Đề tài chính của các bài viết và thông tin về Việt Nam trên báo chí Nga và các nước năm nay phản ánh cuộc đấu tranh của đất nước chống đại dịch coronavirus và thành công rực rỡ trong mọi lĩnh vực của cuộc chiến cam go này. Ta hãy cùng điểm lại những gì báo chí nước ngoài đã viết vào đầu, giữa và cuối năm 2020.
Chiến dịch chống Covid-19
Tháng Hai FXStreet đưa tin rằng Standard Chartered Bank đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 xuống còn 6,6% tuy trước đó là 7%. Tháng Ba The Diplomat viết rằng Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đã không lặp lại sai lầm của Trung Quốc, để giữ ổn định hình thức đã che giấu sự khởi phát bệnh dịch ở Vũ Hán. Chính quyền Việt Nam duy trì minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh và cho phép công bố thông tin không hạn chế trên Facebook. Cũng tháng đó Deutsche Welle phân tích nguyên nhân thành công của Hà Nội trong cuộc chiến gay go chống Covid-19 và lưu ý: Việt Nam không có khả năng chống coronavirus theo phong cách của Hàn Quốc, tức là tiến hành 350 nghìn xét nghiệm. Mà nước này áp dụng cách ly kiểm dịch nghiêm ngặt, sớm hơn nhiều so với Trung Quốc, và không giống như các nước phương Tây, Việt Nam không chỉ theo dõi ở cấp thứ nhất, mà chú ý cả cấp thứ hai, thứ ba và thứ tư về các tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Việt Nam đã thực hiện một hệ thống giám sát công cộng rộng rãi, sử dụng lực lượng các quân nhân vốn có kỷ luật, được dân chúng tin cậy và tôn trọng. Chính phủ đã ví cuộc đấu tranh chống lại dịch bệnh như chiến dịch quân sự và huy động các cư dân, trong khi chấp nhận dự kiến phí tổn kinh tế không nhỏ.
«Mọi người đang làm tất cả những gì có thể bởi vì họ tin vào Chính phủ nước mình trong cơn khủng hoảng này và tin vào thành công của cuộc chiến chống coronavirus», - báo Đức nhận xét.
Tháng Tư Bloomberg thông báo rằng Việt Nam đã tặng 250 nghìn khẩu trang y tế cho Hoa Kỳ, nơi gánh chịu tổn thất hơn 30 nghìn người tử vong vì dịch bệnh coronavirus. Hà Nội cũng chuyển khẩu trang và thiết bị y tế sản xuất nội địa trị giá 100.000 USD cho Nhật Bản, và trước đó đã quyên góp số lượng tương tự tặng cho các nước láng giềng Campuchia, Lào rồi các nước châu Âu. Rossiyskaya Gazeta cung cấp thông tin về việc 200 nghìn khẩu trang kháng khuẩn sản xuất tại Việt Nam được chuyển sang Nga. The Malaysian Reserve viết rằng đại dịch đã tạo cơ hội cho đất nước Việt Nam trở thành nhà máy sản xuất khẩu trang tầm thế giới. The Strategist bổ sung thêm rằng số trường hợp mắc bệnh thấp «một cách đáng ngạc nhiên» ở Việt Nam (dưới 300 ca) và không có bất kỳ ca tử vong nào - là kết quả của việc theo dõi cẩn thận và rộng rãi việc di chuyển của cư dân, đo nhiệt độ thường xuyên tại các cửa khẩu sân bay và những nơi công cộng, quản lý tốt việc cách ly tập trung. Việt Nam cũng đã thể hiện phong cách thủ lĩnh đáng nể trong lĩnh vực ứng nghiệm đổi mới bằng cách sáng chế và xuất khẩu những bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, giá cả phải chăng, cho lắp đặt các buồng khử trùng toàn thân để ngăn ngừa lây nhiễm tại các phòng khám và những nơi khác mà mọi người dân tập trung xếp hàng. Việt Nam tổ chức cách ly người trong các khách sạn và khu nghỉ dưỡng nhằm tránh tiếp xúc với hàng xóm và thân nhân. Chiến lược quan trọng then chốt đối với Việt Nam là phản ứng mau lẹ để giảm lây nhiễm và tránh bớt gánh nặng cho các y bác sĩ. Nhưng đồng thời, hệ thống y tế Việt Nam cũng cho thấy mặt mạnh là có trang thiết bị và tính cơ động tốt. Năm 2003, Việt Nam từng trở thành đất nước chính sau Trung Quốc, nơi đối mặt với dịch bệnh SARS. Các kết luận cần thiết đã được đưa ra, và bây giờ các y bác sĩ Việt Nam có đủ trang bị kiến thức và phương tiện để đáp trả cuộc tấn công của coronavirus. Các bệnh viện được cũng cấp giường, máy móc và thuốc men cần thiết, các y bác sĩ có tất cả các phương tiện bảo hộ. Còn tờ báo Nga «Novosti Petrozavodska» giới thiệu cảm tưởng của một người phụ nữ Nga vừa thăm Việt Nam trở về.
«Tôi rất thích chuyện người Việt Nam không do dự mà nghiêm chỉnh chấp hành các yêu cầu. Tôi thích chuyện Nhà nước chăm lo tối đa cho công dân của mình: luôn sẵn có tất cả các thực phẩm và hàng hóa cần thiết, khẩu trang bảo vệ đáp ứng mọi sở thích, cả ngân sách và mức giá đều giảm cho mọi thứ!»
Tháng Sáu Brookings Institution so sánh Việt Nam với ngôi sao bóng đá thế giới Cristiano Ronaldo. Tháng Bảy báo Mỹ Courthouse News Service phong tặng Việt Nam danh hiệu vô địch thế giới không có đối thủ cạnh tranh thực tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tháng Tám The Conversation chú ý đến các hoạt động từ thiện: sáng kiến cây "ATM gạo", những thành viên tự nguyện của nhóm thiện nguyện "Mỗi ngày một quả trứng" và nhiều hoạt động khác.
“Trong bảy tháng qua, chúng tôi rất ngạc nhiên với quy mô và tốc độ đổi mới, cũng như với những người dân và công ty đang làm việc vì lợi ích chung. Mỗi cuộc phỏng vấn chúng tôi thực hiện tại Việt Nam cũng nhắc nhở chúng tôi về giá trị tinh thần cao quý của con người. Những tấm gương sáng đáng khâm phục về tình đoàn kết có thể giúp tất cả chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng này”, bài báo viết.
Tờ Counterpunch so sánh Việt Nam và Hoa Kỳ như sau: Trong khi tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 có vẻ như đang được khống chế tốt nhờ vào tầm nhìn lãnh đạo và sự hợp tác chung của toàn thể nhân dân, thì tại Mỹ, tình hình càng lúc càng hỗn loạn. Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của một người bất tài, bạo lực và tự ái, người đã chính trị hóa vấn đề sức khỏe cộng đồng, về cơ bản không làm gì cả, mà chỉ hy vọng rằng COVID-19 sẽ biến mất một cách kỳ diệu. Hành động phản đối đeo khẩu trang vô cùng phi lý cho thấy chủ nghĩa cá nhân siêu đẳng đang ngự trị ở Mỹ. Và hiện nay Hoa Kỳ, một quốc gia mà quyền cá nhân thường quan trọng hơn nhân quyền, đang phải trả một cái giá rất đắt. Như vậy, phần lớn người Mỹ cần học hỏi từ Việt Nam, tác giả lưu ý. Tháng Tám, sau đợt bùng phát mới của đại dịch coronavirus, báo chí Nga cho biết, WHO đánh giá cao hành động của chính quyền Việt Nam. Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới đã gọi Việt Nam là tấm gương điển hình dành cho các nước khác. Thiệt hại khổng lồ về kinh tế và xã hội - WHO cảnh báo sự nguy hiểm của việc quay lại chế độ kiểm dịch:
«Việt Nam hành động mau lẹ và toàn diện, họ có hệ thống đủ sức giúp kiểm soát đợt bùng phát mới này. Đây là điều chúng ta cần được thấy ở tất cả các nước».
Tháng Mười hai Việt Nam bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa coronavirus của mình, như Nikkei Asia Review thông báo. Nếu thử nghiệm cho kết quả tốt, vaccine này sẽ được tiêm chủng cho cư dân vào nửa cuối năm 2021. Theo phản ánh của Global Finance, thành công từ cuộc chiến chống đại dịch coronavirus đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam chính vào năm khó khăn này. IMF kỳ vọng rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay và 6,5% vào năm 2021, khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục bình thường hóa. Thực tế thương chiến với căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng là yếu tố thúc đẩy sự trỗi dậy của Việt Nam. Theo dữ liệu của hãng tư vấn London «Capital Economics», xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 8 tháng đầu năm 2020 đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. «Capital Economics» cho rằng Việt Nam sẽ là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất của thế giới trong năm nay. Một trong những động lực thành công là sự đa dạng đa phương hóa sâu rộng trong chính sách quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân thành công của Việt Nam là khi mở cửa nền kinh tế, Hà Nội đã đảm bảo được "quyền sở hữu và kiểm soát của Nhà nước đối với các doanh nghiệp chiến lược trong nông nghiệp, khai thác khoáng sản, viễn thông, đường sắt, hóa chất, nước, dầu, điện, xi-măng, thép và các ngành khác của công nghiệp nặng, cũng như trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng". Mặc dù nền kinh tế Việt Nam bị tình huống dịch bệnh trong và ngoài nước giáng đòn nặng làm suy yếu nhu cầu và giảm hoạt tính thương mại, nhờ có chiến lược ngăn chặn và kiềm chế hiệu quả tạo thành cơ sở đảm bảo sự phục hồi nhanh hơn hầu hết các nước khác trong khu vực. Trong triển vọng khôi phục đầy khả quan bởi các biện pháp ngăn chặn được tháo bỏ, các doanh nghiệp nối lại công việc và người tiêu dùng háo hức đổ xô đến các nhà hàng và cửa hiệu.
