Theo họ, các trạm radar cảnh giới đã được triển khai và đi vào hoạt động. Nhờ hệ thống này đã hình thành một vành đai radar cảnh giới hầu như không thể xuyên thủng. Radar có khả năng phát hiện bất kỳ máy bay nào bay ở tầm cao cách đó 600 km, phát hiện tên lửa đạn đạo tầm trung bay cao so với mặt đất từ cách xa 1,8 nghìn km.
Việc triển khai hệ thống này đưa Nga tiến gần hơn đến việc hoàn thiện việc xây dựng một hệ thống phòng không thống nhất bao quanh Tuyến đường biển phía Bắc và vùng Bắc Cực Zapolyarie. Như chuyên gia quân sự Vladislav Shurygin phân tích, trong bối cảnh các cường quốc trên thế giới đang cạnh tranh ngày càng gay gắt ở Bắc Cực, việc khôi phục vùng kiểm soát dày đặc bao quát toàn bộ không phận ở đó là hết sức cần thiết để bảo vệ lợi ích kinh tế của đất nước.
“Ở khu vực Bắc Cực, các cường quốc hàng đầu thế giới va chạm lợi ích với nhau. Vẫn tiếp tục có những tranh chấp về ranh giới thềm lục địa và quyền sở hữu tài nguyên tại đó. Chúng tôi thường xuyên nghe thấy những lời lẽ phản đối, cáo buộc Nga quân sự hóa miền Bắc. Nhưng ngay trước mắt chúng tôi, NATO cũng đang triển khai hoạt động quân sự ở đó”, - chuyên gia lưu ý.
Ông Shurygin dự đoán rằng khi khí hậu Trái đất ấm lên khiến băng tan dần thì những mâu thuẫn này sẽ ngày càng gia tăng. Do đó, việc triển khai một cơ sở radar ở Bắc Cực không chỉ là bước đi thiết thực nhằm tăng cường khả năng phòng thủ hàng không trong khu vực, mà còn thể hiện khả năng kiểm soát các vùng lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng về kinh tế và chiến lược.