Sputnik mời bạn theo dõi bài đánh giá hàng tuần trong chuyên mục tổng quan «Việt Nam trên báo chí nước ngoài».
Việt Nam gồng mình đấu tranh chống tái bùng phát coronavirus
Báo chí các nước tuần qua dành nhiều bài viết và thông tin về đợt bùng phát mới của dịch bệnh coronavirus mới ở Việt Nam. Tính đến ngày 21 tháng 8, trong cả nước có 1.007 ca bệnh, 439 người hồi phục và 25 trường hợp tử vong, như Relief Web thông báo.
Biển Đông - điểm nóng căng thẳng
Tình hình ở Biển Đông đang ngày càng nóng lên, xuất hiện thêm nhiều bài viết về khả năng Hà Nội sẽ gửi hồ sơ cho toà án quốc tế với khiếu kiện chống Bắc Kinh. Tác giả bài viết đăng trong blog của Law Fare dự đoán xem vụ kiện như vậy có thể dẫn đến điều gì. Việt Nam có thể thắng, «khẳng định sự rõ ràng về các quyền hợp pháp của Hà Nội đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực», tạo đòn bẩy ngăn chặn không cho Trung Quốc can thiệp vào hoạt động thăm dò của Việt Nam và các đối tác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) đã công bố và gia tăng «tốn phí của Bắc Kinh do sự ngang ngược của họ». Thế nhưng không nên quên rằng những trở ngại pháp lý và phản ứng chính trị có thể là rất đáng kể. Trung Quốc hẳn là sẽ không tham gia quá trình tố tụng, không thừa nhận và không chấp hành bất kỳ phán quyết bất lợi nào. Thay vào đó, Trung Quốc có thể ngang nhiên đẩy mạnh thăm dò dầu khí trong khu vực tranh chấp song hành với cản trở hoạt động khảo sát của các đối tác của Việt Nam, siết chặt lệnh cấm đánh bắt cá. Cũng phải thấy trước là nếu tình hình trở khó, nhiều khả năng Hoa Kỳ sẽ rút lại sự ủng hộ với Việt Nam, bất chấp các nguyên tắc và tuyên bố, - tác giả bài viết cảnh báo.
Tờ South China Morning Post dành hẳn một bài viết nói về vấn đề khai thác tài nguyên sinh học bất hợp pháp, bừa bãi không theo quy định nào ở Biển Đông và tác động của hiện tượng này đến quan hệ giữa các nước ASEAN với nhau.
Tạp chí Mỹ History nhắc lại những sự kiện đã trở thành nguyên nhân và cái cớ cho cuộc chiến xâm lược của Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Việt Nam - trung tâm gia công phần mềm CNTT mới ở châu Á
Theo Forbes, bất chấp khủng hoảng trên bình diện y tế-sức khỏe cộng đồng và kinh tế đã ảnh hưởng đến phần lớn địa cầu, giáng đòn gây tổn thương cho các trung tâm gia công phần mềm CNTT châu Á như Ấn Độ và Philippines, Việt Nam vẫn vững tin trong lĩnh vực này. Hành động sớm và kiên quyết của chính quyền và tính kỷ luật của dân chúng trong cuộc đấu tranh chống dịch bệnh coronavirus đồng nghĩa với việc trở lại tính năng suất kinh doanh và tiến bộ công nghệ ở Việt Nam, đưa đất nước này trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có dự báo tăng trưởng kinh tế vào năm 2020. Những khoản đầu tư ấn tượng vào kinh doanh, giáo dục và cơ sở hạ tầng trong hai thập kỷ gần đây đã giúp đỡ đất nước chuyển đổi nền kinh tế của mình và tạo ra tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất vùng Đông Nam Á. Đầu tư quy mô vào giáo dục đào tạo từ các trường tiểu học cho đến đại học đã dẫn đến kết quả tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao, thúc đẩy ngành công nghệ phát triển mạnh mẽ và đủ sức chống chọi với những thách đố của đại dịch.
Tờ báo Nga Meat Info đưa tin rằng có thêm 7 doanh nghiệp sản xuất thịt của Nga đã được cấp quyền tiếp cận đưa sản phẩm của họ sang Việt Nam.
Còn báo Sea News cho biết máy bay vận tải An-124-100 của Nga đã vận chuyển 30 tấn thiết bị cao áp từ Mumbai (Ấn Độ) đến Cam Ranh để hoàn thành xây dựng nhà máy điện mặt trời có công suất 450 MW.
Và tổng quan này khép lại với câu chuyện về cuộc sống sang chảnh của các cậu ấm cô chiêu từ các gia đình cự phú ở Việt Nam. Bài tường thuật về nhóm «Rich Kids of Vietnam» - Hội con nhà giàu Việt Nam - đăng tải trên tờ South China Morning Post.