Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào để phấn đấu tăng trưởng mức cao nhất, tránh phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước, xây dựng nền kinh tế tự chủ, đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa với 100 triệu dân của Việt Nam.
Việt Nam lọt top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới
Sáng nay ngày 4/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp Phiên thường kỳ đánh giá về tình hình thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh do coronavirus (Covid-19), vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong tháng Tám và 8 tháng đầu năm 2020.
Phát biểu khai mạc phiên họp, điểm lại tình hình tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nhiều ngành quan trọng của đất nước cũng nhân dịp này ôn lại truyền thống hào hùng của ngành, lĩnh vực mình để tiếp tục đưa đất nước tiến lên, phát triển trong giai đoạn mới.
Về tình hình dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Việt Nam cho hay, dịch SARS-CoV-2 đã xuất hiện trên 16 địa phương trong cả nước kể từ thời điểm tái bùng phát trở lại ở Đà Nẵng hồi 25/7.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, các thành phố lớn, các địa phương, các ngành, các cấp đã có nhiều phương án chỉ đạo kiên quyết, kịp thời ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả dịch Covid-19. Nhờ đó, Việt Nam đã kiểm soát tốt, chủ động, quyết liệt, đồng bộ dịch bệnh Covid-19 trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhịp độ phát triển chung của đất nước được giữ vững.
“Đến nay, chúng ta đã chỉ đạo kiểm soát tốt tình hình trong khi trên thế giới, trong ngày hôm qua, có 220.000 ca mắc mới. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, không được chủ quan trước dịch bệnh nhưng cũng không thể đóng cửa, không lo sản xuất kinh doanh, việc làm cho người lao động”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.
Đặc biệt, theo đánh giá mới đây của tạp chí The Economist, Việt Nam lọt Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Đồng thời, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam cũng có nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước dang phát triển trong đại dịch Covid-19. Một số định chế tài chính lớn cho hay, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2% đến 3% trong năm nay.
Dịch Covid-19: Kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều chuyển biến đáng mừng
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng nay, nhận định tình hình kinh tế-xã hội tháng Tám và 8 tháng vừa qua có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tốt, Thủ tướng cho biết kinh tế duy trì ổn định mặc dù không phải phục hồi nhanh.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định. Chính sách tiền tệ được điều hành tương đối tốt, phục vụ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô. Đáng chú ý, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên mức 92 tỷ USD, phấn đấu đạt 100 tỷ USD trong năm 2020.
Các chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 tăng 0,07%. Tỷ giá thị trường ngoại tệ ổn định. Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn này và phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,6-2,8% trong năm nay. Đặc biệt, năm nay, nông nghiệp được mùa, được giá. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến vẫn sẽ giữ được mục tiêu khoảng 41 tỷ USD.
Điểm tích cực trong báo cáo tháng Tám chính là nguồn cung thịt lợn dồi dào, kéo giá thịt heo giảm xuống đáng kể. Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá lợn hiện nay trung bình từ 77.000 - 83.000 đồng/kg, giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam phấn đấu duy trì vị trí thứ nhất, thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo. Tình hình xuất khẩu 8 tháng qua khả quan, tăng trưởng tốt mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Sau nhiều cuộc họp giữa Chính phủ và địa phương, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét. Chính phủ đã tổ chức 7 đoàn kiểm tra thường xuyên đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ này. Nhiều địa phương quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay. Hoạt động phát triển doanh nghiệp tích cực, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng gần 30%.
Vốn FDI trong bối cảnh khó khăn nhưng tổng giá trị các dự án đầu tư được cấp phép vẫn lên tới 19,5 tỷ USD. Số hộ thiếu đói giảm, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.
“Trong bối cảnh khó khăn nhưng nhiều hoạt động đối ngoại vẫn được triển khai, để lại ấn tượng tốt đẹp, đặc biệt là sự kiện kỷ niệm 75 năm Quốc khánh được tổ chức trong không khí thân tình, cởi mở và tin tưởng vào Việt Nam. Uy tín, vị thế của Việt Nam tiếp tục được củng cố trên trường quốc tế trong bối cảnh bình thường mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Đời sống nhân dân ổn định, số hộ đói, nghèo giảm tới 75,3%. Số tai nạn giao thông cũng giảm về cả ba tiêu chí (số người chết, số người bị thương và số vụ TNGT). Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục xuất hiện những tấm lòng nhân ái, hỗ trợ, tham gia phòng, chống dịch.
Các lĩnh vực văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng. Trong đó, Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng ở khu vực ASEAN cũng như trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.
Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn đứng ở vị trí cao
Tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp Quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng thuộc tốp 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.
Mặc dù vậy, tại phiên làm việc hôm nay, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ, các địa phương thảo luận về các tồn tại, khó khăn, cần tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại như: sản xuất công nghiệp, một trong những lĩnh vực sản xuất trọng yếu của nền kinh tế đang tăng trưởng thấp.
