Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chi phí chống dịch do coronavirus của Việt Nam chưa đến 400 triệu USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh mở lại các đường bay quốc tế, Việt Nam đang xem xét thay đổi chiến lược xét nghiệm nhanh, tìm kháng nguyên, không để lọt ca nhiễm nCoV.
Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới
Theo Bản tin phát lúc 18h ngày 3/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, chiều nay, Việt Nam không ghi nhận trường hợp nhiễm coronavirus mới.
Như vậy, tròn 24h Việt Nam không ghi nhận ca mắc nCoV mới. Tổng số bệnh nhân Covid-19 của Việt Nam vẫn dừng ở con số 1.046 người, số ca bệnh đã được chữa khỏi là 755 và số ca tử vong là 35.
Tính đến 6h chiều nay, cả nước có tất cả 691 ca mắc SARS-CoV-2 do lây nhiễm cộng đồng trong nước. Trong số này, số ca mắc mới tính từ ngày 25/7 khi dịch tái bùng phát trở lại ở Đà Nẵng là 551 trường hợp. Có 16 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã ghi nhận ca mắc Covid-19 tính từ ngày 25/7 đến nay.
Về tình hình điều trị, báo cáo của Tiểu Ban Điều trị cho biết, hôm nay, có thêm 9 bệnh nhân xuất viện.
Cụ thể, hai bệnh nhân ra viện hôm nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định là các trường hợp bệnh nhân số 385 và 930. Như vậy, toàn bộ các bệnh nhân nCoV tại Nam Định đều đã được xuất viện.
Hôm nay, 4 bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng cũng được công bố khỏi bệnh là các ca bệnh số 681, 800, 897 và 1.026. Tuy nhiên, trong số ca bệnh được công bố đã khỏi Covid-19 hôm nay, còn bệnh nhân số 760 N.V.C (62 tuổi) do bị suy thận, vẫn phải tiếp tục ở lại chạy thận nhân tạo và được Trung tâm Y tế Hòa Vang tiếp tục bố trí chạy thận, không phải chuyển lên BV C.
Ngoài ra, cũng tại Đà Nẵng, hôm nay còn có thêm ba Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (các ca bệnh 444, 843 và 985) cũng được công bố khỏi bệnh.
Các bệnh nhân đều ít nhất 3-4 lần âm tính với SARS-CoV-2 trước khi được công bố bình phục. Sau khi được xuất viện, họ sẽ tiếp tục được cách ly, theo dõi chặt chẽ thêm 14 ngày.
Như vậy, Việt Nam đã chữa khỏi cho 755/1046 ca bệnh Covid-19, chiếm 72,1% tổng số ca nhiễm coronavirus của cả nước.
Theo báo cáo của Tiểu Ban Điều trị, tính đến thời điểm này, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị số ca âm tính lần một với coronavirus là 24 ca, số ca âm tính lần 2 là 52 người và số trường hợp đã ba lần âm tính với SARS-CoV-2 là 23 ca.
Báo cáo của Tiểu Ban Điều trị cho hay, hiện có 7 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch trong tổng số các bệnh nhân dang điều trị. Bộ Y tế cho hay, số trường hợp mắc Covid-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng.
Hiện cả nước đang cách ly 63.651 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch. Trong đó, có 1.009 người được cách ly tập trung ở bệnh viện, tại các cơ sở tập trung khác là 15.949 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 46.693 người.
Việt Nam có ca Covid-19 thứ 35 tử vong
Cũng trong ngày hôm nay, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân số 761.
Về quá trình nhiễm bệnh, Bộ phận đặc biệt cho hay, từ ngày 26/6 – 25/7, cụ bà có đến khám và nhập viện tại Khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng. Đến ngày 25/7, bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện.
Ngày 6/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Đà Nẵng nhận được mẫu xét nghiệm dịch hầu họng của nữ bệnh nhân và đến ngày 7/8 khẳng định dương tính với coronavirus. Cụ bà này sau đó được chuyển đến cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang.
Tới ngày 18/8, bệnh nhân có xuất huyết tiêu hoá được nội soi phát hiện tổn thương u sùi loét 1/3 dưới thực quản đang rỉ máu, viêm loét rải rác đại tràng trái, sigma, viêm loét nông trực tràng, trĩ nội độ II III, được xử trí cầm máu, truyền máu.
Sau đó, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực theo các phác đồ qua hội chẩn quốc gia, nhưng bệnh diễn biến nặng.
Đến sáng ngày 3/9, bệnh nhân tử vong tại Trung tâm y tế Hòa Vang được chẩn đoán: viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển do Covid-19, biến chứng nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối chạy thận nhân tạo chu kỳ, tăng huyết áp, xuất huyết tiêu hóa.
Thay đổi chiến lược xét nghiệm coronavirus
Ngày 3/9, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp này.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới, công tác tổ chức xét nghiệm, các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất sinh phẩm xét nghiệm.
Sau đó, các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh tinh thần phải chung sống an toàn với dịch và thảo luận sâu về chiến lược xét nghiệm phù hợp với tình hình mới.
