Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà hôm nay báo cáo trước các đại biểu Quốc hội về an ninh nguồn nước của Việt Nam.
Cùng với đó, khảo sát của Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội chỉ rõ, Việt Nam chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông. 25 năm tới, tỉnh Cà Mau của Việt Nam có nguy cơ ngang bằng với mực nước biển dâng.
63% lượng nước sông của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài
Sáng nay, 17/8, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tiến hành phiên điều trần về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và lãnh đạo nhiều Bộ, Ngành, cơ quan tham dự và có ý kiến thảo luận tại phiên điều trần.
Tại phiên giải trình này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Việt Nam không phải nhóm giàu tài nguyên nước.
Theo thông tin mà ông Nguyễn Xuân Cường cung cấp trước Thường vụ Quốc hội, tuy Trái đất chứa lượng nước rất lớn – nhưng chỉ có 3% nước trên hành tinh là nước ngọt (thậm chí chưa đầy 2/3 lượng nước ngọt này tồn tại ở dạng sông băng, mũ băng ở các cực), còn 97% là nước mặn.
“Điều đó càng khẳng định nước ngọt là rất hữu hạn và ngày càng khan hiếm chứ không phải “nhiều như nước”, Bộ trưởng Cường nêu rõ.
Theo Tư lệnh Bộ Nông nghiệp, từ năm 2000, Hội đồng Nước thế giới đã nhận định “thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng về nước”, do đó, an ninh nguồn nước vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp trong sự phát triển chung của nhân loại.
Theo Bộ trưởng Cường, để đánh giá An ninh nguồn nước của một quốc gia cần dựa vào các khía cạnh: An ninh nước trong sinh hoạt, phát triển kinh tế, đô thị, môi trường, và khả năng thích ứng với các thảm họa liên quan tới nước.
Hiện nay, khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới hiện đang bị thiếu nước, dự báo đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên nằm trong 108 lưu vực với tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168 nghìn km2. Trong đó 837 nghìn km2 diện tích lưu vực (chiếm 71,7%) nằm ở nước ngoài, chỉ có 331 nghìn km2 diện tích lưu vực (chiếm 28,3%) là nằm trong lãnh thổ Việt Nam.
Mặc dù có hệ thống sông ngòi dày đặc, với 109 sông chính, 126 con sông từ nước ngoài chảy vào, tổng lượng nước mặt trung bình của tất cả các con sông vào khoảng 840 tỷ mét khối (m3), trong đó khoảng 520 tỷ mét khối (tương ứng 63% tổng lượng nước mặt) sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ của Việt Nam.
Cả nước có khoảng trên 7.160 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích ước tỉnh khoảng 70 tỷ m3. Về nguồn nước dưới đất có trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm (tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm, tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam vào khoảng 1.940-1.960mm (tương đương với khoảng 640 tỷ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông sẽ có tác động đến biến đổi dòng chảy về nước ta, dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện sông Mekong có tới 90,1% lượng nước đến từ các quốc gia trên thượng nguồn, sông Hồng 38,5%, sông Cả 18,4%, sông Mã 27,1%.
“Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng, và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu rõ.
Việt Nam đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng
Theo nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mekong Quốc tế năm 2017 công bố, khi các công trình thủy điện của các quốc gia phía thượng nguồn hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi vô cùng lớn, không thể đảo ngược đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), dự kiến lượng phù sa về ĐBSCL có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040.
Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, tại Việt Nam chất lượng nước trên các lưu vực sông đang bị suy giảm và trở thành vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa thời gian qua đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông. Hiện các hồ và kênh mương ở các khu vực đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải.
Bên cạnh đó, việc khai thác nước dưới đất thiếu quy hoạch, khai thác quá mức đã gây ra nhiều hệ lụy như sụt, lún đất, đặc biệt là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
“Tài nguyên nước chưa được coi là một loại hàng hóa đặc biệt, giá dịch vụ nước chưa được tính đúng, tính đủ nên ý thức về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước không cao, còn gây lãng phí nước. Phần lớn trong chúng ta vẫn còn suy nghĩ nguồn nước là vô tận và sẵn có”, ông Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.
