Liên quan đến tình hình Biển Đông, Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa máy bay ném bom chiến lược H-6J ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, vi phạm chủ quyền của Hà Nội và làm phức tạp tình hình khu vực có tranh chấp.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng thông tin về đề xuất của Mỹ tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN – Hoa Kỳ bên lề cuộc tập trận RIMPAC.
Việt Nam yêu cầu Malaysia xử nghiêm vụ ngư dân Việt Nam bị bắn chết
Chiều nay 20/8 diễn ra buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trả lời nhiều vấn đề nóng, được dư luận quan tâm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo, liên quan đến Cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Malaysia (MMEA) tổ chức truy đuổi tàu cá Việt Nam, khống chế và làm một ngư dân Việt Nam thiệt mạng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, từ ngày 18/8, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm cho Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam.
Cụ thể, trong công hàm gửi Đại sứ quán Malaysia, Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc, yêu cầu xử lý nghiêm vụ làm chết ngư dân Việt Nam nêu trên.
“Việt Nam yêu cầu đối xử nhân đạo với ngư dân đang bị bắt giữ, trên tinh thần hữu nghị và hợp tác chiến lược khi hai nước đang là thành viên của Cộng đồng ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á)”, công hàm nêu rõ.
Cũng trong buổi họp báo hôm nay, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết hiện nay phía Malaysia còn giữ hai tàu cá của Việt Nam, và Bộ Ngoại giao đang chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia làm việc với Tòa án Malaysia, bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam cũng như xử lý vụ việc.
“Hiện nay chúng tôi đang đề nghị phía Malaysia tạo điều kiện đi thăm lãnh sự các ngư dân Việt Nam. Khi đại diện Đại sứ quán Việt Nam được phép đi thăm lãnh sự, chúng tôi sẽ cập nhật thông tin của các ngư dân”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Trước đó, trong thông báo phát đi ngày 18/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tiếp tục làm việc và yêu cầu các cơ quan chức năng của Malaysia cung cấp thông tin cụ thể về vụ việc, thu xếp thăm lãnh sự các ngư dân và tiến hành các biện pháp bảo hộ đối với ngư dân thiệt mạng.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan trong nước để tiến hành xác minh nhân thân các ngư dân, cũng như thu thập thêm thông tin về vụ việc để có cơ sở đấu tranh với các sai phạm và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Thông tin sơ bộ từ phía Malaysia cho biết, ngày 16/8, một vụ va chạm giữa Cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Malaysia và hai tàu cá Việt Nam đã xảy ra tại vùng biển ngoài khơi bang Kelantan (Malaysia).
Vụ việc làm một ngư dân Việt Nam thiệt mạng. Cảnh sát cũng bắt giữ hai tàu cá cùng các ngư dân còn lại với cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Malaysia.
Vào chiều 17/8, Cảnh sát biển Malaysia ra thông báo cho biết đã có ngư dân Việt Nam bị bắn trong một sự cố ngoài vùng biển phía Đông Bắc nước này. Ông Mohamad Zubil Mat Som - lãnh đạo cảnh sát biển Malaysia cho hay ông “rất buồn với sự vụ chết người này”. Được biết, nạn nhân bị bắn chết là một người đàn ông khoảng 30 tuổi.
Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cho biết hiện Đại sứ quán đã nắm được thông tin qua các nguồn không chính thức, đồng thời đang yêu cầu Malaysia cung cấp thêm các thông tin chi tiết. Mặc dù cáo buộc tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển của Malaysia, cơ quan chức năng nước này lại không công bố tọa độ xảy ra vụ việc.
Về phần mình, Cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) cáo buộc 19 ngư dân Việt Nam đã chống trả bằng vật cứng và bom xăng, do đó buộc lực lượng này phải nổ súng tự vệ làm trúng một ngư dân. Nạn nhân bị bắn đã tử vong sau đó trong khi 18 thuyền viên còn lại bị dẫn giải về đất liền.
Thông tin từ phía MMEA cũng cho hay, thi thể của ngư dân thiệt mạng trong vụ nổ súng sẽ được đưa tới bệnh viện để khám nghiệm. Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia thông báo, trước mắt những người bị bắt sẽ bị điều tra các tội danh bao gồm đánh bắt trái phép hải sản, chống người thi hành công vụ và cố ý giết người.
Ba tàu cá Việt Nam bị Indonesia bắt giữ với cáo buộc đánh bắt cá trái phép
Cũng trong buổi họp báo chiều nay, phóng viên đề nghị Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin liên quan tới 3 tàu cá thuộc tỉnh Khánh Hòa (Việt Nam) bị Indonesia bắt giữ khi các tàu này đang khai thác thủy sản trong vùng biển của Việt Nam.
Người phát ngôn Thu Hằng cho biết, sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã liên hệ với chính quyền sở tại, yêu cầu phía Indonesia thông báo với Việt Nam để tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân.
