Một thành viên chính của Triển lãm là tập đoàn «Trực thăng Nga» đem tới giới thiệu loạt sáng chế mới, định hướng tập trung vào hiện đại hóa sâu sắc các mẫu trực thăng hiện có và mở rộng phạm vi sửa đổi các biến thể.
Sáng 15 tháng 9, một chiếc Mi-38 phiên bản chở khách mới nhất hạ cánh ngay trước cổng triển lãm. Chiếc trực thăng này là hiện thân bước phát triển kế tiếp của Mi-8/17, nhưng trong bảng «thứ hạng» trực thăng Nga, nó đã chiếm vị trí cao hơn – khoảng giữa gia đình «thứ tám» và «trực thăng tiên phong» là mẫu chủ lực hạng nặng Mi-26.
Chiếm giữ khu vực liền kề là một chiếc trực thăng với hai cánh quạt chính và đuôi ngắn, sản phẩm đặc trưng của dòng «Kamov». Nó rất giống những «chiến hữu» quân sự của mình là trực thăng Ka-27/29/31 trên boong tàu. Và thậm chí cũng được sản xuất tại cùng một nhà máy với những «người anh em» này. Đó là chiếc Ka-32 dân dụng, đủ sức thực hiện những gì mà các đối tác nước ngoài của nó đơn giản là không có khả năng. Vì thế không ngẫu nhiên Ka-32 được biết đến rộng rãi trên thị trường toàn thế giới, không riêng ở châu Á và châu Mỹ Latinh.
Tại triển lãm HeliRussia-2020 giới thiệu mẫu trực thăng chữa cháy-cứu hộ Ka-32A11VS của Trung tâm Hàng không Matxcơva. Chiếc trực thăng này hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết và suốt ngày đêm, có trọng lượng cất cánh tối đa 12,7 tấn, chở trên khoang 13 người, tốc độ bay đến 270 km/h và có khả năng bay xa 670 km. Trong biến thể sửa đổi này đã tích hợp hàng loạt giải pháp kỹ thuật mới. Tuy nhiên, chiếc trực thăng vẫn đang được cải tiến để hoàn thiện hơn nữa. Ông Shamil Suleymanov, chuyên gia thiết kế chính với gia đình Ka-32 kể với các đại diện truyền thông về nội dung này.
«Máy bay trực thăng trong mẫu sửa đổi này sẽ được dành cung cấp cho cả khách hàng Nga và nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại đã khởi động chương trình hiện đại hóa nghiêm túc với mẫu máy bay trực thăng này, lên đến đẳng cấp của Ka-32A11M. Sẽ thay đổi tất cả thiết bị điện tử hàng không trên đó, ứng nghiệm buồng lái hoàn toàn bằng kính - cabine kỹ thuật số trong tổ hợp cùng với kính nhìn đêm dành cho phi công. Có thể lắp đặt hệ thống quang-điện tử trong bộ thiết bị tìm kiếm-cứu hộ. Phương hướng thứ hai là thay thế động cơ TV3-117VMA bằng động cơ VK-2500 của công ty «UEC-Klimov» - giống như các đồng nghiệp của chúng tôi từ «Mil» đã làm khi chế tạo trực thăng Mi-171A2. Với động cơ mới, sức tải của máy bay trực thăng trong điều kiện khí hậu nóng bức sẽ tăng thêm đến 1.600 kg. Còn về các chuyến bay ở khu vực miền núi, thì «trần bay» của trực thăng hiện giờ cũng không tồi - tới 5.000 mét. Tuy nhiên, nếu như khách hàng muốn có chiếc Ka-32 với khả năng hoạt động cả ở độ cao lớn, thì với các động cơ mới, yêu cầu đó về mặt kỹ thuật là hoàn toàn khả thi. Theo cách nhìn của tôi, Ka-32A11M sẽ là phương tiện gần như lý tưởng dành cho khu vực như Đông Nam Á».
