Điểm lại những dấu mốc lịch sử quan trọng của Cách mạng Việt Nam
Ngày 30/8, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đến dự và cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề.
Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020); thiết thực chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Với hơn 200 tài liệu, hình ảnh tiêu biểu, trưng bày chuyên đề “Việt Nam – Độc lập, tự cường” giới thiệu đến công chúng về ý chí quyết tâm, quá trình phấn đấu vì độc lập dân tộc, những hy sinh gian khổ của cả dân tộc Việt Nam để xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, 75 năm qua, Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và phát triển đất nước, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực và trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế.
Ban tổ chức cho biết chuyên đề trưng bày được chia làm 5 phần. Phần một là “Đường tới độc lập, tự do”, điểm lại những dấu mốc lịch sử quan trọng của Cách mạng Việt Nam từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam năm 1858 đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân, phát-xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ.
Ở phần hai, với nội dung “Kháng chiến kiến quốc (1945 - 1954)”, trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật của phần này thể hiện giai đoạn vô cùng khó khăn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, những đối sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ nhằm giải quyết nạn đói, nạn dốt, chống thù trong giặc ngoài, từng bước đưa đất nước ta ra khỏi vòng hiểm nguy, giữ vững quyền tự do, độc lập.
Bộ tem đặc biệt về Bác Hồ
Theo Ban tổ chức, với chủ đề “Xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khói lửa chiến tranh”, phần ba giới thiệu đến công chúng về đất nước Việt Nam giai đoạn 1954-1975.
Phần bốn của trưng bày có tên gọi “Xây dựng lại đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” gồm các tài liệu, hiện vật, hình ảnh giai đoạn 1975-1986, giai đoạn đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, nhân dân cả nước bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định sản xuất và đạt được những thành tựu bước đầu. Đây cũng là giai đoạn Việt Nam vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa phải chiến ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Ở nội dung “Đổi mới, hội nhập và phát triển (1986 - 2020)” (phần năm), công chúng có dịp chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội ngày một khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng đảm bảo, vị thế quốc gia trên trường quốc tế ngày một tăng cao kể từ khi công cuộc Đổi mới được khởi xướng (năm 1986).
Nhân dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam, Hội Tem Việt Nam trưng bày một số bộ sưu tập tem về chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” gồm 320 phơi tem với hàng ngàn mẫu tem và vật phẩm bưu chính.
Các hoạt động trưng bày sẽ kéo dài đến hết tháng 12/2020.