COVID-19 là một thử thách rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt ở Liên bang Nga. Có lẽ chưa bao giờ họ gặp nhiều khó khăn, chồng chất khó khăn như trong thời gian hơn nửa năm qua. Nhiều công ty trên bờ vực phá sản, nhưng cũng có nhiều công ty đứng vững trước bão tố của đại dịch. Phóng viên Sputnik đã tiếp cận với một số doanh nghiệp Việt hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau tại Nga.
Khó khăn và thử thách thời dịch COVID-19
Novostil hoạt động từ năm 2009, chủ yếu trong lĩnh vực may mặc. Ở thời điểm đỉnh cao của đại dịch COVID-19 ở Nga, Novostil sản xuất từ 100 tới 150 ngàn khẩu trang/ngày.
Cũng như các doanh nghiệp sản xuất của người Việt tại Nga khác, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Novostil đã gặp nhiều khó khăn: Nguồn cung cấp nguyên vật liệu cả từ Việt Nam cả từ Trung Quốc đều bị gián đoạn, cụ thể là vải, phụ liệu, trang thiết bị thay thế; thị trường tiêu thụ truyền thống thì bị thu hẹp.
“Nói chính xác hơn là thị trường tiêu thụ bị đóng băng dẫn đến đầu ra của công ty không có”, - Ông Đỗ Cảnh Hưng , người sáng lập, giám đốc công ty “Novostil” nói với phóng viên Sputnik.
“Một bộ phận khách hàng còn lợi dụng tình trạng này để chậm hoặc không thanh toán. Ngoài ra, chúng tôi còn phải đối mặt với việc tâm lý của người lao động hoang mang, lo sợ, cả về mặt sức khỏe, cả về mặt thu nhập”, - ông Đỗ Cảnh Hưng chia sẻ với phóng viên Sputnik.
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là việc đầu ra không có để có thể duy trì sản xuất, trong khi vẫn phải đóng thuết cho nhà nước, trả tiền điện, nước, chi phí thuê mặt bằng sản xuất…
Như bao nhà hàng, quán ăn của người Việt tại Nga và cả hệ thống dịch vụ ăn uống Nhà hàng Nem Nem tại trung tâm St. Petersburg cũng bị ảnh hưởng nặng trước COVID-19.
“Doanh số sụt giảm từ trước đại dịch, nguồn thu lớn nhất trong năm phụ thuộc vào mùa hè khi khách du lịch quốc tế đến St. Petersburg nay đã không còn. Tình trạng chung như các công ty khác là phải bù lỗ sâu!”, - Ông Đào Đại Hải, chủ tịch HĐQT Nhà hàng Nem Nem nói với Sputnik.
Những công ty du lịch của người Việt tại Nga cũng gần như dừng hẳn mọi hoạt động. Hơn nữa, những công ty này chủ yếu tổ chức những tour cho khách Việt sang tham quan Nga. Khi đường bay dừng thì khách không có nữa.
“Về du lịch sang Nga thì khách Việt Nam giảm từ không ngay từ đầu mùa du lịch sôi động nhất trong năm là xuân, hè. Du lịch sang Việt Nam cũng đã dừng hẳn sau lần bùng phát dịch lần thứ hai”, - Ông Đào Đại Hải, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Quốc tế và Logistic AmberTour phát biểu với Sputnik.
“Có lẽ du lịch là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất do COVID-19. Chúng tôi đã phải dừng hẳn mọi hoạt động ngay từ tháng ba. Mọi tour đã lên kế hoạch coi như không thực hiện được. Cuối mùa du lịch năm ngoái chúng tôi còn hy vọng lượng khách Việt Nam sang du lịch Nga sẽ tăng ít nhất 30% trong năm nay, vậy mà…”, - Chị Bùi Lan Hương, người sáng lập và giám đốc công ty du lịch Ấn tượng Nga chia sẻ với Sputnik.
Giải pháp và nỗ lực vượt khó
Trong hơn nửa năm duy trì sản xuất và hoạt động trong điều kiện dịch COVID-19 hoành hành ở Nga thì nhiệm vụ số một của các doanh nghiệp Việt ở Nga là đảm bảo tuyệt đối an toàn, phòng tránh lây nhiễm bệnh. Đó là thực hiện tốt những khuyến cáo và có những biện pháp hiệu quả, cách ly, dùng nước rửa tay sát trùng, khẩu trang…
“Chúng tôi đặc biệt chú trọng việc nâng cáo sức khỏe của người lao động, đảm bảo tốt việc ăn uống, vệ sinh, thể dục thể thao”, - Ông Đỗ Cảnh Hưng , giám đốc công ty “Novostil” nói với phóng viên Sputnik.
“Phát huy truyền thống cần cù, không ngại khó, không ngại khổ của người Việt Nam công ty Novostil đã nhận hợp đồng may khẩu trang, bộ quần áo bảo hộ y tế phục vụ đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của nước Nga”, - Ông Đỗ Cảnh Hưng, giám đốc công ty Novostil chia sẻ với phóng viên Sputnik về những nỗ lực vượt khó.
Cách vượt khó của nhà hàng Nem Nem tại St. Petersburg cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp dịch vụ ăn uống của người Việt áp dụng.
“Chúng tôi đẩy mạnh, tăng chi phí quảng cáo qua mạng xã hội và các kênh dịch vụ Internet lên tầm toàn quốc chứ không thu hẹp ở địa bàn St. Petersburg nhằm thu hút khách du lịch nội địa toàn Nga, cộng tác với các công ty quảng cáo, giảm bớt chi phí tổ chức sự kiện và quảng cáo qua truyền thông. Ngoài ra, nhà hàng còn mở nhiều đợt giảm giá sâu cho khách hàng. Chúng tôi đã chia nhà hàng ra làm hai khu vực cao cấp và bình dân, nhưng bán đồng giá, xin phép mở bán hàng hè phố. Cuối cùng là chuyển chế độ lương của nhân viên sang chế độ lương cứng và thưởng theo doanh số, theo giờ làm việc tăng cường”, - Chủ tịch HĐQT Nhà hàng Nem Nem nói với Sputnik.
“Trong quý hai nhà nước Nga đã không thu thuế và các khoản nộp khác. Nhà nước cũng cho vay để trả lương cho nhân viên, nhưng chúng tôi quyết định không vay, vì vay thì cuối cùng cũng phải trả cả phần trăm nữa, cho dù là nhỏ. Du lịch đưa khách vào Nga coi như là đóng băng, thì trong thời gian dịch bệnh căng thẳng chúng tôi chuẩn bị cho mùa du lịch năm sau, tập trung phát triển các tour du lịch nội địa, chủ yếu là các tour khám phá cho cộng đồng người Việt ở Nga. Từ tháng bảy tới nay chúng tôi duy trì được 2 hành trình du lịch nội địa một tháng”, - Chị Bùi Lan Hương, giám đốc công ty du lịch Ấn tượng Nga chia sẻ với Sputnik.
Công ty Lữ hành quốc tế và Logistic AmberTour cũng có giải pháp của riêng mình.
“Lượng hàng nhập khẩu giảm mạnh, một số khách hàng mất khả năng thanh toán, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Giải pháp của chúng tôi là tối ưu chi phí thuê kho bãi, văn phòng. Một số vị trí làm việc không thực sự hiệu quả được động viên chuyển sang chế độ làm dịch vụ cho các công ty cùng ngành, làm việc theo sản phẩm”, - Ông Đào Đại Hải, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Quốc tế và Logistic Amber Tour chia sẻ với Sputnik.
Hoạt động từ thiện
Trong đại dịch, bất chấp khó khăn nhiều doanh nghiệp Việt tại Nga bằng mọi nỗ lực đã ổn định được tổ chức, sản xuất, vẫn trả lương 100% và đúng thời hạn cho công nhân, nhân viên. Không những thế, Novostil, Amber Tour, hay Ấn Tượng Nga, công ty cổ phần Đồng Xanh và nhiều doanh nghiệp khác còn tích cực hoạt động từ thiện. Họ tham gia tích cực những đợt quyên góp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch do Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tổ chức.
“Thông qua các hội đoàn khác nhau chúng tôi còn tham gia ủng hộ tiền để mua trang thiết bị y tế tặng tỉnh Vĩnh Phúc. Ở Nga, chúng tôi tổ chức tặng quần áo, tiền cho các trại trẻ mồ côi…”, - Ông Đỗ Cảnh Hưng, giám đốc công ty “Novostil” nói với phóng viên Sputnik.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành những thành viên của Ban chống dịch cộng đồng. Họ giúp đỡ động viên những người bệnh, tìm hiểu, phân tích và tư vấn cho cộng đồng định cư, sinh viên và công nhân về ứng xử tự bảo vệ bản thân trong thời gian đại dịch cho từng giai đoạn.
“Chúng tôi tổ chức các hoạt động cộng đồng tài trợ vật tư y tế giúp bệnh viện Nga, động viên tổ chức tình nguyện viên thanh niên giúp đỡ cựu chiến binh và con em những người nằm trong vòng vây của Phát xít Đức khi Leningrad bị phong tỏa. Chúng tôi còn hưởng ứng các hoạt động kêu gọi từ thiện trong nước, ví dụ, đóng góp và kêu gọi Câu lạc bộ tennis Neva (những người đã học tập và sinh sống ở Saint Petersburg), CLB Gấu Nga (những người yêu quý nước Nga) đóng qóp vào Quỹ Liên đoàn Quần vợt Việt nam mua vật tư Y tế ủng hộ Đà nẵng”, - Ông Đào Đại Hải, người sáng lập Amber Tour, Nhà hàng Nem Nem, công ty Đồng Xanh phát biểu với Sputnik.
Trong khó khăn càng hiểu lòng nhau. Các doanh nghiệp Việt vượt trở ngại, thách thức, đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng người dân Nga, cùng nước Nga. Các bạn Nga đã đánh giá rất cao sự giúp đỡ tận tâm, chân thành của doanh nghiệp Việt tại nước này. Hình ảnh đẹp về cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Nga trong đại dịch thật ấn tượng.
P.S. Vào 21/08 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị Quốc tế (FSC) cùng thành viên Cộng đồng người Việt tại thành phố Saint Petersburg, LB Nga, Trung tâm chiến lược Nga tại Châu Á – Viện Hàn lâm Khoa học Nga phối hợp tổ chức thành công Hội thảo trực tuyến “Kinh nghiệm ứng phó của doanh nghiệp trong vùng dịch và phương pháp thâm nhập thị trường Liên bang Nga”. Tại Hội thảo này các doanh nghiệp Việt tại Nga đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế để ứng phó và hoạt động trong vùng dịch cũng như giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về những tiềm năng, thách thức và cách thức thâm nhập vào thị trường rộng lớn, nhiều triển vọng này. Họ đã đứng vững và tiếp tục hoạt động.