Thảo luận về chiến lược xét nghiệm trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 khẳng định trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có vai trò quan trọng của công tác xét nghiệm, nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Các đại biểu cho hay, tính tới thời điểm hiện tại, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, nhưng tổng chi phí dành cho công tác chống dịch chưa đến 400 triệu USD.
“Chúng ta không chỉ ngăn chặn dịch hiệu quả mà còn là một trong những nước chống dịch tiết kiệm nhất”, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề, trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra là phải bảo đảm mục tiêu kép là vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh vừa phải bảo đảm phát triển kinh tế. Ban Chỉ đạo xác định, trước mắt và dễ thấy nhất là yêu cầu phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu đem lại lợi ích cho quốc gia, cùng với đó là những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Muốn vậy, Việt Nam phải thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có chiến lược xét nghiệm.
Theo đó, tại Việt Nam, giới chuyên gia nhấn mạnh phải thay đổi chiến lược xét nghiệm theo hướng tổ chức xét nghiệm nhanh tại các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu, địa điểm công cộng tập trung đông người để đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh, không để sót, lọt các ca nhiễm, tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Kể từ thời điểm dịch bệnh do coronavirus bùng phát, thực tiễn cũng cho thấy, để phục vụ phát triển kinh tế, các nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu đã triển khai việc xét nghiệm nhanh để quản lý người nhập cảnh tại các cảng hàng không quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng chiến lược xét nghiệm trong thời gian tới là phải sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên tại ở những địa điểm công cộng như sân bay, khu cách ly tập trung với thời gian nhanh, kết quả chính xác và tiết kiệm thời gian, giảm chi phí xét nghiệm, sàng lọc người trong các khu cách ly, người nhập cảnh vào Việt Nam, góp phần chống dịch hiệu quả.
Phía Bộ Y tế cho hay, thực tế tại Việt Nam đã có các công nghệ và loại sinh phẩm cho xét nghiệm tìm kháng thể và kháng nguyên. Cụ thể, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có loại sinh phẩm sử dụng máy và loại không cần sử dụng máy. Tuy nhiên, nhược điểm của loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng thể là chỉ có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với người nhiễm bị SARS-CoV-2 từ 7 ngày trở lên.
Trong khi đó, xét nghiệm tìm kháng nguyên đang được thực hiện bằng phương pháp Realtime -PCR có thời gian thực hiện lâu, có yêu cầu cao về kỹ năng, quy trình thao tác.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu chiến lược xét nghiệm mới, Thường trực Ban Chỉ đạo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng cần đẩy mạnh phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có ưu điểm của cả xét nghiệm nhanh tìm kháng thể và xét nghiệm tìm kháng nguyên theo phương pháp Realtime -PCR.
Đồng thời, yêu cầu cấp thiết đặt ra là các kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên phải dễ thao tác, có thể sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện có, thời gian thực hiện ngắn hơn nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương hoặc cao hơn phương pháp Realtime -PCR hiện nay.
Thực tế, hiện nay đã có 3 đơn vị tại Việt Nam đang nghiên cứu các kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên và đang ở những khâu cuối cùng để có sản phẩm.
Tịa cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương Nguyễn Thị Hương Liên cho biết đơn vị đang triển khai phương án Realtime-LAMP là kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên cho phép phát hiện SARS-CoV-2 với độ đặc hiệu, độ nhạy tương đương với phương pháp Realtime-PCR nhưng thời gian cho ra kết quả ngắn hơn nhiều.
Đồng thời, phương án tận dụng được các máy móc, thiết bị sẵn có của các trung tâm y tế dự phòng, có thể tăng năng lực xét nghiệm lên từ 9-12 lần, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm nhanh tại sân bay, bệnh viện trong thời gian ngắn, lưu lượng lớn.
Trong khi đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết hiện đang tích cực phối hợp với đối tác, nhận chuyển giao quy trình để sớm thử nghiệm kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên theo công nghệ enzyme của Hoa Kỳ. Ngoài ra, Công ty Medicon cũng đang triển khai nghiên cứu kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên.
Đồng thời, đại diện các đơn vị nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm khẳng định năng lực hoàn toàn có thể nghiên cứu, sản xuất được các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng tương đương với sản phẩm các nước phát triển. Những đơn vị này mong muốn có cơ chế đặt hàng nghiên cứu, sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các mẫu bệnh phẩm lâm sàng để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.
Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, sẽ ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp, hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên phục vụ công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Việt Nam xem xét nhập kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên
Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp triển khai tập huấn sử dụng các loại kit xét nghiệm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hiện nay.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, trong tuần này Bộ sẽ tham vấn các doanh nghiệp và tuần sau sẽ có báo cáo cấp có thẩm quyền về việc triển khai đề tài nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo hôm nay, các chuyên gia đề xuất, trong khi chờ sản phẩm sản xuất trong nước, trước mắt Việt Nam có thể xem xét nhập khẩu kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng cao từ một số nước tiên tiến để sử dụng tại các sân bay, cảng hàng không.
Về các phương án sản xuất vaccine chống Covid-19, các chuyên gia thống nhất, trên tinh thần tự lực, tự cường, các đơn vị trong nước tăng cường nghiên cứu, tăng tính chủ động trong việc sản xuất vắc-xin chống coronavirus.
Đọc thêm: