Để Triều Tiên đi theo con đường của Việt Nam, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, có thể thấy, sự phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng GDP cao hàng đầu thế giới, nền chính trị ổn định, vị thế trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, Việt Nam vẫn được giới cầm quyền của Mỹ, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là “điểm sáng” và hình mẫu về phát triển kinh tế và đổi mới hấp dẫn đối với Triều Tiên.
Cố vấn An ninh Mỹ: Việt Nam có thể là hình mẫu cho Triều Tiên
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Manila trong khuôn khổ chuyến thăm đến Philippines, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert O'Brien cho rằng mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ giữa Seoul và Washington sẽ vẫn bền chặt “dù bất kỳ ai” nhậm chức Tổng thống vào tháng Giêng tới – Donald Trump hay Joe Biden.
“Dù điều gì xảy ra vào ngày 20 tháng 1, dù Tổng thống là ai... thì tôi vẫn tin rằng mối quan hệ đã tồn tại trong 70 năm qua, sẽ tiếp tục bền chặt và sẽ là một mối quan hệ đối tác khăng khít”, cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ cho biết.
“Tôi vừa ở tại khách sạn Metropole ở Hà Nội, nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Cố vấn O’Brien cũng cho biết rằng Washington "hài lòng" khi Triều Tiên không tiến hành bất kỳ vụ thử tên lửa đạn đạo hoặc hạt nhân tầm xa nào kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un có cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh các năm trước. Theo ông, đây sẽ là bước tiến lớn với tất cả các bên.
“Chúng tôi vui mừng khi chưa có vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo tầm xa nào kể từ sau Hội nghị đó. Tôi nghĩ quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã mang tới kết quả này”, cố vấn An ninh Hoa Kỳ Robert O'Brien nói trong cuộc họp báo.
Trong chuyến thăm tới Manila, ông O'Brien bày tỏ hy vọng rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh đang dấy lên lo ngại Bình Nhưỡng có thể thực hiện các hành động khiêu khích để “dò xét” chính quyền sắp tới của ông Joe Biden.
Sau đó, cố vấn An ninh Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi Chủ tịch Kim tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa.
“Chúng tôi hy vọng rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thực hiện đúng cam kết của Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa bán đảo và chúng tôi nghĩ rằng đó sẽ là một bước tiến to lớn không chỉ đối với Hàn Quốc và Mỹ mà còn đối với Triều Tiên” .
Ghi nhận Việt Nam – điểm đến đầu tiên của ông O’Brien trong chuyến công du châu Á tuần này - đã đạt được "những bước tiến to lớn" liên quan đến những thành tựu kinh tế và tăng cường quan hệ với Mỹ, Cố vấn O'Brien nhấn mạnh rằng Việt Nam có thể là một ví dụ về "những gì có thể xảy ra ở Bắc Triều Tiên".
“Hãy nhìn vào Việt Nam và những tiến bộ mà họ đạt được”, quan chức cấp cao chính quyền Mỹ nói, đồng thời ca ngợi một Việt Nam ngày nay “thịnh vượng, phát triển và hạnh phúc”.
“Tôi nghĩ đây là hình mẫu về những điều có thể diễn ra ở Triều Tiên”, cố vấn O’Brien nhắc về mối quan hệ Mỹ-Việt, từ hai nước cựu thù nay đã trở thành đối tác trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế thương mại đến an ninh quốc phòng.
Vì sao Việt Nam được coi là hình mẫu cho Triều Tiên?
Công cuộc Đổi mới đã đưa nền kinh tế kế hoạch tập trung của Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Năm 2020, dù đối mặt với “cú sốc” Covid-19 và hàng loạt cuộc khủng hoảng, biến động, suy thoái, nhưng Việt Nam vẫn được xếp vào top các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Tại Hà Nội hồi năm 2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng khẳng định ông tin rằng Triều Tiên có thể tham khảo con đường phát triển kinh tế của Việt Nam.
“Phép màu kinh tế (và phát triển đất nước) này có thể là của các bạn”, Ngoại trưởng Pompeo gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng.
Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2019 cũng đã hết lời ca ngợi tiến trình phát triển đột phá của Hà Nội và ngầm ám chỉ Bình Nhưỡng có thể “học hỏi” để xác định và hướng theo con đường của Việt Nam.
Trên thực tế, giữa Việt Nam và Triều Tiên còn có nhiều điểm tương đồng, tạo ra sự dễ dàng hơn trong việc theo đuổi mô hình phát triển kinh tế và duy trì nền chính trị ổn định giống nhau.
Cả Việt Nam và Triều Tiên đều sở hữu lực lượng lao động cần cù, được đào tạo tốt với nhiều phẩm chất đáng quý. Nhiều nhà quan sát quốc tế cũng nhận định rằng Việt Nam và Triều Tiên đều có tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Đây là yếu tố quan trọng giúp duy trì độc lập địa chính trị.
Theo giới phân tích của CNBC, khả năng duy trì khối đại đoàn kết dân tộc, kiểm soát, đưa những quan điểm bất đồng chính kiến xuống mức thấp cùng hệ thống ổn định từ trên xuống – từ Trung ương đến địa phương sau khi hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam là điều quan trọng và triển vọng hấp dẫn đối với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, thời gian qua, đã có nhiều chuyên gia nhấn mạnh quan điểm rằng, cũng giống như Triều Tiên hiện nay, Việt Nam từng trải qua giai đoạn nền kinh tế yếu kém và bị cô lập trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chính sách mở cửa của Việt Nam có thể là khó khăn để áp dụng với một quốc gia bị cô lập như Triều Tiên.
