Ai chống lưng để thủy điện Thượng Nhật “coi trời bằng vung”?

© Ảnh : TTXVN phátLực lượng Công an giám sát Thủy điện Thượng Nhật mở 5 cửa van để ứng phó với bão số 13.
Lực lượng Công an giám sát Thủy điện Thượng Nhật mở 5 cửa van để ứng phó với bão số 13. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Sự cố thủy điện Rào Trăng là bài học đau lòng. Do đó, vụ việc thủy điện Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế tích nước “chui”, trái quy định phòng chống thiên tai được chính quyền địa phương và Bộ Công Thương đặc biệt lưu ý, yêu cầu xử lý nghiêm theo thẩm quyền.

Chính lãnh đạo của huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đặt câu hỏi vì sao có rất nhiều công điện, văn bản khẩn của cả địa phương và Trung ương nhưng không thấy thủy điện Thượng Nhật thực hiện, có ai chống lưng hay không?

Bộ Công Thương kiểm tra thủy điện Thượng Nhật tích nước: Xin rút kinh nghiệm

Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Tô Xuân Bảo ngày 17/11 đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra Nhà máy thủy điện Thượng Nhật ở xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Lực lượng cứu hộ tranh thủ thời tiết thuận lợi nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân. - Sputnik Việt Nam
Thừa Thiên – Huế: Tạm ngừng thi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3

Báo cáo tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương và lý giải về việc tích nước, ông Lê Văn Khoa – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung (chủ đầu tư thuỷ điện Thượng Nhật) cho biết phía doanh nghiệp đã “một phần” tuân thủ công văn chỉ đạo phòng chống thiên tai của tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Ông Khoa nhấn mạnh, sau khi nhận được công điện của tỉnh Thừa Thiên – Huế, yêu cầu đảm bảo an toàn cho công trình, nhà máy thủy điện Thượng Nhật đã chủ động đóng cửa xả, giảm lưu lượng nước về hạ du phục vụ nạo vét lòng hồ, đưa người cũng như vật tư lên cao tránh lũ.

Chủ đầu tư thuỷ điện Thượng Nhật cũng thừa nhận với Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương, đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế, chính quyền rằng thời gian qua đã có sự chậm trễ, sai sót trong điều hành, quản lý.

Ông Lê Văn Khoa xin được rút kinh nghiệm và mong được tạo điều kiện để sớm phát điện, có nguồn thu bù kinh phí đầu tư, nộp ngân sách Nhà nước.

Về vấn đề “tích nước chui” ông Lê Văn Khoa lý giải, công ty đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép tích nước giai đoạn I tại công văn 96 để nghiệm thu chạy thử thiết bị và hoàn thiện các thủ tục còn lại trước khi tích nước và vận hành chính thức.

Thủy điện Thượng Nhật cũng đã thực hiện và hoàn thiện việc xử lý các tồn tại theo chỉ đạo của các cấp, ngành, đồng thời làm văn bản gửi UBND tỉnh xin phép cho phép tích nước chính thức tuy nhiên thì xảy ra mưa bão nên chưa được gia hạn.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc nhà máy Thủy điện Thượng Nhật cũng thừa nhận, văn bản cho phép tích nước trong 90 ngày nhưng công ty đã thực hiện tích nước quá thời hạn nêu trên, đặc biệt trong thời gian mưa bão vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình làm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. - Sputnik Việt Nam
Đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về vấn đề thủy điện

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng phân trần rằng, quá trình tích nước của công ty không phải để vận hành mà thực hiện quy trình vận hành hồ và tìm phương án xử lý, chạy thử thiết bị.

“Chúng tôi cũng có nhận được chỉ thị của chính quyền và cơ quan các cấp nhưng chưa tuân thủ kịp thời nên công ty nhận khuyết điểm. Chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ tuân thủ tất cả các quy định để làm sao đảm bảo công trình an toàn nhất, an toàn tối đa”, Tổng Giám đốc Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật bày tỏ.

Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật cũng mong muốn nhận được chia sẻ, cảm thông cho những việc làm chưa phù hợp gây bức xúc dư luận.

Thủy điện Thượng Nhật coi thường tính mạng người dân: Ai chống lưng?

Thủy điện Thượng Nhật đã tích nước, không chấp hành nghiêm các công điện khẩn về ứng phó khẩn cấp với bão lũ miền Trung thời gian qua. Trước và sau bão Vamco, huyện Nam Đông cũng đã phát hiẹn thủy điện Thượng Nhật hai lần tích nước “chui”.

Đại biểu Quốc hội dự phiên họp. - Sputnik Việt Nam
Bom nổ chậm: Việt Nam siết chặt quản lý thủy điện sau thảm họa lũ lụt miền Trung

Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương cũng như chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật, ông Lê Thanh Hồ - Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, dự án thủy điện Thượng Nhật đã phối hợp với các sở ngành để thi công trên địa bàn đảm bảo an toàn, sớm đưa vào sử dụng.

