Tuy nhiên, thời gian qua, do thiếu thống nhất trong quy trình cách ly hành khách, đến nay các hãng hàng không vẫn chưa thể triển khai thêm chuyến bay quốc tế về Việt Nam.
Tạm dừng đường bay quốc tế về Việt Nam để giải quyết quy trình cách ly
Theo đó, tuy dịch Covid-19 được kiểm soát đã được kiểm soát gần một tháng qua nhưng tình hình tại ga quốc tế ở 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vẫn vắng lặng.
Mặc dù 2 sân bay này đã được phê duyệt để đón hàng nghìn hành khách về từ 6 quốc gia, vùng lãnh thổ mỗi tuần. Tuy nhiên, hơn 20 ngày qua, chỉ có 2 chuyến bay được thực hiện với gần 300 hành khách.
Đề cập đến vấn đề này, ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không cho biết hoạt động bay thương mại quốc tế về Việt Nam hiện đang phải tạm dừng để chờ đợi các hướng dẫn tiếp theo từ Bộ Y tế về quy trình cách ly hành khách.
“Việc cách ly công dân nước ngoài được thực hiện rất tốt. Vấn đề phát sinh nằm ở quy trình chuẩn bị khách sạn, thu phí cách ly đối với công dân Việt Nam”, ông Cường nói.
Trong khi đó, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức cho biết, mới đây Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế đã có cuộc hợp để liệt kê hết các vướng mắc phát sinh sau 2 chuyến bay “thí điểm” vừa qua.
Theo ông Hoàng Minh Đức, việc chuẩn bị khách sạn, thu phí cách ly chỉ là một trong số rất nhiều vấn đề gặp phải cần giải quyết.
“Tổ công tác của Bộ Y tế đang xây dựng quy trình cách ly thống nhất áp dụng cho toàn quốc. Dự kiến 3 ngày nữa quy trình hoàn thành và trình Ban chỉ đạo quốc gia phê duyệt”, ông Đức nói.
Trước đó ngày 30/9, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, trong chuyến bay của Vietjet Air từ Seoul về TP.HCM, do không thống nhất về mức giá thuê khách sạn để cách ly nên đã xảy ra sự lộn xộn tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong khi đó, dù diễn ra thuận lợi hơn chút, chuyến bay của Vietnam Airlines hôm 25/9 từ Seoul về Hà Nội cũng có nhiều hành khách than phiền về mức phí cách ly tại khách sạn là 28 triệu đồng cho 14 ngày. Các hành khách này mong muốn được cách ly ở những địa điểm bình dân với mức chi phí tiết kiệm hơn.
Các chuyến bay quốc tế về Việt Nam thực hiện thế nào trong thời gian tới?
Trong diễn biến liên quan, mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản gửi đến UBND TP.Hà Nội và UBND TP.HCM để tham khảo ý kiến về lịch khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ.
Dựa trên các góp ý nhận được từ các địa phương, Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét, cấp phép bay cho các hãng hàng không trong thời gian tới.
Theo đó, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục khai thác đường bay Quảng Châu (Trung Quốc) - TP.HCM vào thứ 6 hàng tuần.
Trong khi đó, đường bay Nhật Bản do Vietnam Airlines và Vietjet Air khai thác với 2 chuyến/tuần, đường bay Seoul (Hàn Quốc) đi Hà Nội/TP.HCM 2 chuyến/tuần, đường bay Đài Bắc (Đài Loan) đi Hà Nội, TP.HCM 2 chuyến/tuần cũng do Vietnam Airlines và Vietjet Air khai thác. Vietnam Airlines cũng là đơn vị khai thác đường bay đi Campuchia và Lào với tần suất 1 chuyến 1 tuần.
Ngoài ra, theo văn bản của Bộ GTVT, mỗi tuần sẽ có 4 chuyến bay hạ cánh Hà Nội các ngày thứ 3, 4, 5, 6 (tổng số tối đa 1.304 ghế) và có 5 chuyến bay hạ cánh TP HCM vào các ngày thứ 3 (2 chuyến), 4, 5, 6 (tổng số tối đa 1.290 ghế). Các chuyến này do Vietnam Airlines và Vietjet Air thực hiện.
Đặc biệt, các đối tượng khách nhập cảnh và các yêu cầu đối với hành khách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 được quy định trong Thông báo số 330/TB-VPCP ngày 15/9 của Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh.
