Khách hàng đòi hỏi là tất cả các mô hình phải được làm bằng uretan chắc nặng để có thể chịu được nhiều năm tập luyện đào tạo binh sĩ.
Hình mẫu kẻ thù
Trong đơn đặt hàng nêu rõ rằng chuyện ở đây nói về súng phóng lựu chống tăng RPG-7, tổ hợp tên lửa phòng không vác vai «Strela-2», súng máy và tiểu liên Kalashnikov, súng bắn tỉa Dragunov, lựu đạn F-1, RGD-5 và RG-42.
Tất cả những thứ này phải được giao đến Fort Benning khét tiếng, một trong những căn cứ quân sự lớn nhất ở Hoa Kỳ. Tại đây mỗi năm đào tạo huấn luyện tới 96 nghìn quân nhân, theo 85 chuyên ngành. Mỗi người lính của các đơn vị xe tăng và bộ binh đều bắt đầu con đường quân ngũ tại Fort Benning. Như đang thấy, Lầu Năm Góc đã quyết định đưa chương trình huấn luyện đến gần hơn với điều kiện thực chiến của cuộc giao tranh tiềm tàng mà đối thủ là Nga.
Mà đây cũng không phải là lần đầu người Mỹ sử dụng vũ khí, thiết bị và thậm chí cả đồng phục của «kẻ lạ». Chẳng hạn, hồi cuối tháng 9, Hoa Kỳ thực hiện các cuộc diễn tập có sử dụng ồ ạt UAV tấn công. Và mục tiêu cần triệt hạ là các mô hình hệ thống tên lửa phòng không «Pantsir-S1». Còn trong vô số cuộc tập trận ở châu Âu, vai «kẻ thù» thường do các quân nhân NATO đóng giả, họ mặc đồ nguỵ trang gợi nhớ đến lính Nga một cách đáng ngờ. Ý tưởng của một «hội hóa trang quân sự» như vậy rõ rành rành - đánh tan nỗi sợ hãi của binh sĩ trước đối phương, dạy cách nhận biết thiết bị và lính đối phương, cho họ làm quen với kiểu chiến thuật khác.
Ở Hoa Kỳ người ta hiểu rõ lợi thế của hình thức đào tạo này ngay từ thời Chiến tranh Lạnh, khi khởi động chương trình OPFOR (Opposing Force – Lực lượng đối địch). Trong quân đội tạo ra những đơn vị đặc biệt mô phỏng lực lượng của các nước thuộc Hiệp ước Warszawa tại các cuộc diễn tập. Quân nhân OPFOR mặc trang phục tương tự như của quân đội Liên Xô, hành động theo cách thức giả định của kẻ thù tiềm năng và tha hồ sử dụng thiết bị quân sự của khối Đông Âu.
Chính các đơn vị OPFOR đã thử nghiệm xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Liên Xô tại Mỹ, là những cỗ chiến xa do Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat chuyển giao cho Washington hồi cuối những năm 1970. Người ta điều khiển những chiếc «Số 1» chạy xung quanh thao trường, nghiên cứu kỹ lưỡng, nhắm bắn vào xa bằng các loại súng với cỡ nòng khác nhau. Kết quả là trên xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley đã lắp đặt pháo 25mm bắn nhanh M242 Bushmaster, với loại đạn có khả năng xuyên thủng giáp trước của xe bọc thép hạng nhẹ Xô-viết.
Mô phỏng cả «chiến lợi phẩm»
Nhưng người Mỹ thiếu rất nhiều mẫu thiết bị và phụ tùng thay thế của đối phương dành cho các vũ khí này. Kết cú là trong trang bị của OPFOR xuất hiện cả những thứ dị dạng kỳ quặc, là những phương tiện Mỹ mô phỏng thành «vũ khí Liên Xô».
Hồi những năm 1980, trong các kho quân sự ở Mỹ dồn lại khoảng 1.000 xe tăng hạng nhẹ «Sheridan» vốn được rút khỏi các đơn vị tiền tuyến. Người ta quyết định sử dụng số tăng đó phục vụ cho quan tâm của OPFOR. Trên cơ sở những cỗ chiến xa này, người ta tạo ra các mô phỏng xe tăng T-72, xe chiến đấu bộ binh BMP-1, pháo phòng không tự hành «Shilka» và pháo tự hành «Gvozdika». Sau đó, trên đất Mỹ xuất hiện mô hình xe tăng T-72 và xe bộ binh BMP-2 do xe bọc thép M113 và M2 Bradley cải trang đội lốt.
Cơ hội vàng để trang bị cho OPFOR là thời kỳ sau khi Liên Xô tan rã. Các nước trước đây thuộc Tổ chức Hiệp ước Warszawa sẵn lòng bán hoặc tặng các thiết bị quân sự Xô-viết cho người Mỹ. Chính khi đó, các đơn vị OPFOR đã nhận được xe tăng T-72 và T-80U, xe chiến đấu bộ binh BMP-2, xe vận tải bọc thép BTR-80, hệ thống pháo và tên lửa phòng không «Tunguska», hệ thống pháo và nhiều thứ nữa.
Các thiết bị kỹ thuật này không bị xếp đó. Ví dụ, một số «chiến lợi phẩm không đánh mà có» đã được vận hành liên tục ở tiểu đoàn tấn công-đổ bộ số 3 thuộc sư đoàn 1 của Thủy quân lục chiến Mỹ, đóng tại Camp Pendleton ở bang California. Người Mỹ huy động các xe bọc thép để sử dụng tại thao trường ở vị trí đồn trú thường trực.
Thủy quân lục chiến Mỹ còn có cả mấy chiếc trực thăng Mi-24 nhận được từ các nước thuộc khối XHCN cũ. Một trong những bài tập trong quá trình huấn luyện chiến đấu cho binh sĩ Hoa Kỳ là xóa bỏ nỗi sợ hãi của quân nhân trước những «con cá sấu» lợi hại khủng khiếp của Nga. Đơn vị nằm trong bãi đất trống, còn trực thăng «của quân Nga» quần đảo nhiều vòng trên đầu lính Mỹ, ở độ cao tối thiểu và tốc độ tối đa. Trong những năm Chiến tranh Lạnh, vai trò mô phỏng Mi-24 được giao cho trực thăng-đổ bộ Sikorsky SH-3 SeaKing và Aerospatiale SA 330 của Pháp.
Những máy bay «Át đỏ»
Trong các cuộc tập trận của Mỹ, vai trò hàng không đối phương thường do phi đội cường kích «Aggressor» thành lập đầu những năm 1970 đảm nhận và bay trên các phi cơ mô phỏng máy bay chiến đấu của Liên Xô và Nga. Thoạt đầu, đó là những chiếc F-5 của Mỹ với ngôi sao màu đỏ sơn trên cánh, nhưng đến năm 1973, Hoa Kỳ đã dùng chiếc MiG-21F-13 thứ thiệt đầu tiên do người Israel bắt giữ của người Ả Rập.
Vài năm sau, trên bầu trời Nevada có bóng dáng những chiếc MiG-21bis và MiG-23 nữa.
Sau khi Liên Xô tan rã, «Aggressor» đã có được những «giáo cụ trực quan quân sự» là máy bay hiện đại hơn. Chẳng hạn, vào tháng 12 năm 2016, những người săn tin đã chụp được ảnh cuộc giao tranh tay đôi huấn luyện giữa một chiến đấu cơ Su-27 và một chiếc F-16 của Mỹ ở Nevada. Chiếc «Su» đến tay người Mỹ có lẽ là từ Ukraina. Theo dữ liệu của các phương tiện truyền thông, người Mỹ có mấy chiếc máy bay này, cũng như khoảng hơn hai chục chiến đấu cơ MiG-29. Tuy nhiên, trang bị của phi đội «Aggressor» vẫn dựa trên cơ sở số máy bay F-5, F-15, F-16 và F/A-18, chỉ có điều được sơn lại cho giống với kiểu ngụy trang của Nga.
Không chỉ vẻ ngoài mà «Aggressor» còn cố gắng bắt chước chiến thuật và tính năng kỹ thuật của máy bay đối phương. Theo quan niệm của Không lực Hoa Kỳ, đây là điều này rất quan trọng dưới góc độ tâm lý.
Ngay từ thời Thế chiến II, người Mỹ đã nhận ra rằng trong lần đầu xuất kích, hầu hết các phi công trẻ đều thường rơi vào trạng thái sững sờ. Mà trong cuộc không chiến, những giây phút mất bình tĩnh đáng giá nhiều mạng người. Theo quan điểm của các chỉ huy quân sự Mỹ, việc huấn luyện thường xuyên với «kẻ xâm lược» - dù là «Aggressor» Mỹ đội lốt Nga – cần giúp cho các phi công Mỹ quen dần với hình ảnh đối phương sấm sét.