“Mức độ ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố lớn, các khu tập trung dân cư rất nghiêm trọng. Trong tổng lượng nước thải phát sinh ra các lưu vực sông, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng để đảm bảo an ninh nguồn nước trong tương lai với tầm nhìn 50-100 năm tới, thì phải thay đổi tư duy mạnh mẽ, đầu tư đúng và đủ, phối hợp liên vùng và liên quốc gia thì mới có thể khắc phục được bất cập, thách thức đang đặt ra.
Trong đó, kết cấu hạ tầng về nước đặc biệt quan trọng. Bộ trưởng Cường nhấn mạnh cần nâng cao mức bảo đảm an toàn công trình, hiệu quả quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng ngành nước, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thông minh, hiện đại hoá hệ thống ngành nước.
Tiếp đó, về nhóm giải pháp mềm (phi công trình), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hơn bao giờ hết, cần nâng cao nhận thức về nguồn nước, tổ chức quản lý và khai thác nguồn nước. Cần nâng cao nhận thức và hành động cho từng cá nhân, tổ chức từ Trung ương đến địa phương về nguồn nước và đảm bảo an ninh nguồn nước.
Việt Nam: Thừa nước gây lũ, thiếu nước do khô hạn và xâm nhập mặn
Phát biểu trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tài nguyên nước mặt, nước ngầm khá phong phú, nhưng nguồn nước mặt bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh.
Theo ông Trần Hồng Hà, hàng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta lượng nước khoảng 520 tỷ m3 (chiếm khoảng 63%). Tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 9.434 m3/người/năm, cao so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, do tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3/người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900m3/người/năm.
Tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm vào khoảng 80,6 tỷ m3, chiếm gần 10% tổng lượng dòng cả nước. Trong đó, trên 80% được sử dụng cho nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm), cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thuỷ sản và sinh hoạt.
“Việt Nam đối mặt với hai vấn đề, một là thừa nước gây ra lũ lụt, xói mòn, hai là thiếu nước do khô hạn và xâm nhập mặn. Chúng ta phải chuyển đổi nền kinh tế để thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt là với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ.
Bao giờ hết ô nhiễm các sông quanh Hà Nội?
Trả lời câu hỏi của DBQH liên quan đến thực trạng ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông ở miền Bắc như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu và sông Tô Lịch, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho hay, với các lưu vực sông lớn của Việt Nam, hiện nay đa số chưa chịu ảnh hưởng tác động từ sản xuất và khả năng chịu tải còn tốt nên chỉ xảy ra ô nhiễm cục bộ tại các khu vực khai thác khoáng sản.
Điểm đáng lưu ý là vấn đề ô nhiễm môi trường tập trung chủ yếu xảy ra ở phía hạ nguồn, thậm chí ô nhiễm trầm trọng ở các khu vực đô thị, dân cư hay khu công nghiệp.
“Đối với khu vực sông Nhuệ, sông Đáy thì 70% ô nhiễm môi trường là do nước thải sinh hoạt ở các địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam... chưa được xử lý, trong đó Hà Nội phải chiếm đến 2/3. Lượng nước thải sinh hoạt được xử lý hiện nay chỉ rơi vào khoảng 20-30% và phần lớn các nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề cũng chưa được xử lý”, ông Trần Hồng Hà cho biết.
Đối với thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, thành phố hiện đang đầu tư xây dựng công trình để thu gom toàn bộ lượng nước sinh hoạt và xử lý tập trung nhưng phải đến năm 2023 mới xong.
Trước mắt, theo ông Hà, để giải quyết tình trạng ô nhiễm ở sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu và sông Tô Lịch, cần chấp nhận phương án điều tiết nước trong mùa khô, đặc biệt trên hệ thống cống Liên Mạc, cụ thể là lấy thêm lưu lượng để tăng dòng chảy, giảm ô nhiễm.
“Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là vào mùa khô mực nước sông Hồng đang thấp hơn so với cống nên nếu không đầu tư hệ thống bơm đủ mạnh để bổ sung nước thì sẽ không khả thi”, Bộ trưởng Hà lưu ý.
Thứ hai là ra đời cơ chế để các bên cùng làm việc với nhau, quản lý được khi nào thì cần bổ sung, điều tiết nước. Để làm được như vậy cần xây dựng các hệ thống quan trắc, nắm được tình hình để đưa ra quyết định điều tiết phù hợp.
Đối với giải pháp dài hạn, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh cần tập trung vào vấn đề quy hoạch, trong đó có quy hoạch về tài nguyên nước tiếp cận theo lưu vực sông, địa phương để bố trí lại sơ đồ dân cư và điều chuyển các nhà máy, cụm công nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường.
Đâu là những thách thức với an ninh nguồn nước của Việt Nam?
Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát, ông Nguyễn Vinh Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, trong tháng 7/2020, Ủy ban này đã tổ chức 2 đợt khảo sát về nội dung phiên giải trình tại 14 tỉnh, thành phố tại Bắc Trung bộ, duyên hải Miền Trung, Nam trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây bắc.
Báo cáo cho thấy, các đập, hồ chứa quan trọng, hồ chứa nước lớn có độ an toàn cao do được kiểm soát tốt từ khâu xây dựng, có quy trình vận hành, có tổ chức quản lý đủ điều kiện, được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp.
“Nhiều hồ, đập được xây dựng cách đây 30 - 50 năm điều kiện thiết kế, thi công còn hạn chế, chủ yếu là đập đất nên khả năng mất an toàn cao. Nhiều hồ, đập không có quy trình vận hành khi thiết kế; không được kiểm định trước mùa mưa lũ; không có trang thiết bị quan trắc, giám sát an toàn”, ông Nguyễn Vinh Hà trình bày cho biết.
“Nguồn nước mặt chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài, 71,7% diện tích lưu vực các sông ở bên ngoài lãnh thổ, 7/13 sông lớn, quan trọng là sông liên quốc gia, 63% nguồn nước mặt xuất phát từ ngoài lãnh thổ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định.
Bên cạnh đó, kết quả giám sát chuyên đề an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng chỉ ra 8 thách thức đối với an ninh nguồn nước của Việt Nam.
Theo đó, thách thức thứ nhất là vấn đề thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian, mùa mưa lũ thì nước nhiều gây lũ, lụt, mùa khô thì hạn hán, xâm nhập mặn.
Cụ thể, phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP. Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số, trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước. Trong khi đó, 60% lượng nước còn lại là ở vùng ĐBSCL, nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng cũng đang chịu tác động từ sử dụng nước khu vực thượng nguồn.
Lưu vực sông Đồng Nai với khoảng 4,2% lượng nước, nhưng đang đóng góp khoảng 30% GDP của cả nước. Lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80%, trong khi đó 7-9 tháng mùa kiệt chỉ có 20-30% lượng nước cả năm.
Thiếu nước còn do nhu cầu sử dụng tăng do phát triển kinh tế - xã hội như cho mục đích phát điện, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, do quản trị nước còn hạn chế, chưa tích trữ được nước tại chỗ, chưa điều chuyển nước được từ nơi thừa sang nơi thiếu và cả do chưa sử dụng nước tiết kiệm.
Thứ hai, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất. Biến đổi khí hậu kéo theo hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, xâm mặn, lượng mưa phân bố không đều trong năm, mùa khô kéo dài và mùa mưa lượng mưa tăng đột ngột, xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét, thay đổi lưu lượng dòng chảy... gây áp lực lên hệ thống thủy lợi, mực nước biển dâng cao, hạn chế diện tích canh tác.
Thứ ba, vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Do tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội nên gia tăng vấn đề xả thải vào nguồn nước các sông, suối. Hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn vào sâu hơn, ảnh hưởng đến nhiễm mặn các dòng sông đặt ra vấn đề chống xâm mặn ở những nơi chưa từng xảy ra như ở Sông Lam (Nghệ An), Sông Cả (Thanh Hóa), sông Vu Gia- Thu Bồn (Quảng Nam) nên ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất của nhiều địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng có nước nhưng không sử dụng được hoặc sẽ phải tăng chi phí để xử lý nước, đồng thời đặt ra vấn đề cần xây dựng các cống để trữ ngọt, ngăn mặn trên các hệ thống sông này.
