Trong bài viết cho Sputnik, nhà phân tích Piotr Tsvetov viết về điều này.
Chắc là chính bởi vậy cả Nga và Việt Nam đều nhớ rất rõ tên người lúc đó giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị - ông Gherman Stepanovich Titov. German Titov - nhà du hành thứ 2 bay vào vũ trụ đã là người có sự hấp dẫn riêng. Và ở Việt Nam mọi người đều biết rằng, vào năm 1962, trong thời gian ở thăm Việt Nam, Gherman Titov đã ghé thăm Vịnh Hạ Long cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó Chủ tịch nước Việt Nam đề nghị đặt tên cho một hòn đảo là Đảo Titov - để ghi dấu kỷ niệm chuyến đi đó. Hiện nay, trên hòn đảo này có tượng đài Anh hùng phi công vũ trụ Gherman Titov.
Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Xô-Việt
Tuy nhiên, Gherman Titov không phải là chủ tịch đầu tiên của Hội hữu nghị Xô-Việt, mặc dù ông đã lãnh đạo hội trong một thời gian rất dài từ năm 1966 đến năm 1991.
Ngày 1-8-1958 báo Sự thật - tờ báo lớn nhất của Liên Xô có đăng tin “Ngày 31-7-1958 tại Matxcơva đã diễn ra cuộc họp của nhóm sáng kiến thành lập Hội Hữu nghị Xô - Việt... Tại cuộc họp đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Xô-Việt, đồng chí I.V.Goroshkin, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga (RSFSR), được bầu làm Chủ tịch Hội”.
Ngày nay chỉ có ít người nhớ tới tên tuổi của Ivan Vasilyevich Goroshkin. Song, tiểu sử của ông mang những nét điển hình tiêu biểu của nhiều người cùng thế hệ với ông, Goroshkin đã giữ những chức vụ quan trọng, có trách nhiệm trong giới lãnh đạo Liên Xô. Dưới đây là những gì chúng tôi biết được về cuộc đời và công việc của vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Xô-Việt.
Ivan Vasilyevich Goroshkin sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở vùng Penza vào năm 1905. Cách mạng Tháng Mười đã mở ra khả năng để một cậu bé từ làng nhỏ có thể trở thành kỹ sư - năm 1930 Ivan đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa Matxcơva và bắt đầu làm việc tại các nhà máy chế tạo máy ở thủ đô Liên Xô, bao gồm cả Nhà máy Ô tô số 1 mang tên Stalin. Sự trung thành với lý tưởng cộng sản và kỹ năng tổ chức của I.V. Goroshkin đã được đánh giá đúng đắn, và kể từ năm 1941 ông tham gia công tác đảng. Từ năm 1943 đến năm 1947, ông là bí thư thứ nhất của Quận ủy Vô sản Mátxcơva. Trong những năm tiếp theo I.V. Goroshkin đã làm việc trong Hội đồng Trung ương các Công đoàn toàn Liên Xô, và trong thời gian sáu năm từ 1949 đến 1955 Goroshkin giữ chức Thư ký Hội đồng Trung ương các Công đoàn toàn Liên Xô.
Vào tháng 3 năm 1955, Ivan Goroshkin được bầu làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga (RSFSR), tức là ông đứng đầu nghị viện của nước cộng hòa lớn nhất trong thành phần Liên Xô. Và trong khi giữ chức vụ này, vào năm 1958, ông được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Xô-Việt. Biết được chính sách nhân sự thời bấy giờ, thật hợp lý khi cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã xuất phát từ quan điểm rằng, để nâng cao uy tín của hội hữu nghị mới, nên đề cử một người không chỉ dày dặn kinh nghiệm mà còn là quan chức cấp cao của Nhà nước vào chức vụ Chủ tịch Hội. Nhiệm vụ chính mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đặt ra cho hội hữu nghị mới là truyền bá kiến thức về cuộc sống của một đất nước xa xôi nhưng rất gần gũi với nhân dân Liên Xô, về những thành công của nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và Hội Hữu nghị Xô-Việt đã thực hiện thành công nhiệm vụ này.
Chức vụ cuối cùng của ông Goroshkin trước khi nghỉ hưu vào năm 1976 là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Lao động và Tiền lương thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Ivan Vasilyevich Goroshkin đã qua đời ở Matxcơva vào năm 1983. German Titov, Yevgeny Glazunov, Vladimir Buyanov tiếp tục công việc của ông ở cương vị chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Xô-Việt.