Ông Đinh Văn Dũng, nguyên lãnh đạo Công ty Bình Hà, chịu sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà cho rằng, bản thân mình không có tội như tại phiên xét xử sơ thẩm quy kết. Trong vụ án này, con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng chỉ đạo điều hành mọi việc, nhưng đã bỏ trốn.
Ba người kháng cáo sau phiên xử sơ thẩm đại án BIDV
Vừa qua, theo thông tin từ Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, cơ quan này đã tiếp nhận đơn kháng cáo của ba bị cáo trong đại án BIDV liên quan đến cựu Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam Trần Bắc Hà.
Cụ thể, sau hơn 3 tuần tuyên án (ngày 2/11) phiên tòa xét xử tuyên án phạt 12 bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng), đến nay, TAND thành phố Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 3 bị cáo.
TAND TP. Hà Nội cho biết, ba bị cáo có đơn kháng cáo kêu oan gồm Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng), Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà), Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng, vợ bị cáo Đoàn Hồng Dũng).
Đáng chú ý, trong đó, vợ chồng bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn và Đoàn Hồng Dũng kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt, mong được “bớt tội”.
Riêng bị cáo Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà (doanh nghiệp sân sau của ông Trần Bắc Hà) kháng cáo “kêu oan”, không đồng tình với cáo buộc của cơ quan tố tụng.
TAND TP. Hà Nội cho biết, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn và bị cáo Đoàn Hồng Dũng đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, xem xét bối cảnh thực hiện hành vi vi phạm, qua đó cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho vợ chồng bị cáo.
Trong khi đó, ông Đinh Văn Dũng cho rằng bản thân không phạm tội như Hội đồng xét xử và cơ quan tố tụng quy kết tại phiên sơ thẩm hôm 2/11.
Trong phiên sơ thẩm, bị cáo Đinh Văn Dũng đã liên tục kêu oan. Ông Dũng cho rằng mình là người tâm huyết với dự án chăn nuôi bò và chỉ tập trung vào công việc chuyên môn.
“Bị cáo khẳng định mình không tham gia, hay chỉ đạo những hành vi bán bò thịt để chiếm đoạt tiền và chuyển tiền lòng vòng gây thất thoát. Bị cáo bị oan sai đến giờ phút này đã gần 3 năm. Mong HĐXX xem xét các tình tiết để minh oan cho bị cáo”, ông Dũng nói.
Cả ba người kháng cáo đều đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước, tư lợi riêng
Như đã thông tin trước đó, chiều 2/11, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Đoàn Hồng Dũng 18 năm tù, bị cáo Đinh Văn Dũng 12 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn bị Tòa tuyên phạt 3 năm tù về cùng tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong vụ án này.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, tố tụng và bản án sơ thẩm, các bị cáo Đinh Văn Dũng, Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn là những người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ, đứng đầu các tổ chức kinh tế có quan hệ vay vốn tại BIDV.
HĐXX nhận định, cả ba bị cáo này đều là những người có hiểu biết pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh nhưng đã cố ý lợi dụng sơ hở của các nhân viên BIDV trong việc quản lý tài sản thế chấp, quản lý dòng tiền sau cho vay, để chiếm đoạt các khoản tiền và hàng hóa là tài sản bảo đảm của các doanh nghiệp cho các khoản vay tại BIDV.
Không những thế, các bị cáo còn sử dụng số tiền đó vào mục đích cá nhân khi không được sự đồng ý của BIDV.
“Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của chủ thể khác, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của bên cho vay”, Tòa chỉ rõ.
Đối với bị cáo Đinh Văn Dũng, HĐXX yêu cầu phải chịu trách nhiệm chung về tổng số tiền chiếm đoạt 23,5 tỷ đồng của Công ty Hantechco thu tiền bán bò sau đó chuyển vào tài khoản của 3 cổ đông theo yêu cầu của Đinh Văn Dũng.
Ngoài ra ông Đinh Văn Dũng còn được xác định phải chịu trách nhiệm cá nhân về số tiền 11 tỷ đồng dùng để góp vốn vào Công ty Bình Hà.
Đáng chú ý, trong phần luận tội tại phiên xét xử vừa qua, riêng bị cáo Đinh Văn Dũng được đánh giá là “không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội”.
Về hai vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn, tại phiên sơ thẩm, HĐXX cũng xác định cả hai người cùng phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 263 tỷ đồng bởi thống nhất với nhau, dùng thủ đoạn gian dối, mua bán số phôi thép và thép phế liệu lòng vòng, bán tài sản bảo đảm của BIDV cho những công ty khác không đúng đối tượng và khi chưa được sự đồng ý của BIDV.
