo hướng quy định đầy đủ hơn về tiêu chuẩn, nguyên tắc, quy trình tuyển chọn. Về vai trò, mối quan hệ với các lực lượng khác tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, ngoài lực lượng này còn lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức, thực hiện theo Luật Dân quân tự vệ và một số lực lượng khác như bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.
“Cho nên, vấn đề đặt ra là cần quy định đầy đủ về cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, vai trò điều phối thống nhất của công an xã, phường, thị trấn chính quy, bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp nhưng không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, làm sao huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề.
Đồng thời, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc sắp xếp lại lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách như Dự thảo Luật cần được đánh giá rõ hơn tác động kỹ lưỡng về tổ chức, thành phần, số lượng, cơ cấu và kinh phí hoạt động để đảm bảo tính thuyết phục và khả thi.
Không để chồng chéo, trùng lắp quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe lãnh đạo Bộ Công an trình bày báo cáo tóm tắt về Dự án Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ gồm 8 chương, 84 điều.
Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng như nghe đại diện Bộ Giao thông vận tải trình bày báo cáo tóm tắt Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông vận tải trình.
Trong buổi làm việc, sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phần thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, an toàn giao thông là vấn đề lớn, rất quan trọng vì tính mạng con người là trên hết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc xây dựng Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, trên cơ sở tách ra từ Luật Giao thông đường bộ.
Người đứng đầu Chính phủ biểu dương công tác chuẩn bị của cơ quan chủ quản và sự phối hợp của các bộ trong xây dựng luật.
“Tất cả phải tinh thần “cái gì có lợi cho dân, làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành, không quyền anh, quyền tôi mà làm chậm trễ sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng nêu rõ.
Đối với vấn đề quản lý hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, tổ chức thực thi, nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là hợp lý, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Về nội dung quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, tập trung hoàn thiện hơn, bảo đảm tính bao quát, toàn diện, thống nhất, không chồng chéo, trùng lắp với lĩnh vực giao thông đường bộ đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
“Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về phân quyền chính quyền địa phương các cấp trong quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ”, Thủ tướng nói.
Ngoài ra, để phù hợp với tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, cần phải có lộ trình, bước đi trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động cụ thể, nếu quy định cụ thể ngay trong luật sẽ gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành. Do vậy, nhất trí với các ý kiến đề xuất, Luật này chỉ mang tính nguyên tắc.
Cần tiếp tục làm rõ, xử lý hợp lý mối quan hệ giữa Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ, tiếp tục làm rõ các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ trong các luật khác như Luật Hàng hải, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật, báo cáo lãnh đạo Chính phủ trước khi trình lên Quốc hội.