Ông Benjamin Katzeff Silberstein, thuộc tổ chức North Korean Economy Watch (Theo dõi Kinh tế Triều Tiên) nhận định rằng, Triều Tiên sẽ luôn đặt ổn định chính trị lên cao hơn trong danh sách các ưu tiên và sẽ không thể áp dụng những thay đổi mà họ cho rằng có thể đe dọa tới ổn định chính trị-xã hội của đất nước.
Để “đi theo con đường của Việt Nam”, thực hiện thành công cuộc Đổi mới như Việt Nam, theo nhiều chuyên gia, Triều Tiên cần cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp lý và hệ thống sở hữu của mình để các doanh nghiệp có thể phát triển những sáng kiến của riêng mình.
Về quan hệ Mỹ - Triều, khi ông Trump mới bắt đầu nhiệm kỳ của mình, Mỹ và Triều Tiên từng có nhiều tháng đe dọa và chỉ trích lẫn nhau.
Trong năm 2017, Bình Nhưỡng liên tục thử vũ khí trong đó bao gồm 3 lần phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tầm bắn bao trùm lãnh thổ Mỹ. Sau đó, ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên tại Hội nghị thượng đỉnh ở Singapore năm 2018.
Ông Trump và ông Kim Jong-un sau đó tiếp tục có các cuộc gặp mặt tại Hà Nội và biên giới Liên Triều. Hai bên cũng trao đổi thư từ mà ông Trump ca ngợi là "tốt đẹp".
Triều Tiên cam kết không tiếp tục thử hạt nhân. Mặc dù vậy, mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cuối cùng do bất đồng trong giải giáp vũ khí và gỡ bỏ cấm vận.
Quan hệ Việt – Mỹ chưa bao giờ phát triển tốt đẹp đến thế
Trước đó, cố vấn An ninh Mỹ Robert O'Brien đã có chuyến thăm đến Việt Nam ngày 20-22/11 nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ. Tại Việt Nam, ông đã gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tham dự nhiều cuộc thảo luận hợp tác an ninh, quốc phòng với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Xuyên suốt chuyến thăm và việc của mình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Tô Lâm, сố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ khẳng định nêu bật những truyền thống và thành tựu tốt đẹp trong 25 năm bình thường hóa quan hệ hai nước cùng mong muốn thúc đẩy tình hữu nghị Việt – Mỹ lên tầm cao mới.
“25 năm trước, hai quốc gia vĩ đại của chúng ta đã gạt lịch sử khó khăn sang một bên và tạo dựng tình hữu nghị. Vượt qua chiến tranh trong quá khứ, chúng ta đã tạo cơ hội cho thế hệ trẻ phát triển, đồng thời củng cố mối quan hệ của chúng ta”, cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nhấn mạnh.
Theo ông O’Brien, quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ trong 25 năm qua, dù dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Tổng thống Bush, Tổng thống Obama hay Tổng thống Trump.
“Do vậy, bất chấp tổng thống Mỹ kế tiếp là ai, quan hệ Mỹ - Việt vẫn sẽ bền chặt”, quan chức Hoa Kỳ khẳng định.
Trợ lý của Tổng thống Trump cũng nêu rõ, đây là tình hữu nghị được xây dựng trên nền tảng quan hệ giữa nhân dân hai nước, bao gồm cả những người đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi xung đột trong quá khứ, các cựu chiến binh, thân nhân những người quá cố.
Cũng theo ông O’Brien, một vấn đề chung được thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam và Philippines là cam kết về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
“Chúng tôi sẽ ủng hộ các nước trong khu vực trong đề cao luật pháp quốc tế và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông. Đã qua thời đại mà một quốc gia lớn mạnh có thể giành quyền lợi của nước nhỏ hơn chỉ vì họ giàu có, to lớn và sở hữu quân đội mạnh hơn”, cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ tuyên bố.
Cố vấn O’Brien đề cao mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, cho biết hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác thương mại song phương và đối phó các thách thức chung.
Trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục lấy việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là trọng tâm, đồng thời củng cố nền tảng hợp tác quốc phòng song phương. Cố vấn An ninh Mỹ bày tỏ sự cảm ơn trước những nỗ lực của Việt Nam trong việc hỗ trợ tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này.
Chuyến thăm của ông O’Brien diễn ra gần một tháng sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Quan hệ Việt – Mỹ chưa bao giờ phát triển đến thế.
Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, cố vấn an ninh Hoa Kỳ cũng khẳng định, hợp tác an ninh - quốc phòng là nền móng cho quan hệ hai nước trong 25 năm tới khi đề cập đến các cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Công an, Quốc phòng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó.
Theo trợ lý Trump, Washington đã thống nhất tăng cường lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam nhằm bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông cũng như các tài nguyên thiên nhiên - dầu, khí và khoáng sản. Một trong số đó là việc chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết trong thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các lực lượng hải quân, không quân và chuyển giao chiến hạm để gia tăng sức mạnh quốc phòng cho Việt Nam.
Đọc thêm: