Bộ Công an cũng lên tiếng về vụ nâng khống giá thiết bị y tế, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai gây nhức nhối dư luận thời gian qua.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục
Chiều nay ngày 4/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng kiêm người phát ngôn của Chính phủ Việt Nam chủ trì buổi họp báo với nhiều nội dung quan trọng.
Phát biểu mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, hôm nay, Chính phủ đã dành nguyên ngày để đánh giá tình hình kinh tế xã thội tháng 8 và 8 tháng đầu năm.
Với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, trong tháng 8 vừa qua Việt Nam đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến mới của dịch Covid-19 rất thành công.
Như báo cáo của Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trước đó, các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát, các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm đã được xác định, khoanh vùng và cách ly phù hợp.
“Kết quả tích cực này đã góp phần quan trọng để chúng ta giữ ổn định tình hình, tiếp tục tập trung nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021”, ông Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Cũng theo Bộ trưởng, có nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng dương, sức khỏe nền kinh tế tốt, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi, có nền tài chính khỏe mạnh.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, theo một số định chế tài chính, nếu cố gắng Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% năm 2020.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Mặt bằng lãi suất và tỷ giá thị trường ổn định. Ngân sách Nhà nước 8 tháng bằng 58,3% so với kế hoạch dự toán nhưng khoản chi ngân sách tăng vì vừa qua phải giải quyết rất nhiều vấn đề cấp bách như dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid-19.
Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho hay, trong những tháng cuối năm, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh kinh tế xã hội nhưng đồng thời cũng rất quan tâm tới phòng chống dịch bệnh do coronavirus.
Ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết, dự kiến 15/9 mở chuyến bay thương mại quốc tế để tạo điều kiện cho các chuyên gia sang khảo sát, thu hút đầu tư.
“Đây cũng là vấn đề cần giải quyết tốt. Hiện không thể khẳng định được thời điểm hết dịch nên phải có giải pháp tình thế phù hợp với tình hình mới”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Trên cơ sở này, các bộ, ngành tập trung hoàn thành nhiều mục tiêu ở mức cao nhất, đẩy mạnh thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh. Củng cố trạng thái “bình thường mới”, nền tảng an toàn dịch là rất quan trọng với phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt, cũng theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, điểm sáng trong 8 tháng qua là công tác giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là sau khi Thủ tướng thành lập 7 đoàn công tác.
Theo đó, từ chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, trong 8 tháng đạt trên 221,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy đạt con số 47,08% so với kế hoạch. So với cùng kỳ 2019 chỉ đạt 41,39%.
“Đến thời điểm này đây có thể coi là chỉ số giải ngân cao nhất của cả 2016-2020. Đặc biệt, trong tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo bằng các giải pháp rất quyết liệt bằng cách đi kiểm tra thực tế, đi kiểm tra thực địa, họp trực tuyến với các địa phương để đôn đốc, chỉ đạo phải tập trung tháo gỡ cho vấn đề thủ tục, giải ngân”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết.
Thủ tướng đã đưa ra yêu cầu là nếu Bộ, địa phương nào không giải ngân được sẽ tiến hành điều chuyển.
“Có thể nói đây là công tác rất quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, tập trung vấn đề giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ phân loại dự án, tiến độ hoàn công”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu vụ Nhật Cường?
Trả lời câu hỏi về việc khởi tố bắt tạm giam Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho hay, ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng với ông Nguyễn Đức Chung để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài liệu Bí mật Nhà nước. Bộ Công an trước đó cũng đã có thông tin về việc ông Chung có liên quan đến ba vụ án hình sự.
Đối với vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho hay, cơ quan điều tra đã chứng minh ông Nguyễn Đức Chung có hành vi chiếm đoạt một số tài liệu bí mật, trong đó có tài liệu mật Nhà nước liên quan vụ Nhật Cường.
“Cơ quan điều tra đã chứng minh ông Chung có chiếm đoạt một số tài liệu bí mật Nhà nước, trong đó có một số tài liệu liên quan đến công ty Nhật Cường”, Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định tại cuộc họp báo.