“Ba tàu cá mang số hiệu KH-98168-TS, KH-91558-TS, và KH-95758-TS cùng 26 ngư dân đã được đưa về cơ sở giám sát tàu cá và tài nguyên biển để Indonesia điều tra với cáo buộc đánh cá trái phép”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Việt Nam nói về đề xuất của Mỹ tổ chức hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ASEAN
Trong buổi họp báo chiều 20/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã cung cấp thông tin về hội nghị trực tuyến giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bên lề RIMPAC 2020.
“Theo tôi được biết, đây là đề xuất của phía Mỹ, và hiện nay thì ASEAN đang tham vấn về đề xuất này”, bà Hằng cho biết.
Được biết, đợt diễn tập hàng hải quốc tế Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2020, do Mỹ dẫn đầu, đã chính thức bắt đầu vào ngày 17/8 ngoài khơi Hawaii. Cuộc diễn tập năm nay được thu gọn về quy mô và không mới Trung Quốc tham dự.
Mục tiêu của RIMPAC 2020 là để nhằmcải thiện khả năng phối hợp hoạt động và quan hệ đối tác chiến lược. Cuộc diễn tập còn bao gồm các cuộc tập trận tác chiến chống ngầm, hành quân ngăn chặn và rèn luyện bắn đạn thật.
RIMPAC 2020 là cuộc diễn tập trên biển lớn nhất thế giới, được Mỹ tổ chức 2 năm/lần và sẽ kéo dài đến cuối tháng 8. Năm nay, chỉ có 10 nước tham gia sự kiện với khoảng 20 tàu và hơn 5.000 nhân sự.
Các hoạt động diễn tập năm nay chỉ diễn ra trên biển với việc cắt giảm diễn tập đổ bộ quân sự. So với sự kiện năm 2018 có 25 nước tham gia, đây là sự thu hẹp đáng kể về quy mô.
Trung Quốc đưa máy bay ném bom chiến lược H-6J ra Phú Lâm: Việt Nam nói gì?
Trong cuộc họp báo chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng đã bình luận về việc Trung Quốc điều oanh tạc cơ H-6J ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền vào đầu tháng 8 này.
Theo đó, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán về tuyên bố chủ quyền của Hà Nội đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở Biển Đông.
“Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định nhưng cũng xin nhắc lại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, người phát ngôn nêu rõ.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, việc các bên đưa hàng loạt loại vũ khí cũng như tiêm kích chiến đấu, máy bay ném bom ra quần đảo Hoàng Sa “không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.
“Chúng tôi kêu gọi các bên có đóng góp có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Trước đó, hôm 13/8, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc đã hé lộ bức ảnh máy bay ném bom chiến lược H-6J của Không quân nước này xuất hiện ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.
Giới quan sát an ninh quân sự khu vực và thế giới bày tỏ quan ngại, nếu Trung Quốc thực sự triển khai oanh tạc cơ H-6J ra Hoàng Sa thì đây là “bước leo thang quân sự nguy hiểm”.
“Việc triển khai H-6J ở Biển Đông có ý nghĩa mang tầm chiến lược, ngăn chặn hành vi khiêu khích quân sự, gây hấn của Hoa Kỳ ở khu vực. Nhờ khả năng tác chiến vượt trội trên biển, H-6J thực sự là tín hiệu cho Mỹ”, Hoàn Cầu dẫn nhận định của chuyên gia Hải quân Trung Quốc cho biết.
Vị này cũng cho rằng, thông qua phân tích hình ảnh và khẳng định H-6J ở Phú Lâm được trang bị rađa không-đối-đất thế hệ mới ở phần mũi cùng thiết bị áp chế điện tử hai bên cánh. Với 7 giá treo tên lửa, H-6J sẽ đặt ra mối đe dọa lớn cho tàu sân bay Mỹ nếu sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm CM-401.
Trên thực tế, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và tiến hành xây dựng trái phép nhiều công trình quân sự hóa như đường băng, nhà chứa máy bay, các trạm rađar quan sát trên đảo Phú Lâm.
Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và chiến lực (CSIS) cho biết, Bắc Kinh đã đưa tên lửa HQ-9 cùng loạt tiêm kích J-11, JH-7 ra Phú Lâm, Hoàng Sa.
Phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa hàng ngàn tàu đánh bắt cá ra Biển Đông
Cũng tại buổi họp báo, người phát ngôn trả lời câu hỏi của truyền thông đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam sau khi lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc được rõ bỏ, đã có hàng ngàn tàu cá nước này tràn xuống Biển Đông.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, quan điểm của Việt Nam về cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông đã được nêu rất rõ.
Trước đó, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc ngày 16/8 cho hay, đã có hơn 16.000 tàu cá từ đảo Hải Nam ra khơi sau khi lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông chính thức hết hiệu lực.
Đáng chú ý, đoạn video còn cho thấy loạt tàu cá Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây hôm 16/8 đã bắt đầu ra khơi ở Vịnh Bắc Bộ để đánh bắt ở vùng biển mở.
“Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định trong cuộc họp báo từ hồi tháng 5/2020.
“Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước, đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Đọc thêm: