Sputnik mời các bạn theo dõi tổng quan đánh giá trong chuyên mục truyền thống hàng tuần “Việt Nam trên báo chí nước ngoài”.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng cao do lỗi của Trump
Tờ Asia Times đăng một bài dài phân tích về hiện tại và tương lai của quan hệ Việt-Mỹ. Việt Nam là một trong số ít quốc gia châu Á chưa chúc mừng ông Joe Biden đã thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11. Việc không gửi thông điệp chúc mừng Biden chứng tỏ không quá nhiều về thái độ của Hà Nội đối với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ mà về ý muốn của chính quyền Việt Nam không chọc giận Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump trong quãng thời gian cuối cùng của nhiệm kỳ.
Vào tháng 9, Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, Mỹ phản đối trợ cấp với lốp xe du lịch và xe tải nhẹ có xuất xứ từ Việt Nam. Những cáo buộc như vậy có thể dẫn đến việc Hà Nội bị áp thuế trừng phạt để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã xuất siêu gần 32 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2016, một năm trước khi Trump lên nắm quyền, chỉ số này đã lên đến 49,4 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2020, một trong những mức cao nhất trên thế giới. Điều này chủ yếu là do ông Trump đã khởi xướng một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và thúc đẩy các nhà sản xuất chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Bài báo trích dẫn ý kiến của một chuyên gia cho rằng, những cáo buộc thao túng tiền tệ gây sự lo ngại của các chính trị gia Việt Nam, vì họ không có nhiều khả năng để giảm thâm hụt thương mại xuống mức chấp nhận được. Hà Nội hy vọng rằng, chính quyền Biden sẽ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Trump sử dụng như lời chào tạm biệt vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ. Các ứng viên cấp cao vào cơ quan thực thi chính sách đối ngoại do tân tổng thống đề xuất đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các biện pháp chống lại việc thao túng tiền tệ và gian lận thương mại gây thiệt hại cho người lao động Mỹ.
Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O'Brien đã nói rằng, Hà Nội nên ngăn chận việc trung chuyển trái phép hàng xuất khẩu của Trung Quốc và nên mua thêm hàng hóa của Mỹ, như khí thiên nhiên hóa lỏng và các thiết bị quân sự, để tránh bị áp thuế trừng phạt của Mỹ, theo Bloomberg. O'Brien cho biết, Hoa Kỳ có thể hỗ trợ tài chính cho Việt Nam để mua trực thăng của Mỹ, nhằm giảm bớt thâm hụt mậu dịch song phương với Việt Nam.
Một minh họa về nguyên nhân sâu xa của tăng trưởng thặng dư Việt Nam là bản tin của Reuters, mà nhiều ấn phẩm đã trích dẫn. Bản tin cho biết rằng, đối tác của Apple - Foxconn Đài Loan sẽ chuyển một phần hoạt động sản xuất iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty đang xây dựng dây chuyền sản xuất máy tính bảng và máy tính xách tay cho Apple tại nhà máy của hãng ở tỉnh Bắc Giang. Các dây chuyền này có thể đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2021. Foxconn đang có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam với khoản đầu tư khoảng 270 triệu USD. Công ty Đài Loan muốn tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết để tăng cường sản xuất màn hình LCD và các thiết bị điện tử khác.
Asia Times viết rằng, do làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cơ sở xuất khẩu của Trung Quốc đang thu hẹp lại, khiến các quan chức địa phương yêu cầu Bắc Kinh thực thi một chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì việc làm trong bối cảnh các nhà sản xuất đang ồ ạt tháo chạy khỏi Trung Quốc và nguồn thu từ thuế giảm đi.
Việt Nam - một tấm gương truyền cảm hứng
Tờ báo Ấn Độ The Economic Times đánh giá cao các thành công của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay. Việt Nam đã củng cố lập trường của ASEAN về các vấn đề khu vực, bao gồm những nỗ lực trong cuộc chiến phòng chống Covid-19. ASEAN nổi lên như một khu vực có vai trò cân bằng, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng. Các cuộc họp trực tuyến hiệu quả và việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong điều kiện đại dịch là những thành tựu lớn nhất của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới không rơi vào tăng trưởng âm trong năm 2020, bất chấp sự sụp đổ toàn cầu về thương mại, du lịch và đầu tư do đại dịch Covid-19 gây ra. Cộng đồng quốc tế có thể lấy cảm hứng từ Việt Nam như một cường quốc châu Á mới nổi, tờ báo viết. Tờ The Diplomat đăng tải một bài dài về quá trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam.
Các dự án kinh tế và những vấn đề xã hội
Trong số các bài báo về nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi lưu ý đến bản tin pinsentmasons.com về việc vào tháng 12 Việt Nam sẽ khởi công xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 4,6 tỷ USD, và bản tin về việc công ty Nhật Bản Takashimaya sẽ xây dựng một trường học liên cấp quốc tế tại dự án khu đô thị Starlake nằm cách Hà Nội 6km, theo Nikkei Asia.
The Star viết về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Mongabay có bài viết về một vấn đề nan giải - quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Còn tờ Times Higher Education viết về sự phát triển giáo dục trực tuyến tại Việt Nam.
Khép lại mục điểm báo là câu chuyện về một cô bé nông dân hoá thiên nga. Đây là ứng viên mới cho danh hiệu Hoa hậu Thế giới đến từ Việt Nam - cô gái 20 tuổi Đỗ Thị Hà đã trở thành Hoa hậu Việt Nam 2020, câu chuyện được giới thiệu trên tạp chí Mothership.