“Đó là sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, IIP tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, 8 tháng chỉ tăng 2,2%. Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm do dịch Covid-19 quay trở lại. Trên góc độ chung, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, nguy cơ nhiều việc làm bị mất, nhất là đô thị. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải sớm có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Cùng với đó, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là mùa mưa bão sắp đến”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ.
Trước tình hình này, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tại phiên họp này cần tập trung cho ý kiến hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các thành phần kinh tế: kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, trong đó có việc đề xuất điều chỉnh các mức phí, lệ phí, tín dụng ngân hàng trong 4 tháng còn lại. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải phấn đấu “không chỉ tăng trưởng dương mà còn đạt chỉ số cần thiết, giữ được sự cân đối lớn, ổn định đời sống nhân dân”.
“Các đồng chí cho ý kiến, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực, cả về thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tín dụng ngân hàng”, Thủ tướng đề nghị.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc thảo luận chính sách hỗ trợ người lao độngkhi trước đó đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất cụ thể về chính sách tiếp tục hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu về thu nhập. Thủ tướng khẳng định đây là việc xã hội rất mong chờ nên cần đẩy nhanh và làm triệt để.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần có chính sách tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư FDI, đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, cần cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa để giải phóng các dòng vốn, tạo động lực cho phát triển.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào
Một lần nữa nhấn mạnh tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu cần có các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cả cung và cầu. Chính sách tiền tệ, tài khóa cần phát huy hiệu quả hơn nữa đối với tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, áp dụng những mô hình, phương thức mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong trạng thái “bình thường mới”.
Thủ tướng nêu quan điểm, cần kích cầu tiêu dụng nội địa rất quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là dòng vốn đang dịch chuyển trong khu vực và thế giới.
Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành quý III, IV, cả năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội, trong đó lưu ý xem xét tốc độ tăng trưởng năm 2021 khoảng 6-6,5% (như dự báo của các tổ chức quốc tế và định chế tài chính lớn của thế giới dành cho Việt Nam).
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, càng có đại dịch, càng phải khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế. Cần phải xác định chiến lược áp dụng kinh tế số, chiến lược số ở Việt Nam, cơ cấu lại quản trị, tổ chức lại sản xuất, “nếu làm được thì sẽ có sức bật mạnh sau khủng hoảng”.
“Một chữ V trong phát triển đang chờ đợi chúng ta nếu biết tổ chức trong công việc. Phải đẩy mạnh phương pháp và phương thức phát triển, nhất là tập trung vào những lĩnh vực mang tính thời đại như chuyển đổi số quốc gia. Phải chú ý sâu hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, đó tiếp tục là trụ đỡ, van đệm trước các cú sốc”, Thủ tướng lưu ý.
“Chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào để phấn đấu tăng trưởng mức cao nhất”, Thủ tướng nêu rõ.
Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ cho doanh nghiệp, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước phải sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến.
Thủ tướng: Chọn lọc vốn FDI, không tham nhũng, lãng phí
Bên cạnh đó, nhận định Việt Nam còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các địa phương nên có chương trình hành động cụ thể để thực hiện trong 4 tháng cuối năm.
Thực hiện chiến lược “mở cửa đón đại bàng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa yêu cầu các bộ có liên quan, đặc biệt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư để thu hút FDI có sàng lọc. Các địa phương có thể điều chỉnh linh hoạt về khu công nghiệp, cần ưu tiên mở rộng hoặc xây mới, thu lại những khu công nghiệp không thể làm được, công bố khu công nghiệp sẵn sàng về quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện Đề án, Nghị định về quy định fintech, cho vay ngân hàng, xác thực điện tử. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm trình việc triển khai thí điểm dịch vụ tiền di động (mobile money). Bộ Công an cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia (thẻ căn cước có gắn chíp điện tử…).
Đối với vấn đề tổ chức khai giảng năm học mới, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu gọn nhẹ, an toàn, làm sao động viên thầy cô và học sinh trong năm học này vượt qua giai đoạn khó khăn trong dịch bệnh.
Bàn về việc mở lại các chuyến bay thương mại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lây lan. Ngành y tế đề xuất phương án cách ly phù hợp đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao.
Cũng tại phiên họp này, báo cáo về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam cũng như các tỉnh, thành phố khác đến nay đã được khống chế.
Thời gian qua, có phát hiện một ca nhiễm ở Hải Dương, đặc biệt là trường hợp bệnh nhân 72 tuổi, ông Long cho biết, ngành Y tế đã tiến hành rà soát lại tất cả các trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm và tất cả các trường hợp này đều âm tính.
“Chúng ta sẽ tăng cường khả năng xét nghiệm, phát triển thêm sinh phẩm chẩn đoán kháng nguyên nhanh. Bộ Y tế sẽ triển khai chiến dịch “5K” là Khẩu trang, Khử khuẩn (sát khuẩn tay), Khoảng cách, Không tập trung đông người, Khai báo y tế trên quy mô toàn quốc, tạo thói quen cho người dân trong trạng thái bình thường mới”, Quyền Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.