Một tuần lễ trước đây, Nga là nước đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa COVID-19, chế phẩm của Bộ Quốc phòng và Trung tâm khoa học mang tên N.F. Gamaleya. Và còn thêm một loại khác đang được thử nghiệm tại Viện Nghiên cứu thuộc Cơ quan Y sinh. Hàng loạt nước đã quan tâm đến việc mua vaccine Nga, còn Tổng thống Mexico tuyên bố ông sẵn sàng làm người đầu tiên xung phong tiêm vaccine cho mình nếu hiệu quả được chứng thực. Quy mô sản xuất vaccine sẽ thế nào, liệu những người đã tiêm vaccine có tránh được không bị mắc bệnh từ coronavirus hay không - nhà khoa học Nga kể về chuyện này và nhiều điều khác trong cuộc phỏng vấn độc quyền của Sputnik.
Sputnik: Có không ít lời chỉ trích nhắm vào quý vị, cả từ các đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới, nói rằng họ chẳng nhìn thấy bất kỳ nghiên cứu khoa học nào ở đây…
Ông Dmitry Logunov: Có thực tế là trước tiên chúng tôi trình kết quả cho các chuyên gia của Bộ Y tế. Mục đích là làm sao sớm có được loại vaccine an toàn và hiệu quả, và điều này đã được thực hiện, còn sau đó là dịch các dữ liệu sang tiếng Anh và viết các bài báo khoa học. Quyết định công bố dữ liệu sau khi đã được Bộ Y tế xem xét, cho phép tiến hành kiểm tra khách quan. Vì vậy, sau khi chúng tôi đăng ký vaccine, trong những ngày gần tới, bài báo bằng tiếng Anh sẽ được gửi cho tạp chí quốc tế uy tín, được thông qua bình duyệt của các biên tập viên thẩm quyền và phản biện chuyên gia.
Sputnik: Quý vị dự kiến tăng cao năng lực sản xuất như thế nào?
Ông Dmitry Logunov: Đến cuối năm 2020, dự kiến sẽ đưa sản lượng vaccine lên 200 triệu liều, nếu huy động tất cả các cơ sở sản xuất, kể cả các cơ sở quốc tế đều tham gia.
Nhận thấy trên thế giới thể hiện mối quan tâm lớn đến vaccine mới, RDIF dự kiến tiến hành giai đoạn III thử nghiệm lâm sàng độc lập với Nga ở nhiều nước khác nhau, trong đó có Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Brazil và Philippines, cũng như bắt đầu sản xuất hàng loạt ở một số nước trong sự đối tác với các quỹ tài sản chủ quyền địa phương, bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc và Brazil. Ngoài ra, đang nghiên cứu khả năng sản xuất vaccine bổ sung ở Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Cuba.
Có hơn 20 nước đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua vaccine «Sputnik V» của Nga, trong đó có UAE, Saudi Arabia, Indonesia, Philippines, Brazil, Mexico và Ấn Độ.
Sputnik: Xin ông cho biết về các xét nghiệm xác định kháng thể hiệu quả nhất đối với coronavirus. Điều gì khiến cho công nghệ này trở nên độc đáo?
Ông Dmitry Logunov: Xét nghiệm dựa trên cơ sở ELISA (Xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzyme - kỹ thuật phân tử sinh học được ứng dụng tính đặc hiệu của kháng thể, cũng như độ nhạy của các xét nghiệm enzyme, để phát hiện và định lượng các phân tử như hormone, peptide, kháng thể và protein), là hệ thống được phát triển tại Trung tâm mang tên N.F. Gamaleya. Xét nghiệm dựa trên cơ sở phân định kháng thể đối với vùng liên kết thụ thể protein S của coronavirus. Phần lớn các kháng thể có khả năng trực tiếp bất hoạt virus. Và bằng cách sử dụng xét nghiệm này, ta có thể xác định với xác suất cao rằng huyết thanh có hoạt tính trung hòa virus mà không cần thử nghiệm với virus sống. Điều đó giúp đơn giản hóa lịch sử điều chế một cách đáng kể, vì phản ứng trung hoà virus cần được thiết lập trong 5 ngày, còn với sự hỗ trợ của xét nghiệm này thì chỉ trong một ngày thậm chí là trong vài giờ ta đã có thể chọn huyết thanh hoạt tính cao hoặc huyết tương hoạt tính cao. Có thể bảo quản huyết tương này một cách nhanh chóng. Tiếp theo, ta đã có thể kiểm tra các mẫu trong phản ứng trung hòa virus ở phòng thí nghiệm, cho phép làm việc với virus sống.
