Còn 15 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 đang mất tích
Sáng 17/10, công tác tìm kiếm các công nhân còn mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 của lực lượng cứu nạn, cứu hộ hết sức khẩn trương, tuy nhiên do mưa lớn nên gặp rất nhiều khó khăn.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ vẫn túc trực ở Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền để chỉ đạo công tác tìm kiếm các công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, 2 hướng tiếp cận bằng đường thủy và đường bộ vào Rào Trăng 3 đang gặp khó khăn.
Cụ thể, hướng tiếp cận bằng đường bộ (đi từ trung tâm xã Phong Xuân theo đường 71) vào thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) của quân đội đang tạm thời bị gián đoạn do mưa lớn, có nhiều điểm sạt lở đường gây chia cắt.
Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên – Huế đang triển khai hướng tiếp cận đường sông do Công an tỉnh phụ trách, nhưng cũng đang gặp khó khăn do nước lớn chảy xiết. Tinh thần chung của Ban chỉ đạo cứu hộ là luôn sẵn sàng, nhưng phải đảm bảo an toàn cho các chiến sĩ, quân đội khi cứu hộ.
Các lực lượng cứu hộ còn cách thủy điện Rào Trăng 4 khoảng 1km, nhưng có 2 cái ngầm rất lớn, các phương tiện không thể vượt qua trong điều kiện thời tiết xấu. Trong khi đó, từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 đi đường bộ còn 10km. Qua khảo sát bằng flycam, lực lượng chức năng ghi nhận vẫn còn rất nhiều điểm sạt lở cần xử lý.
Riêng tại thủy điện Rào Trăng 3, hiện đang có 2 xe múc và 1 xe ủi (của đơn vị thi công thủy điện này lúc trước đang thi công tại đây). 3 xe đã được tiếp tế nhiên liệu và đang triển khai tìm kiếm tại chỗ.
Cho đến thời điểm này, đoàn cứu hộ đã tìm thấy thi thể 2 công nhân, còn 15 công nhân đang mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3.
Được biết, lễ viếng và truy điệu 13 cán bộ, chiến sĩ đi cứu hộ Rào Trăng 3 sẽ được diễn ra từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa 18/10 tại Nhà tang lễ 268, Bệnh viện Quân y 268 (thuộc Quân khu 4) ở đường Đinh Tiên Hoàng, phường Thuận Lộc, TP Huế.
Lũ trên các sông dao động ở mức cao
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, đến trưa và chiều 17/10, lũ trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa dao động ở mức 8m, ở mức báo động (BĐ) 2; sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lên mức 8,7m, dưới BĐ2 là 0,3m; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm lên mức 11,5m, ở mức BĐ2; sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 5,2m, trên BĐ2 là 0,2m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lên mức 2,6m, dưới BĐ3 là 0,1m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn lên mức 6,5m, trên BĐ3 là 0,5m; sông Bồ tại Phú Ốc lên mức 4,0m, dưới BĐ3 là 0,5m; sông Hương tại Kim Long lên mức 3m, dưới BĐ3 là 0,5m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu dao động mức 2m, ở mức BĐ1; sông Bưởi và các sông ở Quảng Ngãi nước xuống chậm.
Từ nay đến ngày 21/10, ở Trung Bộ có mưa to đến rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa từ nay đến ngày 21-10 ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị phổ biến từ 400-700mm, có nơi trên 800mm; ở Bắc Nghệ An, Thừa Thiên – Huế phổ biến 400-500mm, có nơi trên 500mm; ở Đà Nẵng, Quảng Nam phổ biến 250-350mm, có nơi trên 400mm; Từ Quảng Ngãi đến Phú Yên phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm.
Sau ngày 21/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi; nguy cơ ngập lụt vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam; nguy cơ cao xảy ra mất an toàn tại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.