Sputnik mời các bạn theo dõi tổng quan trong bài đánh giá truyền thông hàng tuần «Việt Nam trên báo chí nước ngoài».
Các yếu tố cốt lõi làm nên thành công của Việt Nam
Nhiều ấn phẩm có uy tín đăng tải các bài phân tích tình hình phát triển kinh tế Việt Nam năm 2020. Nikkei Asia Review so sánh Việt Nam với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á. Bài báo viết: Việt Nam đang trở thành câu chuyện thành công về kinh tế duy nhất của Đông Nam Á trong “kỷ nguyên” Covid-19, khi duy trì tốc độ tăng trưởng dương ổn định, trong khi các nền kinh tế khác đang vật lộn để hồi phục. Các dự báo của IMF cho thấy, trong năm 2020, GDP của Việt Nam sẽ tăng 1,6%, trong khi GDP của Singapore và Malaysia đều giảm 6% và của Thái Lan giảm 7,1%. Trái ngược với các nền kinh tế ASEAN khác, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19.
Asia Times cho rằng, việc hội nhập quốc tế sâu rộng, ký kết tham gia các hiệp định đối tác quy mô lớn như RCEP và EVFTA, tích cực gia tăng xuất khẩu nói chung và sang Hoa Kỳ nói riêng, đó là các yếu tố cốt lõi làm nên thành công của nền kinh tế Việt Nam. Ấn phẩm ghi nhận tác động tích cực của việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng GDP được xác định bởi sản xuất và xuất khẩu vốn dễ duy trì hơn trong thời đại dịch. Nền kinh tế Việt Nam ít phụ thuộc vào du lịch hơn so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, mà ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch nặng nề hơn các lĩnh vực khác. Vào tuần này một báo cáo của IMF nhấn mạnh rằng, các hành động táo bạo của Hà Nội nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của COVID-19 đến kinh tế và sức khỏe đã là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm nay, báo cáo ghi nhận phản ứng nhanh chóng và có thẩm quyền của đảng và các giải pháp được thực hiện với tính minh bạch khác thường.
Hà Nội hy vọng rằng, chính quyền Biden sẽ tương tác sâu rộng hơn với Việt Nam và sẽ không quan tâm nhiều đến các vấn đề tiền tệ và thương mại như các quan chức của chính quyền Trump đã làm, Bloomberg trích dẫn ý kiến của một chuyên gia Việt Nam. Quyết định áp thuế mới mà Donald Trump có thể thông qua trước khi rời ghế Tổng thống có thể gây hại cho nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là cho các nhà sản xuất đang phải vật lộn với đại dịch toàn cầu.
Hoạt động phòng, chống thiên tai
Tờ The Diplomat đăng tải một bài dài về thảm họa lũ lụt, sạt lở ở miền Trung Việt Nam và các hoạt động phòng, chống thiên tai của các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam và quốc tế. Trên báo chí nước ngoài cũng có các bài viết về cuộc sống của những người khuyết tật Việt Nam và cách giải quyết vấn đề rác thải ở Việt Nam.
Trang tin của Nga Bits Media viết về một quyết định thú vị của Việt Nam có kế hoạch triển khai công nghệ blockchain để cấp bằng vào năm 2021. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hợp tác với công ty TomoChain để đưa chứng chỉ sinh viên quốc gia lên nền tảng blockchain. Điều này sẽ đảm bảo tính bất biến và tính minh bạch của dữ liệu được lưu trữ, ngăn chặn tình trạng giả mạo giấy tờ, đồng thời cho phép các cơ quan tuyển dụng và bộ phận nhân sự nhanh chóng xác minh thông tin về trình độ học vấn của nhân viên tiềm năng.
Mobile Review đưa tin rằng, chính quyền Việt Nam đã thông qua quyết định cấm sản xuất và nhập khẩu các mẫu điện thoại chỉ hỗ trợ 2G, 3G. Chính sách mới về cấm điện thoại 2G/3G sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2021. Lệnh cấm sẽ thúc đẩy việc sử dụng 4G và 5G của công chúng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, quá trình này sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Trải nghiệm lối sống hoàng gia
Và cuối cùng chúng tôi muốn đưa thêm vàng vào mục điểm báo hàng tuần. Một số ấn phẩm bằng các ngôn ngữ khác nhau có bài viết mô tả sự sang trọng phong cách hoàng gia của Dolce Hanoi Golden Lake - khách sạn đầu tiên trên thế giới được dát vàng từ trên xuống dưới, trong đó các vật dụng trong phòng được dát vàng 24k như: bồn tắm, chậu rửa mặt đến vòi hoa sen, và đặc sắc hơn cả là các món ăn được rắc vàng.