Báo cáo do 22 chuyên gia về sinh học, sinh thái học và virus học soạn thảo được trình bày tại hội thảo Diễn đàn chính trị - khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES).
Có nên đổ lỗi cho thiên nhiên hoang dã gây ra những căn bệnh nguy hiểm?
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng dơi, các loài động vật gặm nhấm và linh trưởng có thể mang 540-850 nghìn loại virus có khả năng lây truyền sang người. Trong trường hợp này mỗi năm đều có nguy cơ bùng phát khoảng 5 bệnh dịch truyền nhiễm, mà bệnh dịch nào cũng tiềm ẩn khả năng phát triển thành đại dịch.
Đồng thời, các nhà khoa học lưu ý rằng sẽ là sai lầm nếu đổ lỗi cho thiên nhiên hoang dã gây ra những dịch bệnh này. Theo họ, các đại dịch, trong đó có COVID-19, xảy ra là do hoạt động của con người và tác động của họ đến môi trường.
“Những loại hình hoạt động của con người đang gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học cũng gây ra nguy cơ đại dịch do tác động đến môi trường sống của chúng ta”, - báo cáo nhận định.
Trước đó, được biết rằng các chuyên gia của Rospotrebnadzor đã phát hiện loài dơi sinh trưởng ở Nga có mang coronavirus. Công trình nghiên cứu bắt đầu triển khai từ tháng Tám. Dự án giúp đánh giá được nguy cơ xảy ra dịch bệnh và cách thức lây lan.
Đợt bùng phát dịch bệnh coronavirus SARS-CoV-2 đầu tiên xảy ra vào tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Nhà chức trách Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đã làm lây lan dịch bệnh ra khắp thế giới. Được biết có nhiều ý kiến cho rằng coronavirus bắt đầu lây truyền sang người từ những con dơi được mua bán ở một trong những khu chợ của thành phố này.