Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi 54 dân tộc cùng đoàn kết, khơi gợi tinh thần và khát vọng về Việt Nam hùng cường 2045. Cơ đồ đất nước, vinh quang Tổ quốc đời đời thuộc về cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam
Sáng ngày 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có bài phát biểu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II, sự kiện mà theo khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình sáng nay mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một “biểu tượng đặc biệt” về khối đại đoàn kết các dân tộc, như “54 cánh sen tạo nên một Bông Sen Việt Nam” rực rỡ, ngát hương.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng Việt Nam đã nêu bật những thành tựu của đất nước sau 35 năm đổi mới với khẳng định, đây là sự kết tụ và giao hòa, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, máu thịt của các dân tộc anh em đồng bào, đồng chí. Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam.
Trong bài phát biểu của mình sáng nay, Thủ tướng nêu rõ, qua chặng đường 10 năm, dù còn đó nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng lên miền núi, từ thành thị về nông thôn, từ đất liền ra đến hải đảo.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cộng đồng quốc tế ghi nhận Việt Nam là một nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á với GDP tăng trung bình 6,3% trong 10 năm qua.
Ngay cả trong thời điểm thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong số ít nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, thậm chí có thể là quốc gia duy nhất có tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực Đông Nam Á, theo như dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.
Thành công từ các địa phương sẽ làm nên sự phát triển của quốc gia. Ngoài các địa phương phát triển luôn duy trì sức tăng trưởng cao, các tỉnh khó khăn – đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều tỉnh Miền Trung, đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, nơi có đông đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống vẫn luôn nỗ lực để đạt tăng trưởng khá, cố gắng không để tỉnh nhà bị bỏ lại phía sau, quyết tâm làm cho các dân tộc tỉnh nhà ngày càng vươn lên cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn.
“Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số chưa bao giờ khởi sắc như ngày nay”
Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Việt Nam nêu rõ, trong suốt nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều ưu tiên, bố trí nguồn lực để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 71,4% tổng chi cho các nhiệm vụ này của cả nước, chiếm 80% tổng chi giảm nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với đó, các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm bảo tồn và phát huy, không chỉ trở thành một tài sản tinh thần cho con cháu mà còn là tài nguyên mới cho sự phát triển, nhất là du lịch.
“Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa bao giờ được khởi sắc như ngày nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Có thể thấy, không chỉ các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã chăm lo cho đồng bào các dân tộc, mà chính đồng bào các dân tộc cũng đã góp phần rất to lớn vào những thành quả phát triển vĩ đại của đất nước xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, trong đó có thành quả của gần 35 năm Đổi mới đất nước.
Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù chỉ chiếm chưa đến 15% dân số, nhưng đồng bào các dân tộc đã và đang góp phần to lớn vào tiến trình phát triển của đất nước.
Trong hòa bình, Đảng và Nhà nước đã tổ chức vinh danh những người có uy tín, đại diện tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để đánh giá hết những đóng góp xuất sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số cho sự phát triển của bản làng, quê hương, đất nước.
“Đây không phải là thành quả riêng lẻ của từng dân tộc, nó là sự kết tụ và giao hòa, thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn máu thịt giữa các dân tộc anh em đồng bào - đồng chí - đồng nghĩa – đồng cảm, "tình đồng chí, nghĩa đồng bào". Có thể khẳng định, đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nói.
“Khi riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng là đại dương”, chỉ khi cùng nắm chặt tay nhau tiến lên - 54 dân tộc anh em Con Lạc - Cháu Rồng, chúng ta sẽ xây dựng được một quốc gia hùng mạnh”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại Đại hội.
“No đói, sướng khổ có nhau”
Theo lãnh đạo Chính phủ, mặc dù có nền kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại đây, quy mô kinh tế đã bước vào nhóm 4 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, song Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình, vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều để sớm hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045 – sánh vai với các nước phát triển như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
So với mặt bằng phát triển của cả nước và ở từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao, khoảng cách thu nhập so với cả nước ngày càng dãn cách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cộng đồng các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời và là “máu-thịt” của dân tộc Việt Nam, “no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau”. Do đó, đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, là yếu tố có tính nền tảng để bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quan điểm về đồng bào các dân tộc anh em theo lời Bác đã dặn, có hai điều quan trọng nhất không được phép quên, đó là: "Đoàn kết các dân tộc và nâng cao thực chất đời sống của đồng bào".
Khát vọng Việt Nam hùng cường 2045
Chính từ lẽ đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với mặt bằng chung cả nước.
“Tôi mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số của chúng ta dù khó khăn vất vả đến đâu cũng phải ưu tiên thời gian và tiền của, tạo mọi điều kiện để cho con em chúng ta được đến trường, được vui chơi, được học hành đến nơi, đến chốn”, Thủ tướng bày tỏ.
Trong đó, giáo dục được xem là con đường duy nhất đưa bản làng, quê hương, đất nước phát triển giàu mạnh. Ngày mai tươi sáng trong tương lai phụ thuộc vào những gì chúng ta chuẩn bị trong ngày hôm nay. Cả nước Việt Nam cùng vun đắp khát vọng vượt khó vươn lên, phấn đấu làm giàu chính đáng, ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, phải cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc (về tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, dân nhạc.), đồng thời cần kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Cùng với đó là tìm cách chuyển hóa các di sản và bản sắc dân tộc đó trở thành một nguồn lực, một thứ tài nguyên cho sự phát triển bền vững. Hãy truyền dạy cho con cháu muôn đời về lòng yêu nước của cha ông ta, về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, về đức tính cần cù, chịu khó, thật thà, tốt bụng, về ý chí dấn thân vì cộng đồng, đất nước.
“Hãy khơi gợi tinh thần và khát vọng về một Việt Nam hùng cường 2045 trong đồng bào dân tộc thiểu số”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, rừng là lá phổi của chúng ta. Với đồng bào dân tộc thiểu số, rừng trước tiên còn là tấm áo giáp góp phần bảo vệ an toàn khỏi thiên tai, lũ lụt, sạt lở. Rừng cũng là sinh kế cho đồng bào. Do đó, đã đến lúc đồng bào dân tộc thiểu số phải giữ rừng như chính giữ sinh mạng của mình.
Cùng nhau lên án và chặn đứng các tệ nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế. Đồng thời, từng bước để đồng bào tăng thu nhập, đảm bảo lợi ích nhiều mặt từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ lá phổi xanh của đất nước, góp phần quan trọng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Toàn thể người dân Việt Nam phấn đấu cùng nhau tiếp tục xây dựng, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi, như Bác Hồ kính yêu từng căn dặn: "Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”.
Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, được xây dựng, vun đắp, bằng mồ hôi, công sức của bao thế hệ cha anh, bằng sự nhọc nhằn, hy sinh, bằng ý chí, sức mạnh và niềm tin của lòng dân.
“Bởi vậy, tôi rất kỳ vọng gần 1.600 đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em, từ mọi miền của đất nước hội tụ về Đại hội hôm nay sẽ lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới, truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng lòng chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển cường thịnh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu”, Thủ tướng phát biểu tại Đại hội.
Sau cùng, người đứng đầu Chính phủ gửi lời chúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam ngày càng vững mạnh.
“Cơ đồ đất nước, vinh quang tổ quốc đời đời thuộc về cộng đồng các dân tộc Việt Nam ta”, Thủ tướng kết luận.