Theo lời giải thích của Ngoại trưởng Mike Pompeo, quyết định này liên quan đến việc Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không của Nga.
Ông kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ "ngay lập tức" giải quyết "vấn đề S-400" với sự phối hợp của Hoa Kỳ.
"Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác có giá trị, một đối tác an ninh khu vực quan trọng của Hoa Kỳ, và chúng tôi muốn tiếp tục lịch sử hợp tác hiệu quả kéo dài nhiều thập niên trong lĩnh vực quốc phòng với họ bằng cách loại bỏ chướng ngại vật S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ đang trang bị càng sớm càng tốt", - quan chức này cho biết.
Theo ông Pompeo, việc áp đặt các lệnh trừng phạt đã phát đi "một tín hiệu rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện đầy đủ điều khoản 231 của đạo luật CAATSA và sẽ không khoan nhượng cho các giao dịch quan trọng với khu vực quốc phòng và tình báo của Nga".
"Điều khoản 231 của CAATSA và các hành động hôm nay không nhằm làm suy yếu khả năng quân sự hoặc khả năng sẵn sàng chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bất kỳ đồng minh hay đối tác nào khác của Hoa Kỳ. Thay vào đó, chúng nhằm mục đích khiến Nga phải trả giá trước hàng loạt hành động ác ý của họ", - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ hứa sẽ đáp trả lệnh trừng phạt
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara lên án và bác bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, đồng thời cam đoan sẽ đáp trả quyết định này.
Cần lưu ý rằng cáo buộc của Mỹ về lỗ hổng của các hệ thống NATO liên quan đến việc Thổ Nhĩ kỳ mua S-400 là không có cơ sở về mặt kỹ thuật.
"Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất thành lập một nhóm công tác kỹ thuật với sự tham gia của NATO và đã nhiều lần đề xuất giải quyết vấn đề này trên cơ sở khách quan và thực tế, không mang định kiến chính trị. Chúng tôi mời Mỹ xem xét lại quyết định trừng phạt bất công này", - tuyên bố viết.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khi bình luận về tình hình nêu trên nói rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt không phải là điều bất ngờ.
"Tất nhiên, đây là một biểu hiện khác của thái độ ngạo mạn trước luật pháp quốc tế, một biểu hiện của các biện pháp cưỡng chế đơn phương bất hợp pháp mà Mỹ đã sử dụng trong nhiều năm, trong nhiều thập niên cả bên tả lẫn bên hữu, và tất nhiên, điều này không làm tăng thêm uy tín của Mỹ trên trường quốc tế với tư cách là một bên tham gia có trách nhiệm vào sự phân chia lao động quốc tế, trong đó có lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự”, - Bộ trưởng Ngoại giao Nga phát biểu sau cuộc gặp với ông Milorad Dodik, ủy viên Hội đồng Tổng thống Bosnia và Herzegovina.
Cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ
Việc cung cấp hệ thống phòng không S-400 tối tân của Nga, vốn là nguyên nhân gây ra khủng hoảng trong quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, bắt đầu vào giữa tháng 7 năm 2019. Washington yêu cầu Thổ Nhĩ kỳ từ bỏ thỏa thuận với Nga và mua hệ thống Patriot của Mỹ, đồng thời đe dọa hủy việc bán máy bay chiến đấu F-35 tối tân cho Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt theo Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Ankara từ chối nhượng bộ và tiếp tục đàm phán mua thêm một lô S-400 nữa.