Sputnik: Có khác biệt gì chăng về mức kháng thể giữa người được tiêm vaccine ngừa và người từng bị nhiễm coronavirus?
Ông Dmitry Logunov: Trên toàn thế giới hiện nay đang so sánh mức hoạt tính huyết thanh ở những người bị bệnh đã hồi phục với mức hoạt tính miễn dịch ở những người tình nguyện được chủng ngừa. Ở đây có khác biệt đáng kể rõ rệt, thiên phần ưu việt về phía người tiêm vaccine, vì rằng trong quá trình tiêm chủng, cơ thể không bị nhiễm độc, không có bệnh nặng, do đó mức kháng thể ở người được tiêm chủng cao hơn so với người từng nhiễm bệnh rồi hồi phục. Chúng ta đã biết rằng ở nhiều người từng bị bệnh thì kháng thể có xuất hiện nhưng sau đó không tồn tại được lâu, còn với người tiêm vaccine phòng thì sẽ đạt độ bền tin cậy hơn nhiều.
Sputnik: Những người từng nhiễm coronavirus có thể tiêm vaccine của quý vị hay không?
Ông Dmitry Logunov: Câu hỏi này bắt nguồn từ hiệu ứng ADE khét tiếng (tăng nặng bệnh lý phụ thuộc kháng thể (ADE) là hiện tượng liên kết của virus với các kháng thể không trung hòa hoàn toàn gây ra sự xâm nhập của nó vào các tế bào miễn dịch). Đối với các chủng coronavirus SARS và SARS-CoV-2, không có sự gia tăng như vậy sau khi tiêm ngừa.
Sputnik: Các nhà bình luận viện dẫn các tiêu chuẩn quốc tế và chúng tôi muốn hiểu điều này diễn ra như thế nào ở các nước khác cũng đang điều chế loại vaccine này.
Ông Dmitry Logunov: Trên thực tế, tất cả các tiêu chuẩn đều ít nhiều có sự hài hòa. Dễ hiểu là nhiều nước đang bảo hộ thị trường của họ, nhà sản xuất của họ, có các điều kiện đối với việc đăng ký các chế phẩm nước ngoài trên lãnh thổ của họ. Trong trường hợp này, Nga sẽ không đi theo con đường đặc biệt nào. Chúng tôi nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố Helsinki.
Sputnik: Trong quá trình tạo ra vaccine Nga, chỉ toàn các nhà khoa học Nga làm việc, hay là có một số đồng nghiệp nước ngoài tham gia điều chế?
Ông Dmitry Logunov: Không, loại vaccine cụ thể này được phát triển chỉ ở Trung tâm Gamaleya, chúng tôi không hợp tác với bất kỳ đối tác nước ngoài nào. Nhưng bản thân công nghệ là vỉa tầng kiến thức khổng lồ và kinh nghiệm làm việc khoa học phong phú. Đương nhiên, trên thế giới hiện nay có rất nhiều người đang làm việc với công nghệ này, có rất nhiều bài viết, chúng tôi làm quen với những ấn phẩm này, họ cũng làm quen với bài viết của chúng ta, có bình diện khoa học chung thông thường như vậy. Hiển nhiên, chúng tôi đã sử dụng tất cả những thành quả khoa học công khai tiếp cận chung hiện có trong lĩnh vực này. Nhưng trực tiếp phát triển vaccine, điều chế và mở rộng quy mô - tất cả những khâu đó thuần tuý do các nhà khoa học Nga thực hiện
Mời đọc thêm trên trang Sputnik:
- Giai đoạn III thử nghiệm vaccine Nga sẽ diễn ra như thế nào: https://sptnkne.ws/DvTc
- Vaccine Nga được tạo ra như thế nào: https://sptnkne.ws/Dvss