Thông tin ông Nguyễn Đức Chung bị bắt ngay trước Đại hội XIII khiến dư luận tại Việt Nam chú ý. Trước đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã bị Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt về mặt Đảng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định đình chỉ công tác về mặt chính quyền 90 nhằm phục vụ công tác điều tra ba vụ án hình sự.
Khởi tố, bắt tạm giam chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Bộ Công an Việt Nam ngày 28/8 đã ra thông báo chính thức về quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung để điều tra về hành vi Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.
Cụ thể, như thông cáo báo chí trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an ngày chiều tối nay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt Chủ tịch Nguyễn Đức Chung để tạm giam 4 tháng để điều tra.
“Ngày 28/8/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (04 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017”, thông báo của Bộ Công an nêu rõ.
Cùng với đó, Bộ Công an khẳng định, sau khi được Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh theo đúng quy định của pháp luật.
“Hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi sai phạm của các bị can trong vụ án”, Bộ Công an nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Chung bị bắt vì dính đến những vụ án hình sự nào?
Trước khi chính thức bị khởi tố và bị bắt ngày hôm nay, ông Nguyễn Đức Chung đã bị đình chỉ hết tất cả các chức vụ về mặt Đảng và Chính quyền.
Như Sputnik Việt Nam đã đưa tin trước đó, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội đối với đồng chí Nguyễn Đức Chung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội từ ngày 11/8/2020.
Theo như thông báo trong quyết định của Bộ Chính trị, ông Chung bị đình chỉ “để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của đồng chí trong một số vụ án theo quy định của pháp luật”. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký Quyết định 1223/QĐ-TTg ngày 11/8/2020 tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác.
Lên tiếng về vụ việc của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, chiều ngày 11/8, thông tin với báo chí, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an đã xác nhận, ông Nguyễn Đức Chung “có liên quan đến ít nhất ba vụ án hình sự”, trong đó có đại án Nhật Cường Mobile.
Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, ba vụ án này gồm có, thứ nhất là vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobile) và Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cùng một số đơn vị liên quan.
Liên quan đại án Nhật Cường Mobile, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án với 4 tội danh Buôn lậu,Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó, Bộ Công an khởi tố 28 bị can, trong đó đã bắt giam 20 người, truy nã 8 bị can còn lại.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/8 vừa qua, Chánh văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cũng đã khẳng định, hiện nay, cơ quan điều tra Bộ Công an đang tích cực đẩy mạnh điều tra vụ Nhật Cường và bằng mọi biện pháp bắt bằng được Bùi Quang Huy. Đồng thời, theo kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, cơ quan chức năng sẽ cố gắng kết thúc điều tra trong quý III năm 2020 này.
Vụ án thứ hai là vụ “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” mà Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 3 cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài liệu mật trong vụ án “Công ty Nhật Cường” do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra hôm 21/7/2020.
Cụ thể, các bị can gồm ông Nguyễn Anh Ngọc, sinh ngày 20/5/1974. Ông Ngọc hiện ở số 104 Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Đây chính là Phó trưởng Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Đối tượng tiếp theo là ông Nguyễn Hoàng Trung, sinh ngày 27/7/198, ở phòng 1602 tòa T2 Chung cư Sun Grand City Lương Yên, số 3 Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Ông Nguyễn Hoàng Trung là Chuyên viên Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và là lái xe của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.
Trong số 3 bị can bị khởi tố và bắt tạm giam, còn có một nguyên cán bộ Công an. Đó chính là Phạm Quang Dũng, sinh ngày 16/7/1983. Cựu cán bộ Công an C03 này ở phòng 3312 CT1 Chung cư Eco Green, đường Nguyễn Xiển, Tân Triều, Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Đáng chú ý, trong khi đại án Nhật Cường vẫn đang được đẩy mạnh điều tra thì Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an đã phát hiện một số cán bộ dưới quyền của ông Nguyễn Đức Chung đã cấu kết với cán bộ thuộc C03 để chiếm đoạt tài liệu mật liên quan vụ án Nhật Cường.
Cụ thể, theo điều tra ban đầu, với tư cách là cán bộ Công an thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an – Phạm Quang Dũng đã có hành vi lấy cắp các thông tin điều tra vụ án từ C03 để chuyển cho hai đối tượng Nguyễn Anh Ngọc và Nguyễn Hoàng Trung. Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ lý do các bị can lấy tài liệu để tiêu hủy, tẩu tán hay vì mục đích nào khác.
Vụ án thứ ba là vụ “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan”. Đối với vụ án này, ngày 20/8, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Từ Tướng Công an đến ngày bị bắt
Ông Nguyễn Đức Chung (sinh ngày 28 tháng 07 năm 1967, ở xã Yển Khê, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, nguyên quán: xã Thăng Long, thị xã Kinh Môn, Tỉnh Hải Dương), mang quân hàm Thiếu tướng Công an Nhân dân Việt Nam và hiện là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Chung từng là điều tra viên cao cấp, tiến sĩ luật, cử nhân kinh tế, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang khi mới 37 tuổi.
Ông Chung có nhiều năm công tác tại Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an Hà Nội). Sau đó, lần lượt giữ chức Phó phòng rồi Trưởng phòng, Phó giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra. Tháng 9/2012, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an Hà Nội.
Cuối năm 2015, Thiếu tướng, Giám đốc công an thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016. Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố giữa năm 2016, ông Nguyễn Đức Chung tái đắc cử Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 với số phiếu cao.
Ngày 11/8/2020, ông Nguyễn Đức Chung Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đình chỉ công tác chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để “xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án theo quy định của pháp luật”. Cùng ngày, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Đến ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.