Đồng thời, số tiền bán hàng, các bị cáo đã không chuyển về tài khoản do BIDV quản lý mà sử dụng vào mục đích cá nhân khác, chiếm đoạt của BIDV số tiền 263 tỷ đồng, dẫn đến BIDV không thu hồi được khoản vay, đến nay không có khả năng bồi thường, khắc phục hậu quả.
Con trai ông Trần Bắc Hà vẫn bỏ trốn
Cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và tại phiên xét xử hôm 2/11 vừa qua cho thấy, trong vụ án này, ông Trần Bắc Hà (đã qua đời), với tư cách là cựu lãnh đạo, cựu Chủ tịch BIDV có vai trò trực tiếp chỉ đạo và gây sức ép với cấp dưới cho công ty Bình Hà và Trung Dũng vay tiền, dẫn đến thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng cho Nhà nước.
Về trách nhiệm của ông Trần Bắc Hà trong vụ án này, Tòa xác định, ông Hà có trách nhiệm cao nhất trong việc cấp tín dụng cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà khi công ty này chưa đáp ứng được các điều kiện cho vay.
Ông Trần Bắc Hà đã lợi dụng vị trí là Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV để đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cho dự án, chỉ đạo BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, Tổ thẩm định chung và các bộ phận khác của BIDV Hội sở phải đề xuất cho Công ty Bình Hà vay.
Cùng với đó, ông Trần Bắc Hà cũng dùng ảnh hưởng của mình để áp đặt các thành viên khác trong Hội đồng thành viên của BIDV phải duyệt, cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà để BIDV chi nhánh Hà Tĩnh phải ký hợp đồng cho Công ty Bình Hà vay.
“Ông Trần Bắc Hà đã nhiều lần chỉ đạo nới lỏng các điều kiện cho vay đối với Công ty Bình Hà, ký thông báo cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà. Trong quá trình giải ngân ông Trần Bắc Hà còn nhiều lần gây sức ép để buộc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh phải tiếp tục giải ngân ngay cả khi Công ty Bình Hà có vi phạm các chính sách cho vay”, HĐXX nhận định.
Liên quan đến vụ án này, cáo trạng nêu rõ, năm 2015, ông Trần Bắc Hà trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đó về dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt, quảng cáo rằng sẽ “ứng dụng công nghệ cao”.
Dự án mà ông Hà trao đổi với cựu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dự kiến quy mô 150.000 con bò/năm, tổng vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, thời hạn hoạt động dự án 50 năm.
Sau đó, cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà giới thiệu hai nhà đầu tư là công ty cổ phần Tập đoàn An Phú và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đồng thời cam kết BIDV sẽ tạo điều kiện về vốn với dự án.
Trong đó, đáng chú ý, Công ty An Phú do con trai ông Hà là Trần Duy Tùng làm Tổng Giám đốc. Đây cũng là một trong những công ty sân sau của ông Trần Bắc Hà.
Vào thời điểm đó, do con trai ông Trần Bắc Hà làm Tổng Giám đốc Công ty An Phú nên theo quy định, BIDV không được cấp vốn cho công ty này.
Vậy nên, ông Trần Bắc Hà đã chủ trương thành lập Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) gồm 3 cổ đông – toàn người nhà của ông trùm ngân hàng. Cụ thể đó là Trần Anh Quang (cháu họ ông Hà và là lái xe cho Tùng), Thái Thành Vinh (bạn của Trần Duy Tùng) và Đinh Văn Dũng (do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu).
Xuyên suốt quá trình thực hiện dự án, thực tế, con trai ông Trần Bắc Hà - Trần Duy Tùng - là người chỉ đạo điều hành mọi việc. Tuy nhiên, hiện Trần Duy Tùng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã tách riêng để xử lý sau.
Xét xử sơ thẩm đại án BIDV: Hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội
Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 12 bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng).
Theo bản án sơ thẩm, hai bị cáo nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV là Trần Lục Lang bị tuyên phạt 8 năm tù và Đoàn Ánh Sáng bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù về cùng tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Cùng tội danh trên, Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt 6 bị cáo khác. Cụ thể, bị cáo Kiều Đình Hòa (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) 5 năm tù, Ngô Duy Chính (nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành) 7 năm tù, Nguyễn Xuân Giáp (nguyên Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành) 6 năm tù, Phạm Hồng Quang (nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp I BIDV Chi nhánh Hà Thành) 4 năm tù, Đặng Thành Nam (nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV Chi nhánh Hà Thành) 3 năm 6 tháng tù.