“Tuy nhiên, trong quán trình thi công, giải phóng mặt bằng về cơ bản là xong, có một vài trường hợp phát sinh mới chưa được giải quyết triệt để. Các trường hợp từ khi bão số 5 đến 13, các công điện của tỉnh, của huyện được gửi liên tục, kịp thời cho công ty, nhưng không biết công ty có triển khai, có nắm, có đọc được không thì không rõ”, ông Lê Thanh Hồ bức xúc.

Lãnh đạo chính quyền cũng thẳng thắn, từ bão số 9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị UBND huyện cho lực lượng chức năng để kiểm tra, giám sát việc chấp hành của công ty, nếu cố tình không chấp hành thì cưỡng chế.

Ông Lê Thanh Hồ cũng khẳng định, mặc dù mưa bão, đường giao thông vào thủy điện khó khăn, nguy cơ cao về sạt lở cao nhưng lực lượng chức năng vẫn đi theo lối mòn để kiểm tra và có ghi rõ trong biên bản.

Cụ thể, vị lãnh đạo cho biết, thực hiện công điện của tỉnh yêu cầu thuỷ điên đưa mực nước hồ về 104 m nhưng vào thời điểm kiểm tra mực nước hồ là 110,5 m và cả 5 van cửa xả đều đóng không mở. Lúc 10 giờ ngày 4/11 và ngày 16/11 chỉ có 1 cửa van mở.

Ông Lê Thanh Hồ nhấn mạnh, huyện Nam Đông đã làm việc nhiều lần với Sở Công Thương về kỹ thuật, về chuyên môn do các Sở ngành của tỉnh hoàn toàn đảm nhiệm, huyện chỉ phối hợp.

“Theo quan điểm của huyện, thì chưa có ý kiến của huyện thì chưa thể nào được phép tích nước, phát điện vận hành nhưng chủ đầu tư không chấp hành”, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đông khẳng định.

Lực lượng công binh phá khối bê tông cốt thép lớn tại vị trí sạt lở vui lấp các công nhân - Sputnik Việt Nam
Vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3: Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 5
Trong khi đó, Chủ tịch huyện Nam Đông Trần Quốc Phụng thì cho biết, lòng hồ thủy điện Thượng Nhật chưa được dọn dẹp, song chủ đầu tư đã tích nước, phát điện khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

“Thời gian tích nước trái phép của nhà máy diễn ra nhiều lần và không chấp hành chỉ đạo mở 5 cửa van đập. Công an huyện phải lội suối, băng rừng vào giám sát 24/24h, nhà máy mới chịu xả”, ông Phụng nói.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà máy thủy điện Thượng Nhật vẫn chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Người dân yêu cầu nhà máy trả lại các con đường dân sinh, không thể coi thường tính mạng người dân như vậy.

“Vì sao rất nhiều văn bản, sở ngành, của huyện và kể cả trung ương nhưng không thấy công ty thực hiện, có ai chống lưng hay không thì tôi và đồng chí Phụng không biết”, ông Lê Thanh Hồ bức xúc.

Lãnh đạo huyện cũng khẳng định không muốn gây khó dễ cho doanh nghiệp, nhưng không kể đến tài sản thì sự an toàn, tính mạng người dân phải đặt lên trên hết.

“Cụ thể, sau khi được lệnh công ty này đã xả ào ạt nước khiến một thôn 78 hộ dân phải di dời khẩn cấp vì nguy hiểm”, Phó Chủ tịch Lê Thanh Hồ cho biết.

Không chấp nhận quan điểm giải trình của thủy điện Thượng Nhật

Trực tiếp kiểm tra và phát biểu kết luận tại buổi làm việc ngày 17/11, ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định Đoàn không chấp nhận quan điểm giải trình của Thủy điện Thượng Nhật về việc tích nước. Không tuân thủ chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên – Huế là sai.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu - Sputnik Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Hơn 400 dự án thủy điện nhỏ bị cắt giảm”

Đồng chí Tô Xuân Bảo nêu rõ, việc chủ đầu tư đã không tuân thủ bảo đảm an toàn hồ đập, công trình, đồng thời không tuân thủ quy trình vận hành theo chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế trong các đợt mưa lũ, mưa bão, gây bức xúc cho người dân, đặc biệt là có khả năng gây ảnh hưởng đến công trình cũng như an toàn cho hạ du.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp cũng ghi nhận, đánh giá cao việc quản lý, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính quyền địa phương cũng như công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp cung cấp thông tin về hoạt động của thuỷ điện Thượng Nhật thời gian qua.

