Sputnik mời các bạn theo dõi tổng quan trong chuyên mục truyền thống hàng tuần «Việt Nam trên báo chí nước ngoài».
Covid-19 và Biển Đông
Tuần qua diễn ra dưới cờ hiệu ASEAN, các nhà ngoại giao của các nước Đông Nam Á tiến hành cuộc đàm phán trực tuyến với nhau và với các đối tác của tổ chức. Hai chủ đề chính là cuộc đấu tranh chung chống coronavirus và tình hình ở Biển Đông, - như Nikkei Asia Review viết.
Đại dịch coronavirus đã giáng đòn nặng vào các nước trong khu vực, làm GDP trong tháng 4-tháng 6 giảm hơn 10% so với năm ngoái ở Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Vốn đảm bảo mức tăng trưởng không đáng kể 0,4% trong quý II, gần đây Việt Nam đã giảm một nửa dự báo tăng trưởng cả năm, xuống còn 2% -2,5%. Các nước ASEAN thảo luận về việc thành lập quỹ chung ứng phó Covid- 19. Hiệp hội tái khẳng định cam kết giải quyết mọi tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và đầy đủ nội dung hàm súc. Cùng thời gian này, tại cuộc gặp Trung Quốc - ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã trở thành «động cơ lớn nhất thúc đẩy quân sự hóa biển Hoa Nam» và như ông Vương nói thêm, «hòa bình và ổn định là quan tâm chiến lược lớn nhất của Trung Quốc ở biển Hoa Nam», - tờ báo trích dẫn.
Tờ South China Morning Post đăng bài viết của Pou Sotirak, Giám đốc điều hành Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, trong đó ông kêu gọi Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm nay nên «khuyến khích các nước thành viên ASEAN đánh giá lại các mục tiêu, nguyên tắc của nhóm và thực hiện hành động kiên quyết để đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á». ASEAN cần xem lại các chuẩn mực về «không can thiệp» và «thông qua quyết định trên cơ sở đồng thuận», bởi điều này hạn chế vai trò của Hiệp hội trong việc quản lý các đối thủ địa chính trị và động lực an ninh trong khu vực. Tác giả bài báo cho rằng Hà Nội cần tiếp tục hiệp lực xây dựng với Bắc Kinh, nhưng cũng ủng hộ sự tham gia của Hoa Kỳ vào khu vực để kiềm chế sự tăng cường của Trung Quốc. Với Việt Nam làm Chủ tịch năm nay, Hiệp hội ASEAN có thể chứng tỏ rằng Đông Nam Á không phải là «sân sau» của ai đó và không một thế lực bên ngoài nào được phép áp đặt bất kỳ chính sách hoặc ý tưởng gì đó gây phương hại cho lợi ích chung của khu vực, - tác giả Pou Sotirak lập luận.
Hoa Kỳ mở rộng phạm vi ảnh hưởng tại Việt Nam…
Cũng trên tờ South China Morning Post thông báo sự kiện tại Hà Nội khai trương Trung tâm của Mỹ về Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
Còn ấn phẩm uy tín Foreign Policy dành bài viết dài phân tích các bộ phim Mỹ và Việt Nam về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam những năm xưa. Tác giả viết: «Những bộ phim của Mỹ về chiến tranh cơ bản dành quan tâm cho lính Mỹ, luôn biện bạch cho cuộc chiến của Hoa Kỳ mà không bao giờ thấy người dân Việt Nam là nạn nhân».
...và ngày càng tích cực xích gần Việt Nam
Sự xích gần của Việt Nam và Hoa Kỳ trong nền kinh tế là nội dung bài viết của chuyên gia nổi tiếng Lê Hồng Hiệp từ Viện ISEAS Singapore, đăng trên tờ The Diplomat. Chuyện ở đây nói về quan hệ đối tác với các công ty Mỹ chuyên sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng, sẽ làm giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ và giúp Hà Nội duy trì đường biên giới của mình ở Biển Đông. Bất kể thiện chí của Hà Nội và nỗ lực kiềm chế xích gần với Washington để tránh làm mếch lòng Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn tiếp tục gây sức ép ngày càng lớn với Chính phủ Việt Nam, liên tục vi phạm làm gián đoạn hoạt động khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần biến hợp tác dầu khí với Hoa Kỳ thành hình thức đòn bẩy sức ép chiến lược chống lại hành động gây hấn ngang ngược của Trung Quốc trên biển. Rốt cục, nếu Hà Nội quyết định xích lại gần Washington, thì Bắc Kinh chỉ nên tự trách mình mà thôi, - tác giả bài báo nhận xét. Hành động của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa không chỉ với chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, mà còn đe doạ cả an ninh năng lượng lâu dài và sự thịnh vượng kinh tế bền vững.
Hãng xếp hạng nổi tiếng thế giới Fitch Ratings khẳng định uy tín xếp hạng dài hạn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ở cấp độ «BB» với triển vọng ổn định. Hãng này dự đoán rằng năm 2020, sản lượng khai thác dầu mỏ của Tập đoàn sẽ giảm 20% do phải từ bỏ những dự án đắt giá trong điều kiện giá dầu tuột dốc.
Trong bối cảnh đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Microsoft sẽ giúp đỡ Việt Nam đấu tranh với tin tặc, - Nikkei Asia Review cho biết. Tờ báo này đưa tin rằng Chính phủ Việt Nam và Microsoft đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng. Số vụ tấn công mạng mà bọn tội phạm mạng từ xa cài mã độc vào các thiết bị không được bảo vệ tại Việt Nam là cao gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Theo lời các nhân vật chính giới, việc nâng cao trình độ bảo mật sẽ hỗ trợ thúc đẩy phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.
Còn CNA cho biết tập đoàn Vingroup dự định bán các đơn vị y tế và giáo dục của mình trong bối cảnh lợi nhuận giảm sút 60% ở bán niên thứ nhất của năm 2020. Tập đoàn xác định hướng tăng trưởng then chốt ở bất động sản, công nghệ và ô tô. Đề xuất chào bán mới nhất là Vinfast, xe địa hình sang trọng mạ vàng với số lượng giới hạn chỉ có ở Việt Nam và được mệnh danh là «xe thương mại hùng mạnh nhất thế giới», có giá hơn 160.000 USD, là mức giá vượt quá tầm với của hầu hết các chủ sở hữu xe Việt Nam, - tờ báo nhận xét.
Theo thông báo của Undercurrentnews, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Còn như AutoBusinessReview phản ánh, tập đoàn GAZ của Nga đã bắt đầu bán xe «Gazelle Next» tại 14 trung tâm ô tô trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam chờ đón du khách từ khắp thế giới
Thế giới mong ngóng thời điểm mở cửa hoàn toàn mùa du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Deccan Herald giới thiệu những điểm đến xuất sắc không thể bỏ qua ở đất nước tươi đẹp này, Financial Express giúp du khách làm quen với cổng thông tin du lịch Việt Nam, còn Blooloop kể chi tiết về công trình xây dựng công viên nước lộng lẫy và hồ bơi dành cho môn lướt sóng đẳng cấp.