Vào những ngày đầu tháng 11/2020, cả thế giới được sống trong những khoảnh khắc của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đầy kịch tính và đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nó diễn ra trong thời điểm đại dịch Covid – 19 còn phức tạp và hai ứng viên đều lớn tuổi nhất trong lịch sử. Đặc biệt, kết quả của cuộc bầu cử này được rất nhiều nước quan tâm, không chỉ bởi vì các nước này quan tâm riêng đến nước Mỹ, mà phần lớn do nhận biết được những ảnh hưởng của một nền kinh tế lớn như Mỹ ai làm tổng thống cũng ít nhiều tác động tới kinh tế của đất nước. Và Việt Nam cũng là một trong số đó. Hơn nữa, trước đó, dưới thời Tổng thống Obama, ông Joe Biden đã từng làm Phó tổng thống nên dù ít hay nhiều ông ta đã biết Việt Nam.
Phóng viên Sputnik đã có cuộc phỏng vấn TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam. Câu chuyện xoay quanh chủ đề, nếu Biden sẽ là Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, thì chính sách của Biden có thể tác động và ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam.
Chính sách thương mại của Biden sẽ dễ đoán hơn
Sputnik: Thưa TS Đặng Hoàng Linh, chính sách thương mại của Joe Biden và Donald Trump khác nhau ở những điểm nào?
TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam
Đầu tiên, khi xét về chính sách thương mại, ông Biden có quan điểm hòa hoãn hơn nhiều so với ông Trump. Tuy nhiên, đảng Dân chủ từ lâu vẫn ủng hộ thuế nhập khẩu và các biện pháp hạn chế thương mại. Cho nên, những hướng đi của chính quyền ông Biden sẽ không khác nhiều so với ông Trump, nhưng sẽ khác ở mức độ và dễ đoán hơn. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt các chính sách và lập kế hoạch.
Có nhiều ý kiến về sự tác động của những chính sách dưới thời ông Biden lên kinh tế Việt Nam, nhưng đa số đều cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ không khác nhiều. Theo một số chuyên gia, để đánh giá những tác động đến nền kinh tế Việt Nam khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ thì cần xem xét chiều dài lịch sử quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Việt Nam sẽ luôn nhận được sự quan tâm từ Mỹ
Sputnik: Vậy sau 25 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đang phát triển hợp tác như thế nào? Vị thế của Việt Nam trong chính sách ngoại giao của Mỹ như thế nào?
TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam
Sau 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày phát triển toàn diện với 9 trụ cột hợp tác, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế..., trong đó quan hệ thương mại - đầu tư không ngừng được phát triển. Việt Nam là quốc gia nằm ở vị trí cửa ngõ đi vào Châu Á từ Thái Bình Dương với dân số và diện tích lớn, gần đây đã trở thành tâm điểm và hình mẫu của cả thế giới về mô hình chống dịch Covid - 19 thành công. Với điều này, có thể khẳng định rằng, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm từ Mỹ cho dù ai làm Tổng thống. Sẽ có không nhiều những khác biệt trước những vấn đề lớn, “chỉ khác nhau về cách thức thể hiện ra bên ngoài”.
Mỹ cần một đối tác với lợi thế địa chính trị như Việt Nam
Sputnik: Vì sao có ý kiến cho rằng: chính sách của Mỹ dưới thời Joe Biden (nếu ông ta trở thành Tổng thống) có thể sẽ “thuận lợi hơn” so với Tổng thống Trump?
TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam
Ý kiến này dựa trên những lý do sau:
- Được hưởng lợi từ các chính sách nhất quán và ổn định hơn từ chính quyền ông Biden. Vị tổng thống đã từng giữ vị trí Phó tổng thống Mỹ dưới thời Tổng thống Obama sẽ dễ có những thiện cảm với Việt Nam, cùng với những chính sách ôn hòa thì Việt Nam hoàn toàn có thể được hưởng lợi. Hơn nữa, chính sách của đảng Dân chủ sẽ coi trọng những chính sách phát triển bền vững bảo vệ môi trường hơn. Đồng nhất với tình hình biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Cho nên, vấn đề hợp tác giữa hai bên sẽ đem lại lợi ích cho Việt Nam.
- Hy vọng về sự quay lại TPP của Mỹ. Hướng đi ủng hộ các khối liên minh ở Châu Á giúp ông Biden và Đảng Dân chủ cạnh tranh với Trung Quốc. Có nhiều khả năng Hiệp định thương mại TPP - nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP từng là sự đầu tư rất lớn của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Biden nhằm kết nối 2 bờ Đại Tây Dương, tạo chuỗi cung ứng giá trị thương mại, sẽ được khôi phục dưới thời Tổng thống Joe Biden. Trước những tuyên bố tích cực và cởi mở từ Tổng thống Joe Biden về tự do thương mại, trái ngược với Trump, có thể nói Biden ủng hộ việc khôi phục lại Hiệp định thương mại TPP (nay là CPTPP) mà Trump đã loại bỏ 4 năm trước. Hiệp định này có rất nhiều ưu đãi cho các nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Khi đó, quan hệ thương mại giữa chính quyền Biden và Việt Nam nhiều khả năng không chỉ dựa trên yếu tố hai bên cùng có lợi, mà còn có thể có những ưu đãi nhất định, vì Mỹ cần một đối tác với lợi thế địa chính trị như Việt Nam.
Mỹ có quay lại TPP?
Sputnik: Việc quay lại TPP không đơn giản đối với Đảng Dân chủ và Joe Biden?
TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam
Cơ hội Mỹ quay lại TPP có thể là không quá cao đối với Đảng Dân chủ dưới thời Tổng thống Biden do những áp lực và các vấn đề thiết yếu mà đảng Dân chủ phải chú trọng sau khi nắm quyền. Đó là vấn đề thâm hụt thương mại và thao túng tiền tệ ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, trong khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng và đạt hơn 62 tỷ USD vào 10 tháng đầu năm, tăng 24% (tương ứng tăng 12 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nhập khẩu từ thị trường Mỹ là 11,63 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Mỹ đang có mức thâm hụt thương mại lớn với Việt Nam; Bộ Tài chính Mỹ cho rằng tiền đồng của Việt Nam bị định giá thấp hơn khoảng 4,7% so với USD trong năm 2019.
Hơn nữa, ông Biden nếu nắm quyền tổng thống và muốn quay lại TPP thì cũng phải cập nhật, làm mới hiệp định này. Bởi nếu Mỹ tham gia TPP, thì điều này sẽ mang lại nhiều thách thức cho chính họ. Ngay tại thời điểm này, cử tri Mỹ cũng không hẳn đã muốn TPP. Có thể thấy rằng, hy vọng tích cực về sự quay lại TPP của Mỹ vẫn còn chưa chắc chắn, mặc dù điều này giúp Việt Nam nhận được nhiều ưu đãi hơn. Ông Biden một phần vẫn quan tâm đến thâm hụt thương mại và thao túng tiền tệ ở các nước, trong đó có Việt Nam, nhưng khéo léo và mềm mỏng hơn, ít gây áp lực như Trump.
Việt Nam sẽ có cơ hội là một nơi dừng chân cho dòng tiền đầu tư của Mỹ
Sputnik: Ông có quan điểm gì về vấn đề dịch chuyển các dòng vốn?
TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam
Về cơ hội dịch chuyển dòng vốn FDI và FII, chính quyền ông Biden và Đảng Dân chủ lên nắm quyền sẽ có những chính sách thương mại ôn hòa hơn so với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của Trump. Với lợi thế về địa chính trị, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin có những điều kiện để có thể thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao từ Mỹ. Dù ai là tổng thống Mỹ thì trước hết đều phải giải quyết bài toán hóc búa nhất là kiểm soát đại dịch Covid-19 và vượt qua khủng hoảng kinh tế để giành lại lợi ích cho nước Mỹ và giảm thâm hụt thương mại. Cựu đại sứ Việt Nam ở Mỹ Phạm Quang Vinh cho biết “Nước Mỹ từ đầu năm đến nay kinh tế sụt giảm đến 31,4%, với hơn 22 triệu người bị tạm dừng công việc. Báo cáo quý III cho thấy kinh tế tăng trưởng trở lại với mức 33% nhưng GDP cả năm vẫn sẽ âm. Bức tranh này là thách thức rất lớn với tân tổng thống trong những quyết sách liên quan đến kinh tế”.
Sputnik: Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia, Joe Biden sẽ không chấm dứt cuộc đối đầu với Trung Quốc.
TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam
Giữa Trump và Biden có một điểm chung lớn là về vấn đề thương chiến Mỹ - Trung và cuộc chiến công nghệ giữa hai nước vẫn sẽ tiếp tục. Ông Biden sẽ không chấm dứt cuộc đối đầu này. Đặc biệt, nhiều chính sách của ông Biden có thiên hướng xây dựng chính sách giống với thời kỳ 8 năm Tổng thống Obama nắm quyền, cũng là thời kỳ ông giữ vai trò Phó Tổng thống. Tức là sự hợp tác thương mại song phương giữa Mỹ - Trung vẫn có cơ hội được triển khai cùng với các chính sách đan xen của Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước lớn được định vị là cạnh tranh chiến lược. Về phía Trung Quốc, khi những “yêu sách” mang tính chiến lược của Trung Quốc ngày càng rõ ràng thì cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc vẫn sẽ gia tăng nhưng theo cách cập nhật và tiếp cận để có tầm nhìn chính sách mới. Điều này chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng chiến tranh thương mại và dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước khác, sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn FDI được thu hút vào Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu chống Covid - 19, trở thành điểm đến an toàn của nhà đầu tư trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng. Điều này cũng khiến các nhà đầu tư cảm thấy an toàn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không phải là một đối tác duy nhất khi dịch chuyển chuỗi cung ứng. Cho nên, “thương chiến và Covid-19 vẫn là rủi ro tiềm ẩn. Sự kết hợp của hai yếu tố này cũng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu đầu tư ngược trở lại nước sở tại, bao gồm các doanh nghiệp Bắc Mỹ và châu Âu”
Ngoài sự dịch chuyển về dòng vốn FDI, dòng chảy của vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam cũng được giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng khi Biden lên cầm quyền. Các doanh nghiệp Mỹ có thể được hưởng một số ưu đãi, nhưng lại gặp phải chính sách tăng thuế doanh nghiệp và thuế thặng dư vốn từ ông Biden, đã được đề cập trong nhiều cuộc vận động hành lang bầu cử là tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, tăng thuế người giàu có thu nhập trên 200.000 USD/năm - những người sẽ hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường chứng khoán; gói kích thích kinh tế, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục. Các khoản thuế lợi nhuận thu từ nước ngoài và những khoản tránh thuế của các công ty công nghệ lớn cũng nằm trong dự định nâng lên mức cao hơn của ông Biden. Một số dự đoán cho rằng, sự sụt giảm trong ngắn hạn sẽ xảy ra với thị trường cổ phiếu Mỹ. Đặc biệt, khi trái phiếu ở mức giao dịch với lãi suất âm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn cũng ở mức dưới 0 ở nhiều nền kinh tế phát triển, các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam sẽ được hưởng cơ hội là một nơi dừng chân cho dòng tiền đầu tư.
Sputnik: Chân thành cảm ơn TS Đặng Hoàng Linh vì cuộc trao đổi rất thú vị.