Liên quan đại án Nhật Cường, Thiếu tướng Tô Ân Xô nhắc lại thông tin cho hay, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố 28 bị can với 4 tội danh: Buôn lậu, Vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng ông chủ của Nhật Cường – Bùi Quang Huy bị khởi tố cả 4 tội danh nhưng hiện vẫn bỏ trốn và Bộ Công an đang áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tiến hành truy bắt.
Theo ông Xô, Bùi Quang Huy sử dụng tư cách pháp nhân của Nhật Cường để buôn lậu 260.000 sản phẩm điện thoại và các thiết bị với giá trị 3.236 tỷ đồng. Ngoài ra, Huy còn lập sổ sách kế toán che giấu hành vi phạm tội nhằm trốn thuế với số tiền khoảng 30 tỷ.
Đại diện Bộ Công an nhấn mạnh, qua điều tra, cơ quan điều tra thấy rằng có gói thầu số hóa của Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) Hà Nội, cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về đầu thầu gây thiệt hại 19,8 tỷ đồng.
“Việc này có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung trên cương vị Chủ tịch Hà Nội”, Tướng Xô bày tỏ.
Về vụ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP Hà Nội, ông Xô cho biết quá trình triển khai và thực hiện xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C, TP Hà Nội đã trực tiếp đàm phán với đối tác ở Đức. Họ đã nghiên cứu và sản xuất hóa chất này riêng cho Hà Nội sau khi nghiên cứu đặc tính sông, hồ Hà Nội.
“Hà Nội đã sang đây làm việc, nếu ký trực tiếp với công ty này thì rất bình thường nhưng quá trình mua sản phẩm lại ký qua một đại lý khác, quá trình điều tra xác định việc này gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 41 tỷ đồng. Với vai trò là Chủ tịch Hà Nội, ông Chung có một phần trách nhiệm ở đây. Còn trách nhiệm đến mức nào cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ”, đại diện Bộ Công an nhấn mạnh.
Như Sputnik Việt Nam đã đưa tin, tối cùng ngày 28/8, cơ quan điều tra đã phối hợp với đại diện VKS tiến hành khám xét nơi làm việc, chỗ ở của ông Chung tại UBND TP Hà Nội và ngôi nhà số 88 Trung Liệt, quận Đống Đa. Ông Chung không có mặt ở các địa điểm này vào thời điểm khám xét.
Trước đó, trong vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, 3 bị can đã bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố. Các bị can đó bao gồm Nguyễn Anh Ngọc, sinh năm 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, đang công tác tại Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Hoàng Trung, sinh năm 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là lái xe của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phạm Quang Dũng, sinh năm 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an.
Ngoài vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung còn bị tạm đình chỉ công tác, đình chỉ sinh hoạt Đảng để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong 2 vụ án khác.
Thứ nhất là vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Thứ hai là vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại thành phố Hà Nội.
Trước đó, ngày 11/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 1223/QĐ-TTg tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Bộ Chính trị quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung.
Bộ Công an lên tiếng vụ nâng khống tiền thiết bị ở Bệnh viện Bạch Mai
Tại họp báo Thường kỳ Chính phủ, trả lời báo chí về vụ nâng khống thiết bị y tế xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, kết quả ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định có một số cá nhân của Công ty cổ phần công nghệ y tế và Công ty Cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội có thủ đoạn gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.
Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ, cụ thể, trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận hệ thống hỗ trợ phẫu thuật thần kinh nhập khẩu có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng (đã bao gồm thuế VAT).
“Tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau, nâng khống giá hệ thống lên 39 tỷ và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai”, đại diện Bộ Công an khẳng định.
Theo Chánh văn phòng Bộ Công an giá hệ thống robot 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy mỗi ca bệnh hơn 4 triệu đồng.
“Tuy nhiên, với giá họ khai 39 tỷ đồng thì người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch hơn 18 triệu đồng/ca”, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết.
Đại diện Bộ Công an thông tin, từ 2017 đến 2019, Bệnh viện Bạch Mai thanh toán tổng cộng 550 ca, chi phí chênh lệch các đối tượng hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh hơn 10 tỷ đồng.
Tướng Xô cũng nhấn mạnh, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng điều tra, làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm.
Như đã phát biểu trong nhiều cuộc họp báo trước, Thiếu tướng Tô Ân Xô cũng lưu ý không nên suy diễn trong vụ việc này mà để cơ quan công an làm rõ.