Về vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 1/10 tại Hà Nội, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ chưa có thông tin gì về việc Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc tuyên bố ngừng tuyển lao động Việt Nam.
Chưa có thông tin về việc Hàn Quốc ngừng nhận lao động Việt Nam
Một trong những thông tin đáng chú ý liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động của Việt Nam đi Hàn Quốc đó là tin đồn về việc phía Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc quyết định ngừng tiếp nhận người Việt.
Cụ thể, thời gian qua, trên một số trang tin của cộng đồng người Việt ở nước ngoài có đăng tải thông tin cho rằng, kể từ tháng 1/2021, Hàn Quốc sẽ ngừng tuyển lao động Việt Nam vì lý do tỷ lệ tội phạm của người Việt ở quốc gia này đã “vượt ngưỡng cho phép”.
Các bài đăng liên quan đến vấn đề này cũng cho biết, những trường hợp lao động bất hợp pháp đầu thú sẽ được phép ở lại Hàn Quốc thêm một năm làm việc trái ngành.
Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay, hiện vẫn chưa xác minh được những thông tin này.
Hiện tại, kể từ thời điểm tháng 6/2020, Việt Nam có 10 quận huyện thuộc 5 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Bình và Quảng Bình đang bị tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc do có tỷ lệ lao động bỏ trốn, không về nước cao, theo thông tin cung cấp bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trước đó, Trung tâm Lao động ngoài nước đã gửi danh sách 1.750 lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc bỏ trốn tại nơi làm việc đến sở lao động - thương binh và xã hội tỉnh, thành phố nơi họ đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi xuất khẩu lao động để xử lý khoản tiền ký quỹ 100 triệu đồng.
Trong trường hợp người lao động về nước đúng hạn sau khi chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi thị thực cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc, chết hoặc bị mất tích theo quy định pháp luật trong thời gian làm việc theo hợp đồng, số tiền này sẽ được hoàn lại cả gốc lẫn lãi.
Các địa phương nào của Việt Nam bị tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc?
Trước đó, như đã thông tin, vào tháng 6 năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam ban hành công văn về việc tạm dừng tuyển chọn lao động theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là Chương trình EPS), năm 2020 tại một số địa phương.
Theo đó, các quận/ huyện tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc gồm có Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Nam Đàn (tỉnh Nghệ An); Đông Sơn, Hoằng Hóa, thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa); Nghi Xuân, Kỳ Anh (Hà Tĩnh; Tiền Hải (tỉnh Thái Bình); Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình).
Được biết, đây là các địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn từ 28% trở lên, và số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 53 người trở lên.
Thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ trên Bản ghi nhớ về Chương trình EPS với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2018-2020, sau khi thống nhất với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc.
Thống kê cho thấy, ngoài 10 quận/huyện nêu trên, còn có 21 quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 28% trở lên. Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương khác có nhiều lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
“Trước tình trạng trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước và lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng”, Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ.
Dựa trên thông báo của Hàn Quốc về tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp vào thời điểm cuối năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2021 với các địa phương không giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng dỡ bỏ việc tạm dừng đối với những địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Cũng theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, người Việt Nam tham gia tuyển chọn sang Hàn Quốc lao động phải đạt yêu cầu qua vòng thi tiếng Hàn, làm hồ sơ đăng ký kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực, gồm kiểm tra thể lực, kỹ năng cơ bản và phỏng vấn.
“Lao động đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn và vòng kiểm tra tay nghề, đánh giá năng lực mới được nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc để giới thiệu với người sử dụng lao động Hàn Quốc. Sau khi được người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng, người lao động mới làm thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc”, Bộ LĐ-TB&XH thông tin.
Xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài là hoạt động kinh tế dưới hình thức cung ứng lao động Việt Nam xuất ngoại đi các nước khác nhau theo hợp đồng có thời hạn, phục vụ cho nhu cầu nhân công lao động của doanh nghiệp nước ngoài. Xuất khẩu lao động góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nhiều lợi ích kinh tế khác.
Riêng về thị trường Hàn Quốc, Việt Nam và quốc gia Đông Á này đã nối lại đường bay thương mại vào cuối tháng 9/2020 sau khi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 tại mỗi quốc gia, điều này có thể thắp lên triển vọng đưa người lao động Việt Nam sang nước bạn trong thời gian tới với điều kiện tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Nhà nước Việt Nam cũng như phía Hàn Quốc.