Thứ tư, nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế. Tuy Việt Nam có tới 3.500 sông suối có chiều dài từ 10 km trở lên, có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000km2 nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% lại ở khu vực đầu nguồn.
“Do đó, chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa; việc chuyển nước từ dòng chính sông Mê Kông ra khỏi lưu lực (Thái Lan) ảnh hưởng lượng nước cấp cho đồng bằng sông cửu long”, ông Nguyễn Vinh Hà nhấn mạnh.
Thách thức thứ 5 là khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Thứ sáu, vấn đề mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông cũng như cho các mục đích sử dụng như mâu thuẫn trong việc chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu bồn (phục vụ Nhà máy Thủy điện Đăkmi 4, tỉnh Quảng Nam) cũng làm giảm lượng chảy về hạ lưu của sông Vu Gia – là nguồn cung cấp nước chính cho thành phố Đà Nẵng, hoặc Hồ thủy điện A Vương đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nước của 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng nhưng có thời điểm khác biệt về nhu cầu giữ nước và xả nước gây mâu thuẫn cho vận hành.
Thách thức thứ bảy là vấn đề bảo vệ nguồn sinh thủy. Hiện nay chất lượng và diện tích rừng đầu nguồn giảm, ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ nước của các lưu vực sông. Thêm vào đó, việc trồng rừng bằng cây công nghiệp, cây keo, bạch đàn, cao su cũng không có tác dụng trữ nước trên lưu vực.
“Tuy nhiên, tại các tỉnh đầu nguồn nước như tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La...thì việc bảo vệ nguồn sinh thủy còn bất cập, độ che phủ rừng chưa cao trong khi quỹ đất quy hoạch trồng rừng còn khá lớn (tỉnh Sơn la còn 299.000 ha đất quy hoạch cho trồng rừng; tỉnh Điện Biên hiện còn 229.000 ha...)”, ông Hà cho hay.
Thách thức cuối cùng theo khảo sát của Ủy ban là hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thuỷ lợi chưa còn chưa đáp ứng yêu cầu.
An ninh nguồn nước của Việt Nam: Phải nghĩ cho tương lai con em
Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nêu rõ thực trạng lượng nước dồi dào nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo để tích nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, thất thoát nước lớn, trong thủy lợi khoảng 30%, trong cấp nước sinh hoạt 25,5%, việc sử dụng nước chưa tiết kiệm.
“Nhiều hồ được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ XX nên công nghệ sử dụng lạc hậu, chủ yếu là đập đất. Hạ tầng đấu nối đi kèm không thể tương thích cũng làm giảm hiệu quả hoạt động của công trình. Nhiều hồ không thể tích được đủ nước theo dung tích thiết kế, thậm chí không thể tích nước, mất an toàn..nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng nước”, ông Nguyễn Vinh Hà phân tích.
Chốt lại phiên điều trần, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nhiều người lầm tưởng Việt Nam thừa nước ngọt, nhưng theo các tiêu chí quốc tế thì Việt Nam là quốc gia thiếu nước ngọt.
Nguy cơ này càng trầm trọng khi phải đối mặt với biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và kinh tế phát triển nóng. Kịch bản xấu có thể xảy ra là đến 2050, nước biển dâng thêm 21-25cm, theo dự báo, 25 năm tới, tỉnh Cà Mau của Việt Nam có nguy cơ ngang bằng với mực nước biển dâng.
“Trong tương lai Việt Nam phải đảm bảo nước sinh hoạt cho 115-120 triệu dân. Chúng ta phải giữ cho được hình thể đất nước, lấn biển chứ đừng để cho biển lấn. Do đó, cần thay đổi nhận thức, hoàn thiện hệ thống pháp lý đối với an ninh nguồn nước”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định.