Riêng bị cáo Lê Thị Vân Anh (nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Đối với nhóm 4 bị cáo bị kết án về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”, Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng) 18 năm tù, Trần Anh Quang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) 13 năm tù, Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) 12 năm tù, Nguyễn Thị Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Công ty Hà Nam) 3 năm tù.
Phát biểu tại phiên xét xử, HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm các quy định về cho vay. Các bị cáo nguyên là cán bộ BIDV là người có chức vụ, trách nhiệm quản lý tiền của Nhà nước nhưng đã làm trái quy định, cấp tín dụng trái quy định gây thiệt hại cho ngân hàng.
Phiên tòa này cũng được đánh giá là nhân văn khi nhìn nhận đúng vai trò, động cơ của từng bị cáo trong vụ án. Theo đó, HĐXX cho rằng, bị cáo đều thực hiện với mong muốn làm dự án và bị ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV) gây áp lực.
Nhóm bốn bị cáo còn lại (Đoàn Hồng Dũng, Trần Anh Quang, Đinh Văn Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn) đều là những người trong công ty vay vốn nhưng cố ý lợi dụng sơ hở của BIDV để sử dụng tiền vay sai mục đích, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Tại phiên sơ thẩm, cáo trạng luận tội chỉ rõ, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh, Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.664 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Bình Hà gây thiệt hại 799 tỷ đồng, Công ty Trung Dũng gây thiệt hại 865 tỷ đồng cho BIDV.
Cơ quan điều tra và tố tụng khẳng định, trong quá trình giải ngân cho Công ty Bình Hà vay vốn, BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV.
Đồng thời, tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là hơn 799 tỷ đồng.
Trong vụ án này, HĐXX xác định, mặc dù ông Trần Bắc Hà đã chết và không bị xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng là người có hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả làm thiệt hại cho BIDV. Do đó, Tòa quyết định tiếp tục kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch đứng tên ông Trần Bắc Hà để bảo đảm cho nghĩa vụ hoàn trả của các Công ty Bình Hà, Công ty Trung Dũng với BIDV.
“Do ông Hà đã chết nên theo luật, nghĩa vụ hoàn trả giữa Công ty Bình Hà, Công ty Trung Dũng với những người thừa kế của ông Hà được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự”, Tòa kết luận. Đồng thời, các tài sản liên quan đến vợ ông Trần Bắc Hà là Ngô Kim Lan cũng bị kê biên, phong tỏa đảm bảo thi hành án.
Đối với Công ty Trung Dũng, HĐXX nhận định, quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV), các bị cáo: Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo khoản giải ngân cho vay để đảo nợ.
Đối với tất cả 26 khoản vay trên, các bị cáo đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng đối với các khoản giải ngân để mua phôi thép, dẫn đến dư nợ lớn, gây thiệt hại cho BIDV 865 tỷ đồng.
HĐXX cũng nêu rõ, công ty Bình Hà phải hoàn trả cho BIDV 1.231 tỷ đồng và các khoản tiền lãi phát sinh theo quy định của pháp luật.
Đối với trách nhiệm dân sự giữa BIDV chi nhánh Hà Thành với Công ty Trung Dũng và với các bị cáo Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng), Nguyễn Thị Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Công ty Hà Nam), Tòa buộc Công ty Trung Dũng phải hoàn trả hơn 601 tỷ đồng cho BIDV.
Đây là số tiền BIDV đã giải ngân cho Công ty Trung Dũng theo hợp đồng hạn mức tín dụng. Còn hơn 263 tỷ đồng là khoản phát hành L/C theo món mà các bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn đã chiếm đoạt, Tòa buộc các bị cáo trên phải bồi thường cho BIDV theo đúng quy định của pháp luật.
HĐXX nhấn mạnh, việc tuyên phạt các bị cáo là hình thức để giáo dục, răn đe, cải tạo các bị cáo. Nhưng sự thành khẩn, ăn năn hối lỗi, nhận thức rõ sai phạm của từng bị cáo trong phiên tòa này chính là tự cải tạo chính mình thiết thực, hiệu quả nhất, để các bị cáo tự sửa chữa sai lầm, trở thành công dân tốt cho xã hội.