Hướng hiện đại hóa thứ ba, theo lời ông Shamil Suleimanov, là hệ thống chữa cháy tối tân SP-32, chế tạo tại cùng xí nghiệp máy bay, nơi chiếc trực thăng được sản xuất, thử nghiệm và đem trưng bày ở Triển lãm. Hệ thống SP-32 phù hợp với tất cả các biến thể trực thăng sửa đổi, bao gồm cả những phiên bản đầu tiên, có dung tích thùng chứa nước tăng cao (đến 4000 lít), thùng chứa chất tạo bọt, có thể mang theo cả phương thẳng đứng (rót xuống nhưng với tốc độ và góc đổ khác nhau), cũng như phương nằm ngang (với sự hỗ trợ của vòi rồng) để dập lửa. SP-32 hiệu suất cao gấp đôi so với các mẫu của Nga và nước ngoài trước đây, và điều không kém quan trọng là, khác biệt với tất cả các mẫu khác, hệ thống mới có thể hoạt động cả trong điều kiện nhiệt độ không khí cực nóng. Nhân tiện cũng nên nói thêm, trực thăng Ka-32 có trang bị hệ thống này sẽ bay 80 km/h nhanh hơn những mẫu cũ.
«Hiện giờ chúng tôi đang tiến hành đàm phán với khách hàng về việc cung cấp trực thăng Ka-32 cho loạt nước châu Âu và Đông Nam Á. Và tất cả đều yêu cầu trang bị chính hệ thống chữa cháy mới này», - chuyên gia cho biết.
Ngoài phiên bản thuần tuý dành chữa cháy, cũng đang xúc tiến công việc với các phiên bản trực thăng hiện đại hóa khác.
«Có sự quan tâm rõ rệt với mẫu trực thăng tìm kiếm-cứu hộ, trong đó có phiên bản bố trí trên boong tàu. Ở đây chúng tôi phần nào «trở về nguồn». Phương án đầu tiên - Ka-32S - chính là «nhân viên cứu hộ trên biển». Tất cả các trực thăng mẫu này đều có điều chỉnh về cấu trúc để thích ứng với boong tàu, dành sử dụng trên các tàu phá băng của Nga. Đương nhiên, trong dòng nâng cấp «32» sẽ gồm mẫu trực thăng có thể thực hiện hoạt động tìm kiếm-cứu nạn ở bất kỳ khu vực nào trên Đại dương Thế giới, không có cột tiêu định hướng, không có liên lạc với bờ, cách con tàu cơ sở đến 200 km và đảm bảo trở lại an toàn».
Trực thăng mẫu này đủ sức thực hiện chức năng của một «chiếc cần cẩu bay». Như ông Shamil Suleimanov cho biết, công ty «Avialift» của Nga từ Vladivostok có kinh nghiệm đáng kể trong việc sử dụng phiên bản trực thăng này ở Indonesia và Papua New Guinea. Tại đó, Ka-32 đã giúp xây dựng đường và các chủ thể khác trong khu rừng rậm hoàn toàn không thể vượt qua. Khoảng gần 20 năm trước, ở một trong những nước Đông Nam Á, hai trực thăng «cần cẩu bay» như vậy đã đóng vai trò quyết định trong công trình xây dựng chiếc đập trên núi ở độ cao 2 km, cho thấy công suất lên tới 100 tấn mỗi giờ. Ka-32 «cần cẩu bay» thực hiện công việc cả ở Thụy Sĩ. Nếu một nước giàu có đến thế cũng chọn trực thăng của Nga, thì đơn giản là bởi họ không thấy có giải pháp thay thế nào tốt hơn.
Mức giá nào cho Ka-32
Chuyện nói về mức giá của Ka-32 trên thị trường nước ngoài, về chi phí vận hành mẫu trực thăng này.
«Các kỹ sư chúng tôi trong quá trình cải tiến hiện đại hóa đang tạo ra phương án cơ bản của chiếc máy bay trực thăng, là phiên bản rẻ nhất. Nhưng trong Ka-32 dự trù khoảng 100 tùy chọn trang bị bổ sung. Khách đặt hàng có thể lựa chọn những gì tuỳ ý họ thấy cần thiết. Nhưng tất nhiên, chiếc trực thăng với trang bị bổ sung sẽ có mức giá khác. Và đây là một chủ đề đàm phán kinh doanh giữa khách hàng và nhà quản lý của chúng tôi là tập đoàn «Trực thăng Nga», - ông Shamil Suleymanov cho biết.