Bộ GTVT nhấn mạnh, các hãng hàng không chỉ làm thủ tục hàng không (check-in) cho hành khách từ các cảng hàng không nước ngoài về Việt Nam khi hành khách đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch.
Cụ thể, hành khách là công dân Việt Nam phải có hộ chiếu còn hiệu lực, có địa điểm lưu trú cụ thể tại Việt Nam trong thời hạn phải cách ly (tại các cơ sở lưu trú theo danh sách do UBND TP.Hà Nội và UBND TP.HCM công bố) và giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp Real-time PCR do nước sở tại cấp.
Quy đình đối với người nước ngoài yêu cầu, cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, hành khách phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (được Việt Nam công nhận) và có thị thực hoặc thẻ tạm trú còn thời hạn (kèm công văn của Cục Quản lý xuất nhập cảnh về việc giải quyết cho người nước ngoài nhập cảnh), hoặc có công văn trả lời đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế còn thời hạn nhập cảnh.
Ngoài ra, hành khách còn phải có địa điểm lưu trú cụ thể tại Việt Nam (nhà máy, trụ sở doanh nghiệp, khách sạn hoặc cơ sở lưu trú khác do UBND TP.Hà Nội và UBND TP.HCM công bố/chấp thuận), cùng với giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp Real-time PCR do nước sở tại cấp.
Đồng thời, Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT yêu cầu hãng hàng không phải gửi cảng vụ hàng không danh sách hành khách dự kiến thực hiện chuyến bay 12 giờ trước giờ khởi hành theo phép bay và danh sách chi tiết hành khách chuyến bay 30 phút trước giờ khởi hành thực tế của chuyến bay.
“Trách nhiệm của các Cảng vụ hàng không bao gồm tiếp nhận và chuyển thông tin hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến cho cơ quan kiểm dịch y tế, cơ quan xuất nhập cảnh và các cơ quan liên quan tại cảng hàng không”, Bộ GTVT nêu rõ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines đã thực hiện 1 chuyến bay chở khách chiều Hà Nội – Seoul – Hà Nội vào ngày 15/9. Trong khi đó, Vietjet Air cũng khai thác đường bay TP.HCM – Seoul – TP.HCM ngày 30/9.
Trước đó, từ ngày 11/9, Cục Hàng không Việt Nam đã có thư chính thức gửi nhà chức trách hàng không 4 đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để thông báo phương án mở lại các chuyến bay chở khách giữa Việt Nam và từng đối tác. Tất cả đều nhất trí với phương án Việt Nam đưa ra và cho đến nay phía Hàn Quốc đã đưa ra kế hoạch khai thác cụ thể. Các đối tác còn lại đã có thông báo kế hoạch khai thác dự kiến.
Về phía Hàn Quốc, Korean Air khai thác chuyến bay ngày 9/10 từ Incheon đi/đến TP.HCM và ngược lại. Trong khi đó, Asiana Airlines khai thác chuyến bay từ Incheon đi/đến Hà Nội vào các ngày 7/10 và 21/10, khai thác chặng đi/đến TP.HCM vào ngày 1/10 và 15/10.
Đối với Trung Quốc, hãng hàng không China Southern Airlines (CZ) thực hiện khai thác đường bay Quảng Châu - TP.HCM với tần suất một chuyến/tuần.
Về phần Nhật Bản, Japan Airlines (JL) và All Nippon Airways (NH) là 2 hãng hàng không khai thác luân phiên từ Tokyo đến Hà Nội và TP.HCM theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay.
Với Đài Loan, chặng bay Đài Bắc đến Hà Nội và TP.HCM được China Airlines (CI) và Eva Air (BR) khai thác theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 1.099 ca nhiễm coronavirus, trong đó, ngày 7/10, cả nước có thêm duy nhất 1 trường hợp mắc Covid-19 mới là cô gái 28 tuổi từ Australia về nước, được cách ly ở Cần Thơ. Theo Bộ Y tế, đã 35 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 mới lây nhiễm trong cộng đồng.
Liên quan đến trường hợp ca nghi mắc Covid-19 là người Nhật, Bộ Y tế dẫn thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng khẳng định, ngày 7/10, kết quả xét nghiệm Realtime PCR của 152 trường hợp F1 đều có kết quả âm tính với coronavirus.
Đọc thêm:
Việt Nam chính thức mở lại đường bay quốc tế: Quy định nhập cảnh nghiêm ngặt