«Cộng đồng người Việt Nam từ lâu đã trở thành một bộ phận của xã hội Nga. Chúng tôi có cùng mối quan tâm và niềm vui chung với các bạn Nga của mình. Tất nhiên, đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và nếp sinh hoạt, làm việc của đồng bào Việt ở Nga cũng như đối với người dân Nga. Ở mức độ nào đó, chúng tôi còn gặp khó khăn nặng nề hơn cả các bạn Nga, vì chúng tôi sống xa nhà, xa quê hương và những người thân. Đại dịch và các biện pháp nghiêm ngặt mà chính quyền và các bác sĩ Nga thực hiện để chống dịch đã tạo ra tình huống phi tiêu chuẩn, cũng có phần khiến nề nếp sinh hoạt và công việc của chúng tôi tê liệt. Lúc đầu, quả thực có nỗi lo sợ không biết rồi sau mọi sự sẽ ra sao. Nhưng rất may là nhờ các biện pháp kịp thời của cơ quan chức năng và các y bác sĩ, cuộc sống ở Nga đang trở lại bình thường. Cũng như người Nga, người Việt chúng tôi đang quen dần với trạng thái và cách sống mới».
Tỷ lệ nạn nhân coronavirus trong người Việt ở Nga thấp hơn người Nga
Như ông Đỗ Xuân Hoàng cho biết, hiện vẫn chưa có thống kê chính xác về con số người Việt Nam tại Nga mắc bệnh do coronavirus, mặc dù cả Hội và Đại sứ quán đều đã nhanh chóng thành lập các nhóm phối hợp đặc biệt để giúp đỡ các đồng hương. Người Việt Nam đặc biệt là các doanh nhân nói chung là những người năng động, hiện diện ở nhiều vùng khác nhau của nước Nga rộng lớn, thường xuyên thay đổi nơi cư trú và cho đến nay chưa nhận được thông tin từ toàn thể cộng đồng. Ca đầu tiên mắc bệnh này trong số các đồng hương Việt Nam ghi nhận hồi cuối tháng 3. Dữ liệu hiện có cho thấy con số khoảng 300 trường hợp mắc bệnh. Không tránh khỏi những ca tử vong - khoảng chục người đã không qua khỏi cơn bệnh hiểm. Hơn nữa, rất khó gọi ra chính xác nguyên nhân tử vong – hoặc do coronavirus, hoặc do các bệnh nền nghiêm trọng phức tạp khác dẫn đến tử vong do ảnh hưởng của coronavirus. Đáng chú ý là tỷ lệ người Việt Nam ở Nga mắc bệnh và tử vong thấp hơn chỉ số đáng buồn này ở người Nga», - ông Đỗ Xuân Hoàng nói tiếp.
Mọi người Việt ốm đau ở Nga đều được giúp đỡ
Ông Đỗ Xuân Hoàng nhấn mạnh: «Tôi muốn đặc biệt lưu ý các độc giả của trang web Sputnik đến một sự thật khiến tất cả những bà con người Việt ở Nga ngạc nhiên, xúc động và khơi dậy trong chúng tôi tình cảm biết ơn sâu sắc nhất đối với đất nước sở tại. Tất cả những người Việt Nam ở Nga, kể cả những người hiện đang sống đây không đăng ký tạm trú mà thực tế là ở tình trạng bất hợp pháp, bất kỳ ai nếu không may đau ốm đều được nhận sự hỗ trợ y tế nhanh chóng, kể cả nhập viện điều trị. Các đồng hương này của chúng tôi được chữa bệnh y như người Nga. Hơn nữa là hoàn toàn miễn phí, không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Tôi nghĩ rằng ở nếu các nước phương Tây, số phận của những người bệnh sẽ bi thảm hơn nhiều.
Về phía mình, cộng đồng người Việt cũng đã cố gắng góp sức vào cuộc chiến cùng với những người bạn Nga đấu tranh chống coronavirus. Các xưởng may của chúng tôi đã sản xuất 80.000 chiếc khẩu trang y tế dành cho các cơ sở y tế Nga. Đội ngũ tình nguyện viên người Việt đã hỗ trợ mua thuốc men cho 1.500 gia đình Matxcơva».
Chung lòng chung sức vượt mọi khó khăn
Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nga nhận xét thêm rằng việc ngừng giao lưu đường không với Việt Nam đã ảnh hưởng nặng đến cộng đồng. Nhiều đồng hương ở đây có người thân phối hợp tiến hành kinh doanh hai chiều. Đối với nhiều người, tình trạng không thể bay qua lại giữa Nga và Việt Nam thực sự là một cú sốc lớn ảnh hưởng đến sinh kế. «Thật đáng mừng là kể từ tháng 8 tới nay các cơ quan chuyên trách của Việt Nam đã tổ chức được những chuyến bay ít nhiều thường xuyên để đưa những công dân có nhu cầu khẩn thiết về nước. Đối với tập thể sinh viên Việt Nam tại Nga mà mỗi năm đều đông hơn thì phần lớn không bị gián đoạn việc học tập, dù học từ xa hay chính quy. Trên thực tế, việc học tập của các học sinh người Việt tại các trường phổ thông ở Nga cũng đã trở lại bình thường. Tất nhiên, thực trạng một số phụ huynh phải nghỉ làm và ở nhà với con nhỏ cũng tác động tiêu cực đến công việc và nếp sinh hoạt. Nhưng tôi nghĩ chẳng đáng phàn nàn, bởi đó là tình cảnh chung, các bậc cha mẹ người Nga cũng vậy thôi».
Ông Đỗ Xuân Hoàng lưu ý thêm rằng việc đóng cửa các trung tâm mua sắm, đình trệ nguồn cung và giảm nhu cầu tiêu dùng đã tác động tiêu cực đến thương mại, ngành nghề kinh doanh truyền thống của phần đông người Việt ở Nga. Nhiều quán ăn và cơ sở sản xuất nhỏ của người Việt, trước hết là xưởng may, đã lâm vào tình trạng khó khăn. Bởi hầu hết các chủ kinh doanh này không đủ vốn liếng để tồn tại lâu dài trong cảnh phải trả tiền thuê mặt bằng mà không hoạt động được. Tất nhiên, có phần hỗ trợ từ quyết định của chính quyền Nga cho hoãn nộp thuế. Tuy vậy không ít các quán ăn, xưởng nhỏ và cơ sở kinh doanh gia đình đã buộc phải đóng cửa. Có lẽ, mọi người vẫn mong mỏi hy vọng rằng cuộc sống nay mai sẽ trở lại quỹ đạo bình thường.
«Nói cho cùng, đây không phải lần đầu người Việt Nam gặp khó. Hơn thế nữa, đại dịch hiện nay gây hậu quả không chỉ ở Nga và Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng như người dân Nga, có chung tâm thế vượt qua khó khăn, tìm ra cách giải quyết mọi vấn đề. Có những điều kiện thuận lợi bổ sung được tạo ra từ mối quan hệ hữu nghị thân thiện giữa hai nước chúng ta. Tôi tin chắc rằng cả Nga và Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt ở Nga sẽ tìm thấy cách ứng phó xứng đáng với thách thức do coronavirus gây ra và nhanh chóng thích ứng với các điều kiện sau đại dịch để tiếp tục đi lên phát triển», - ông Đỗ Xuân Hoàng kết luận.