Ông Mikhail Lokoshchenko, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Bộ môn Khí tượng - Khí hậu học thuộc Khoa Địa chất của Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, bình luận về dữ liệu này trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Một nghiên cứu gần đây nhất cho thấy, trong những năm qua những dòng sông băng tại Greenland và Nam Cực tan chảy với tốc độ nhanh nhất và trở thành nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng cao. Bài báo đã được đăng trên tạp chí Nature Climate Change.
Hàng triệu người gặp nguy cơ
Các nhà khoa học từ Đại học Leeds (Anh quốc) và các đồng nghiệp của họ từ Viện Khí tượng Đan Mạch đã phân tích những hình ảnh từ vệ tinh quan sát trái đất trong 30 năm qua và so sánh chúng bằng cách sử dụng nền tảng bài tập cân bằng khối lượng băng (IMBIE) với các tính toán mô hình khí hậu.
Các tác giả ước tính rằng, kể từ những năm 1990 khi các vệ tinh bắt đầu thường xuyên theo dõi lớp băng tan chảy, mực nước biển đã dâng cao thêm khoảng 1,8 cm do các sông băng ở Greenland và Nam Cực tan chảy. Đồng thời, đóng góp của các sông băng ở Nam Cực là thêm 7,2 mm và các sông băng của Greenland - 10,6 mm.
Nếu tình trạng này tiếp diễn, dự đoán mực nước biển sẽ tăng thêm 17 cm vào cuối thế kỷ XXI. Điều này có nghĩa là 16 triệu người sống ở các khu vực ven biển có nguy cơ gặp phải lũ lụt.
Tình trạng có thật đáng sợ hay không
Ông Mikhail Lokoshchenko, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Bộ môn Khí tượng - Khí hậu học thuộc Khoa Địa chất của Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, nói với Sputnik rằng, hiện nay không có lý do chính đáng nào để lo lắng về tình trạng của dải băng Nam Cực, mặt khác, các sông băng ở Greenland đang tan chảy nhanh chóng.
"Mực nước biển đang dâng với tốc độ trung bình là 3 mm/năm. Con số này không cao, nhưng, theo thời gian tốc độ tăng dần. Trong nửa đầu thế kỷ XX, mực nước biển đã dâng với tốc độ khoảng 1-2 mm/năm. Hiện nay, mực nước biển trong Đại dương thế giới dâng cao nhanh hơn, rất có thể, trong tương lai gần, tốc độ này sẽ tăng lên. Vấn đề quan trọng nhất là mức độ ổn định của các sông băng ở Nam Cực và Greenland. Theo dữ liệu của các đồng nghiệp-nhà băng học, ở Greenland ghi nhận một sự tan chảy mạnh mẽ. Nói về dải băng ở Nam Cực - tấm lá chắn bảo vệ chúng ta khỏi biến đổi khí hậu, thì cho đến nay chưa có kết luận rõ ràng: ở một số khu vực trên bờ biển lớp băng đang tan chảy, ở những nơi khác, lớp băng đang tăng lên. Sự cân bằng tổng thể gần bằng 0, và đến nay lớp băng đã tăng dần. Tức là, mặc dù khí hậu ấm lên, lớp băng ở Nam Cực vẫn tăng nhẹ do lượng mưa tăng lên”, - ông Mikhail Lokoshchenko giải thích.
Theo ông, nếu lớp băng ở Greenland hoặc Nam Cực tan chảy hoàn toàn thì mực nước biển sẽ dâng cao đến vài mét và thậm chí mấy chục mét.
"Nếu toàn bộ dải băng ở Greenland tan chảy, mực nước Đại dương Thế giới sẽ dâng khoảng 7 mét. Và nếu cả dải băng ở Nam Cực cũng tan chảy, thì mực nước biển sẽ dâng cao đến 70 mét. Tất nhiên, đây sẽ là một thảm họa, nhưng, đây chỉ là nguy cơ trong tương lai rất xa. Trong những năm và thập kỷ tới, trên dải băng ở Nam Cực sẽ không có thay đổi đáng kể nào. Đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây, ở các vĩ độ Nam Cực đã ghi nhận các đợt lạnh giá", - ông Mikhail Lokoshchenko lưu ý.