Thủ tướng Nhật Bản - kiến trúc sư chính sách đối ngoại của đất nước
Mặc dù không có quy định rõ ràng trong bất kỳ văn bản pháp quy nào, nhưng cả thế giới đều nghiễm nhiên biết rằng nhân vật chính trong Nhà nước Nhật Bản là Thủ tướng. Nhật hoàng là biểu tượng của dân tộc quố với vai trò hoàn toàn mang tính nghi lễ. Bộ Ngoại giao là tổ chức quan liêu thuần túy, thực hiện đường lối đối ngoại do đảng cầm quyền vạch ra và thủ lĩnh của đảng đó đương nhiên là Thủ tướng. Vì vậy, đường lối chính sách đối ngoại của đất nước Nhật Bản được thể hiện trong các bài phát biểu của Thủ tướng và qua các cuộc tiếp xúc, các cuộc gặp quốc tế của người đứng đầu nội các, trong khi Nhật hoàng hiếm khi công du nước ngoài.
Ngay lúc này đang diễn ra cuộc bàn luận về việc ai sẽ thay thế ông Shinzo Abe ở chức vị Thủ tướng Nhật Bản. Phần lớn những danh tính nêu lên đều không xa lạ gì với người Nhật và giới quan sát viên nước ngoài. Về cơ bản đó là các thành viên nội các của ông Shinzo Abe. Ví dụ Ngoại trưởng đương chức Toshimitsu Motegi hoặc người tiền nhiệm của ông này trong những năm 2012-2017, ông Fumio Kishida. Trong các ứng viên tiềm năng có cả Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hiện tại, ông Taro Kono.
Sẽ không có thay đổi đột ngột tổng thể
Tất cả các chính trị gia này đều cùng một đảng, đã hoặc đang làm việc trong cùng một nhóm dưới sự lãnh đạo của ông Shinzo Abe, và khó có khả năng tạo ra những thay đổi mạnh trong đường lối đối ngoại của Nhật Bản. Mặc dù cũng phải thừa nhận rằng mỗi chính khách vẫn có phong cách hành xử riêng, ý tưởng riêng của họ về vấn đề cụ thể này hay sự kiện khác, nhưng trong trường hợp này nếu có thay đổi dường như chỉ là đôi chút sắc thái, những khoảnh khắc phi nguyên tắc.
Chẳng hạn, ông Shinzo Abe luôn được coi là tích cực trong cuộc đàm phán với Nga về vấn đề hiệp ước hòa bình giữa hai nước. Ông đã hơn 20 lần gặp gỡ Tổng thống Nga Putin. Vấn đề vẫn còn đó không được giải quyết. Và hẳn là vẫn sẽ khó lòng mà tháo gỡ được, khi yêu sách căn bản của phía Nhật Bản là chuyển giao cho Tokyo các đảo thuộc quần đảo Nam Kuril, vốn đã gia nhập thành phần Liên Xô theo kết quả Thế chiến II. Điện Kremlin thì không từ bỏ những hòn đảo này. Tuy nhiên, tất cả các chính trị gia Nhật Bản đều đưa nội dung «lãnh thổ phương Bắc» này vào chương trình nghị sự về quan hệ với Nga. Trước ông Abe đã là như vậy, và sau này cũng sẽ thế. Chẳng lẽ tân thủ tướng Nhật Bản sẽ không cố gắng vì những cuộc gặp không có kết quả?
Quan hệ của Nhật Bản với Hoa Kỳ sẽ không thay đổi trong nội dung chính và bảo tồn liên minh quân sự-chính trị của hai nước. Hiện tại, quan hệ liên minh này đảm bảo an ninh cho Nhật Bản, vốn vẫn e ngại các nước láng giềng. Trước hết, là Trung Quốc, đất nước tỷ dân đã vượt mặt Nhật Bản về sức mạnh kinh tế và tiềm lực quân sự. Chắc hẳn là Tokyo lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc, bởi quan hệ Nhật-Trung sẽ chẳng giản đơn. Tân Thủ tướng cũng như ông Abe sẽ phải bận tâm điều phối và tiếp tục phát triển quan hệ với những nhóm khu vực phản đối CHND Trung Hoa như «Bộ tứ kim cương» (Nhóm QUAD), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement – TPP 11) v.v…
Quan hệ của Tokyo với Bắc Kinh và hai quốc gia Triều Tiên chịu ảnh hưởng bởi gánh nặng và bóng ma quá khứ. Người Trung Quốc và người Triều Tiên đều muốn chính giới Tokyo nói lời xin lỗi vì những tội ác mà binh lính quân phiệt Nhật Bản gây ra trong thời kỳ chiếm đóng các nước này. Mà trong số những ứng viên cho chức Thủ tướng Nhật Bản lại có những nhân vật từng thăm viếng đền Yasakuni, tức là kính bái vong linh các tội phạm chiến tranh Nhật Bản. Động thái này gây sự bất bình và những cuộc phản đối ở Trung Quốc và trên bán đảo Triều Tiên, do đó nhân vật đứng đầu nội các mới của Nhật Bản ắt sẽ phải tính đến.
Vẫn như trước, Bình Nhưỡng có thể hăm dọa Tokyo bằng những vụ phóng tên lửa. Do đó, vấn đề giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ là mục không thể thiếu trong chương trình nghị sự ngoại giao tiềm năng của tân thủ tướng Nhật Bản tới đây.
Với phần lớn các nước châu Á, chắc là Nhật Bản sẽ duy trì quan hệ đối tác. Chính phủ Nhật Bản quan tâm đến các nước ASEAN, là địa bàn quan trọng để đầu tư mang lại lợi nhuận. Các nước vùng Trung Đông và châu Phi tiếp tục bảo lưu ý nghĩa đối với Nhật Bản như là những thị trường nguyên liệu thô như dầu mỏ mà Nhật Bản luôn cần. Vậy thì tại sao lại phải thay đổi gì trong những hướng này nếu như ngoại giao Nhật Bản đang cố gắng đạt những tiến bộ kế tiếp ở đó?
Đọc thêm: