Vào 8 giờ sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong sáu giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ)
Trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.
Đến 19 giờ ngày 14-10, vị trí tâm ATNĐ ở trên đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-60km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 50km tính từ tâm ATNĐ.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, vùng nguy hiểm do bão trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Vịnh Bắc Bộ, từ vĩ tuyến 17,5 đến vĩ tuyến 21,0 độ Vĩ Bắc. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh.
Ngày hôm nay (14-10), trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Đồng thời, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ nay đến ngày 16-10 ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150mm/đợt.
Các tỉnh Bắc bộ sơ tán dân chống bão
Để phòng, tránh thiệt hại do bão số 7, các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã ra lệnh cấm biển từ chiều ngày 13-10.
Hải Phòng cũng tổ chức di dời 90 người dân ở khu vực nguy hiểm của đảo Cát Hải đến nơi an toàn.
Sáu tỉnh khác cũng lên kế hoạch tổ chức di dân khu vực ven biển, vùng trũng thấp.
Cụ thể, tỉnh Thái Bình di dời 3.019 người tại các bãi ngao, đầm thủy sản ven sông, ven biển; tỉnh Nam Định di dời 1.100 người tại các bãi ngang, chòi canh đầm thủy sản ngoài đê; tỉnh Ninh Bình di dời 412 người tại khu nuôi ngao Bình Minh III đến Cồn Nổi dự kiến xong trước 12 giờ ngày 14-10; tỉnh Thanh Hóa sơ tán số dân trong phạm vi cách bờ biển 200 m: 10.824 hộ/46.760 người; tỉnh Nghệ An sơ tán số dân: 12.341 hộ/102.112 người.
Tính đến 6 giờ sáng nay, 14-10, Bộ đội Biên phòng cũng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 31.096 phương tiện/115.607 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Đáng lưu ý, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 41 vị trí xung yếu (27 đoạn đê với tổng chiều dài 38,60 km) và 19 công trình đang thi công dở dang cần sẵn sàng phương án ứng phó với bão số 7.
Trên các tuyến đê sông có 213 vị trí trọng điểm đê điều xung yếu và 33 công trình đang thi công dở dang (Thái Bình: 15; Hải Phòng: 04; Nam Định: 02; Ninh Bình: 04; Thanh Hóa: 04; Nghệ An: 06; Hà Tĩnh: 03).
Tình hình thiệt hại ở các tỉnh Trung bộ
Về tình hình thiệt hại ở các tỉnh Trung bộ, tính đến 23 giờ ngày 13-10, số người chết do mưa lũ đã tăng lên 36 người, trong đó có 30 người do bị lũ cuốn; 03 thuyền viên trên biển, 03 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ, chưa đề cập đến các nạn nhân do sạt lở thủy điện Rào Trăng 3-địa phương đang xác minh), tăng 8 người, cụ thể: Quảng Bình 02 , Quảng Trị 10 (tăng 02), Thừa Thiên Huế 06 (tăng 01), Quảng Nam 09 (tăng 03), Đà Nẵng 03 (tăng 02), Quảng Ngãi 01, Gia Lai 01, Đăk Lăk 01, Lâm Đồng 01, Kon Tum 02.
Số người mất tích: 12 người (08 người do lũ cuốn; 04 thuyền viên trên biển), gồm: Quảng Trị 05, Thừa Thiên Huế 03 (tăng 02), Đà Nẵng 01 (giảm 02), Quảng Nam 02, Gia Lai 01). Ngoài ra còn có nhiều thiệt hại khác về kinh tế, cơ sở hạ tầng, giao thông...
Hiện nay, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 6.500 tấn gạo (Quảng Bình: 3.000; Quảng Trị 1.500; Thừa Thiên Huế 1.000; Quảng Nam 1.000); 5,5 tấn lương khô (Quảng Trị: 1,5 tấn; Thừa Thiên Huế: 2 tấn; Quảng Nam: 2 tấn); 20.000 thùng mì tôm (Thừa Thiên Huế: 10.000; Quảng Nam: 10.000); các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1394/CĐ-TTg ngày 13-10-2020 chỉ đạo việc tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực Trạm kiểm lâm số 7 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT kiểm tra, chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực Trạm kiểm lâm số 7 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT kiểm tra, chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả tại Thừa Thiên - Huế. Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đi kiểm tra, chỉ đạo công tác vận hành hồ chứa và công tác ứng phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả tại Thừa Thiên - Huế.
Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Trong một diễn biến khác, cơn áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gần Biển Đông đang ở ngay trên bờ biển phía đông miền trung của Philippines với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 25 km và đi vào Biển Đông, có khả năng mạnh thêm.
Đến 4 giờ ngày 15-10, vị trí tâm ATNĐ cách đảo Song Tử Tây khoảng 600 km về phía đông đông bắc với cường độ cấp 6-7, giật cấp 9.
Trong những giờ tiếp theo, ATNĐ tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc và có khả năng mạnh lên thành bão.