Theo các tác giả, hiệu quả của phương pháp mới này đã được xác nhận ở tất cả các bệnh nhân tham gia nghiên cứu. Kết quả được công bố trên tạp chí Laser Physics Letters.
Điều trị ung thư cổ tử cung vẫn là một vấn đề cấp thiết của ung thư phụ khoa, vì các phương pháp chẩn đoán phổ biến hiện nay thường liên quan đến can thiệp phẫu thuật. Ví dụ, trong một số trường hợp, việc lấy mẫu mô để xét nghiệm sinh thiết có thể kèm theo hiện tượng không mong muốn và dẫn đến hậu quả nguy hiểm - chảy máu tử cung, các nhà nghiên cứu lưu ý.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư cổ tử cung
Các nhà khoa học từ Đại học MEPhI và Đại học Y mang tên Sechenov đề xuất phương pháp chẩn đoán huỳnh quang cho phép thu thập thông tin về trạng thái của các mô mà không ảnh hưởng đến các quá trình sinh học xảy ra trong mô.
Trong chẩn đoán huỳnh quang và liệu pháp quang động (PDT), một chất hóa học nhạy sáng được đưa vào máu của bệnh nhân. Các tế bào khối u có khả năng tích lũy những chất này với khối lượng lớn hơn nhiều so với các tế bào khỏe mạnh. Sau một thời gian nhất định, khi phần lớn chất nhạy sáng rời khỏi các tế bào khỏe mạnh, nhưng vẫn còn trong các tế bào ung thư, chùm tia laser có bước sóng nhất định sẽ chiếu vào khối u.
"Chất nhạy sáng loại clo hấp thụ bức xạ và tạo ra oxy cao áp để tiêu diệt các tế bào ung thư lân cận và có thể làm hỏng các mạch máu, do đó ngăn tế bào ung thư nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết. Đến lượt nó, chất nhạy sáng phát ra ánh sáng sau khi bị kích thích bởi bức xạ tia laser. Quá trình này được ghi video bằng phương pháp huỳnh quang và cho phép bác sĩ xác định chính xác ranh giới của khối u”, - cô Polina Alekseeva, nghiên cứu sinh của Viện Công nghệ laser và plasma thuộc Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia (MEPhI) cho biết.
symptoms of cervical cancer#leahscreeningcenter pic.twitter.com/O9X1d3HCxg
— LEAH SCREENING CENTER (@leah_center) September 14, 2020
Nghiên cứu sinh Alekseeva cũng lưu ý rằng, việc chẩn đoán huỳnh quang quang phổ của khối u cổ tử cung giúp kiểm soát tác động bằng liệu pháp quang động (PDT) ở tất cả các giai đoạn.
Kết quả nghiên cứu lâm sàng
Theo kết quả của một nghiên cứu lâm sàng được thực hiện bởi các nhà khoa học cùng với các bác sĩ phẫu thuật, tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh bạch sản (lớp biểu mô niêm mạc trở nên xơ dày lên) và loạn sản cổ tử cung (tình trạng tiền ung thư) đều được điều trị thành công bằng liệu pháp PDT.
"Mười bệnh nhân được chẩn đoán bệnh bạch sản và loạn sản cổ tử cung đã tham gia nghiên cứu. Và Ủy ban đạo đức của Viện nghiên cứu các cụm triệu chứng ung thư mang tên Levshin đã tán thành đề cương nghiên cứu", - người đứng đầu nghiên cứu, giáo sư Victor Loschenov từ Viện Vật Lý-Kỹ Thuật Y Sinh thuộc Trường Đại học MEPhI cho biết.
Sau ba tháng, sự thoái triển hoàn toàn của các mô bị thay đổi do bệnh lý (không có tế bào khối u) được ghi nhận ở tất cả các bệnh nhân. Theo kết quả của cuộc nghiên cứu, các chuyên gia cũng khẳng định rằng, việc sử dụng phương pháp này giúp tiêu diệt virut gây u nhú ở người và cho phép duy trì cấu trúc sinh lý bình thường của cổ tử cung, điều này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ trước khi mang thai.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu của phòng thí nghiệm tại Đại học MEPhI có kế hoạch cải tiến phương pháp điều trị bằng quang động lực học để kịp thời thay đổi chiến thuật điều trị và tránh phơi nhiễm quá nhiều hoặc không đủ vì điều đó có thể dẫn đến tình trạng tế bào ung thư tái phát trở lại.