“Công trình đã được chỉ đạo quyết liệt mà còn để xảy ra tình trạng như thế. Trong khi toàn bộ hệ thống chính trị đang gồng mình lên để phòng chống khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, thì chủ đầu tư lại không tuân thủ các chỉ đạo của các cơ quan ban ngành của tỉnh, của Bộ Công Thương. Việc tích nước có thể gây mất an toàn không chỉ cho công trình, tài sản của công ty mà còn gây thiệt hại lớn đến hạ du. Điều này không chấp nhận được” vị lãnh đạo bức xúc.

Theo đó, trong đợt bão lũ vừa qua, thủy điện Thượng Nhật không thực hiện chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên – Huế là mở hoàn toàn các cửa van.

“Trong báo cáo thì họ có nói là dưới hạ du có một số công trình đang làm dở, nếu nước hạ xuống thì không làm được. Họ có báo cáo, giải trình nhưng trên góc độ của tôi thì không chấp nhận quan điểm đó. Không tuân thủ là không tuân thủ, là sai”, ông Tô Xuân Bảo nhấn mạnh và khẳng định không chấp nhận quan điểm giải trình của chủ đầu tư.

Trong ngày 18/11, đoàn công tác tiếp tục nghiên cứu hồ sơ và tổng hợp các ý kiến, làm rõ các vi phạm của thuỷ điện Thượng Nhật để đề xuất hướng xử lý.

Thủy điện Thượng Nhật “coi trời bằng vung”?

Thực tế, việc lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhiều lần yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm của chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật khi cố tình tích nước trái phép, không chấp hành công điện khẩn của chính quyền địa phương, nhưng sai phạm vẫn diễn ra khiến dư luận bức xúc rằng chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã “coi trời bằng vung”.

Xe cứu thương của lực lượng y tế tham gia cứu nạn các nạn nhân. - Sputnik Việt Nam
Cập nhật vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Việt Nam tìm thấy nhiều thi thể

Cuối tháng 10 năm 2020, khi cơn bão số 9 đe dọa gây mưa lớn lũ lụt cho miền Trung thì tỉnh Thừa Thiên – Huế và chính quyền huyện Nam Đông phát hiện hồ thủy điện Thượng Nhật đóng kín các van để tích nước đầy hồ và vận hành phát điện khi chưa được cấp phép.

Mặc kệ các điều kiện an toàn hồ đập chưa được đảm bảo, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có công điện yêu cầu chủ đầu tư không được tự ý tích nước, gây nguy cơ mất an toàn nhưng lãnh đạo doanh nghiệp không tuân thủ.

Sau đó, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế kiến nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Trung không mua điện của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật cho đến khi tỉnh cho phép tích nước.

Đến ngày 14/11, khi bão số 13 (Vamco) đổ bộ thẳng vào Thừa Thiên – Huế, chính quyền tiếp tục có công điện khẩn yêu cầu mở các cửa xả, không tích nước nhưng thủy điện Thượng Nhật vẫn không tuân thủ, tự ý tích nước ở cao trình 115m.

Chính quyền buộc phải điều động công an đến lập biên bản và túc trực 24/24 giờ để giám sát. Chủ đầu tư thủy điện quên mất thực tế rằng, phía dưới hạ lưu Thượng Nhật có thôn 2 gồm 78 hộ dân đang sinh sống, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của dân.

Trước việc Thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Công thương có biện pháp xử lý nghiêm chủ đầu tư Thủy điện Thượng Nhật.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nêu rõ, việc tích nước khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép tại Thủy điện Thượng Nhật là vi phạm quy định của UBND tỉnh và quy định về sử dụng tài nguyên nước.

Đường vào Thủy điện Rào Trăng 3 đều được các lực lượng công an chốt chặn kiểm ra để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. - Sputnik Việt Nam
Đã thấy bốn thi thể vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Dùng Flycam, công nghệ tầm nhiệt

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng chấn chỉnh, giao trách nhiệm cho Sở Công thương Thừa Thiên Huế rà soát lại các quy trình để có hướng xử lý nghiêm khắc.

“Đối với thủy điện Thượng Nhật cần xử lý kiên quyết, căn cứ vào quy định pháp luật và thẩm quyền của các cơ quan chức năng phải xử phạt những vi phạm. Yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công thương, của UBND tỉnh trong việc không tích nước, mở hoàn toàn 5 cửa van. Hiện nay sở Tài nguyên Môi trường cùng với địa phương xử phạt theo quyết định của pháp luật”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Bộ Công Thương thì nhấn mạnh, theo Nghị định của Chính phủ về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thì các cấp đã có thể xử phạt vi phạm hành chính ngay.

“Còn về giấy phép hoạt động điện lực, các anh nếu không duy trì các điều kiện theo quy định thì chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Công Thương thu hồi”, ông Tô Xuân Bảo cho biết.

Nhà máy thủy điện Thượng Nhật do Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11MW. Tuy nhiên, hồ chứa này hiện chưa được tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép tích nước vận hành.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала