Về chuẩn bị công tác nhân sự Trung ương khóa mới, Đảng chú trọng đến phương châm xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 – 2026 là làm từng bước, làm đến đâu, chắc đến đó.
Chuẩn bị nhân sự Đại hội: Đặt lợi ích của Đảng, dân tộc lên trên hết
Công tác nhân sự chuẩn bị cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là một trong những nội dung được chú trọng, quan tâm đặc biệt tại Hội nghị Trung ương 13 lần này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch. Đồng thời, kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nêu quan điểm đồng thuận với tâm niệm, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, đảng viên và nhân dân đề nghị Đảng cần nâng cao chất lượng Ủy viên Trung ương để quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Cùng với đó, cực lực đấu tranh, kiên quyết chống những biểu hiện cơ hội, vận động, cục bộ, phe phái, bè nhóm, những người chỉ nhăm nhe giữ ghế, suy thoái tư tưởng đạo đức – hay như vẫn gọi là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đồng thời, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên cả nước cũng đặc biệt quan tâm đến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đối với việc “lựa chọn, giới thiệu, đề cử” nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bám sát phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII.
Chia sẻ ý kiến về công tác nhân sự, công tác cán bộ, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, ông đặc biệt lưu ý đến quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn vào Trung ương”.
GS.TS Trần Ngọc Đường đánh giá cao việc đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh chất lượng cao hơn yếu tố cơ cấu. Bởi vì trong quá trình bầu cử có vấn đề cơ cấu. Nhưng Tổng Bí thư nhấn mạnh, không vì cơ cấu mà giảm mất chất lượng.
“Vì vậy theo tôi phải nâng cao chất lượng để quyết định những vấn đề rất trọng đại, những vấn đề rất phức tạp và khó khăn”, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ.
Bày tỏ quan rằng, việc lựa chọn cán bộ Trung ương phải bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch, chia sẻ trên VOV, GS. TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh cần kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ông Đường cũng khẳng định, cán bộ, đảng viên và nhân dân đề nghị phải kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, vận động, cục bộ, phe cánh.
“Phải đặt lợi ích chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết”, GS.TS Trần Ngọc Đường nêu rõ.
Trung ương rất thận trọng về vấn đề nhân sự
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đối với công tác chuẩn bị nhân sự cho kỳ Đại hội này, Trung ương rất thận trọng, vì có những bài học để lọt vào cấp cao đối với người suy thoái.
“Bài học đó phải rút ra ngay trong Đại hội này phải hết sức thận trọng. Vấn đề tinh thần như thế, nhưng làm cách nào biết được thì trách nhiệm không chỉ trung ương, của các cấp lãnh đạo, ngay cả từng đảng viên trong cơ quan đơn vị phải có trách nhiệm”, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Cùng với đó, một số cán bộ, đảng viên cũng cho rằng, kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác nhân sự nhưng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là nhân sự cấp cao.
Đồng thời, trong phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng phải bảo đảm “trong ấm, ngoài êm” với mục tiêu “xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao trong nhận thức và hành động xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của toàn Đảng và nhân dân.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên Xung phong Việt Nam, ông Vũ Trọng Kim đánh giá cao quan điểm lựa chọn cán bộ vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 13 hôm 5/10.
Ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh, Đảng không cho phép lựa chọn những người không đủ tiêu chuẩn vào Ban chấp hành Trung ương. Theo vị chuyên gia, đây là vấn đề đảm bảo Đảng trong sạch, vững mạnh.
“Những yêu cầu đặt ra như thế để đảm bảo sự liêm chính, chí công, vô tư và đặt hết lợi ích của dân tộc, nhân dân, của Đảng lên trên hết. Thông qua bộ lọc, lựa chọn chắc chắn từ cơ sở, để những thành phần không trong sáng sẽ tách biệt, không tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng”, ông Vũ Trọng Kim bày tỏ.
Có thể nói, công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương là công việc vô cùng hệ trọng. Việc thảo luận, cân nhắc, lựa chọn kỹ trước khi ghi phiếu biểu quyết đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, bám sát phương hướng và quy trình công tác nhân sự của Trung ương khóa XII.
Từ kết quả Hội nghị Trung ương lần này, cũng như ý kiến góp ý của Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc tiếp tục chuẩn bị, xem xét, bổ sung hoàn thiện các phương án về nhân sự, bảo đảm đủ về số lượng, đúng về tiêu chuẩn, chất lượng và hoàn chỉnh các hồ sơ trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.
Công tác nhân sự Trung ương khóa mới được tiến hành như thế nào?
Về vấn đề công tác nhân sự Trung ương khóa XIII, chuyên gia cao cấp về xây dựng Đảng Nguyễn Đức Hà nhận định, quy trình chuẩn bị nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa mới được khởi động từ hai năm trước (tức từ thời điểm năm 2017).
Ông Hà nhắc lại, lúc đó, hội nghị Trung ương 8, khóa XII (tháng 10/2018) quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bao gồm Tiểu ban Nhân sự do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban.
Ngoài ra, lần đầu tiên Bộ Chính trị khóa XII thành lập Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 – 2026 rồi ban hành kế hoạch số 11 về xây dựng quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Chuyên gia cao cấp về xây dựng Đảng nêu rõ, phương châm của quy hoạch là làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó. Theo lời vị chuyên gia chia sẻ trên VnExpress, khác với trước đây, lần này không quy hoạch cho nhiều khóa mà chỉ tập trung cho khóa tới (2021-2026).
“Quy hoạch lần này cũng không làm đồng thời các chức danh mà từng bước, nghĩa là quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, sau đó tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cuối cùng mới đến các chức danh chủ chốt của Ðảng, Nhà nước”, ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.
Đồng thời, với cách làm này, việc xây dựng quy hoạch cấp chiến lược của Trung ương Đảng sẽ gắn kết chặt chẽ với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác nhân sự của mỗi nhiệm kỳ đại hội Đảng toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Trung ương ban hành nhiều chủ trương mới có ý nghĩa quan trọng chi phối trực tiếp đến công tác quy hoạch cán bộ chiến lược, đơn cử như chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương.
Theo thống kê, tính đến cuối tháng 9, trong số 16 đảng bộ cấp tỉnh đã tiến hành đại hội nhiệm kỳ mới, có 8 bí thư cấp uỷ không phải người địa phương.
Ngoài ra, cũng nhằm để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, Trung ương đề ra định hướng xây dựng kế hoạch cụ thể để luân chuyển, điều động nhân sự trong diện này giữ vị trí cấp trưởng, phù hợp với chức danh quy hoạch ở địa bàn khó khăn, lĩnh vực trọng yếu, nơi triển khai mô hình mới để thử thách, rèn luyện.
Cùng với đó, Trung ương cũng tập trung bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt và tổ chức các lớp dự nguồn cán bộ cao cấp.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thông báo trước đó, đến nay Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo mở 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho những người được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII.
Vị chuyên gia cũng dẫn chứng, thời gian qua, nhiều cán bộ từ Trung ương được luân chuyển về giữ các vị trí cấp trưởng ở địa phương. Có thể kể đến như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 3 thứ trưởng được điều động về địa phương và hiện đều giữ các vị trí bí thư, chủ tịch cấp tỉnh.
Một điểm đáng chú ý khác, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, đó là công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược còn được đổi mới quy trình, cách làm.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục mở rộng dân chủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược.
Cân nhắc, lựa chọn kỹ trước khi biểu quyết bầu nhân sự
Bộ Chính trị đã ban hành quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý để cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh quy hoạch.
Quy định 90 nêu rõ tiêu chuẩn chung cũng như tiêu chuẩn chức danh cụ thể với uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư.
Đến đầu năm 2020, Quy định 90 được sửa đổi, bổ sung thành quy định 214. Quy định này nêu, Tổng Bí thư phải là người đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên, trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”.
Theo đó, quy trình phát hiện giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn thực hiện theo 4 bước, quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy hoạch ở Trung ương theo 5 bước. Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ tổng hợp nhân sự giới thiệu của địa phương, các bộ, ban, ngành, phân tích xem đã đúng yêu cầu và đảm bảo tiêu chuẩn tiêu chí đúng như quy định 90.
Trên cơ sở này, Ban chỉ đạo sẽ thẩm định, lấy ý kiến các đơn vị liên quan về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra Đảng. Sau đó, Ban chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị xem xét rồi mới trình Trung ương.
Tại hội nghị Ban chấp hành Trung ương, các đại biểu sẽ nghiên cứu tờ trình, văn bản liên quan và giới thiệu bằng phiếu. Từ giới thiệu này, Ban chỉ đạo tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị để phê duyệt.
Tại hội nghị Trung ương 13 đang diễn ra, Bộ Chính trị hình Trung ương kết quả giới thiệu nhân sự của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và ý kiến của Bộ Chính trị về các nhân sự được giới thiệu. Các ủy viên Trung ương sẽ nghiên cứu kỹ danh sách để thảo luận, cân nhắc, lựa chọn kỹ trước khi ghi phiếu biểu quyết.
Căn cứ vào kết quả hội nghị Trung ương 13 lần này cũng như góp ý của Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc tiếp tục chuẩn bị, xem xét, bổ sung hoàn thiện các phương án về nhân sự theo đúng phương châm bảo đảm đủ về số lượng, đúng về tiêu chuẩn, chất lượng và hoàn chỉnh các hồ sơ để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định thông qua trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.