Thành công trên trường quốc tế
Báo chí nước ngoài cũng rất chú ý đến những thành công của Việt Nam trên trường quốc tế. Có nhiều bài viết về hoạt động của Hà Nội ở cương vị Chủ tịch ASEAN, về quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ. Tờ báo Ấn Độ The Economic Times đánh giá cao các thành công của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay. Việt Nam đã củng cố lập trường của ASEAN về các vấn đề khu vực, bao gồm những nỗ lực trong cuộc chiến phòng chống Covid-19. ASEAN nổi lên như một khu vực có vai trò cân bằng, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong quan hệ Mỹ–Trung căng thẳng. Các cuộc họp trực tuyến hiệu quả và việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong điều kiện đại dịch là những thành tựu lớn nhất của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới không rơi vào tăng trưởng âm trong năm 2020, bất chấp sự sụp đổ toàn cầu về thương mại, du lịch và đầu tư do đại dịch Covid-19 gây ra. Cộng đồng quốc tế có thể lấy cảm hứng từ Việt Nam như một cường quốc châu Á mới nổi, tờ báo viết.
The Times of India ghi nhận rằng, trong năm 2020, uy tín của Việt Nam đã tăng lên cả trong khu vực và trên trường quốc tế. Và các chuyến thăm của thủ tướng Nhật Bản và ngoại trưởng Mỹ xác nhận điều này. Ban lãnh đạo Việt Nam có thể dẫn dắt ASEAN và đóng một vai trò vô giá trong việc ngăn chặn các hành vi gây hấn của Trung Quốc. Không có nghi ngờ gì rằng, để duy trì sự cân bằng chiến lược dựa trên nguyên tắc trật tự thế giới đa cực và pháp quyền, điều kiện tiên quyết là Việt Nam giữ vững vị thế trung tâm, tác giả nhấn mạnh và đưa ra những bằng chứng về điều đó. Việt Nam đã đứng vững trước hành vi gây hấn của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, Việt Nam đạt được những thành công ấn tượng về kinh tế, trong năm 2020 Việt Nam thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ mang tính xây dựng trong vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã có những bước đi quyết định để chống lại đại dịch cả trong nước và nước ngoài. Việt Nam biết cách tiếp xúc với các cực khác nhau của chính trị quốc tế, bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế của mình. Uy tín ngày càng tăng của Việt Nam khiến Trung Quốc lo lắng. Tác giả lưu ý, Bắc Kinh lo ngại rằng, Việt Nam có thể tham gia Bộ tứ (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia) để hình thành một "liên minh chống Trung Quốc toàn cầu".
Hãng thông tấn Inter Press Service bổ sung:
“Việc hoàn tất ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) dưới sự chủ trì của Việt Nam trong năm nay sẽ củng cố vai trò quan trọng của Việt Nam ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự ra đời của RCEP sẽ là sự kiện quan trọng nhất trong hệ thống thương mại toàn cầu kể từ khi thành lập WTO vào năm 1994. Khi Việt Nam trở lại đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, có lẽ là vào năm 2030, nền kinh tế nước này sẽ đang trên lộ trình trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới".
Tờ The Diplomat nhận xét, rằng chuyến đi thăm Hà Nội và Jacarta cua Thủ tướng Nhât Bản Yoshihide Suga nhằm tăng cường khả năng quân sự của các đối tác từ Đông Nam Á, những nước đang chia sẻ mối lo ngại của Tokyo trước thế lực trên biển ngày càng bành trướng của Trung Quốc. Báo chí nước ngoài viết nhiều về quyết định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ buộc tội Hà Nội thao túng tiền tệ. Tờ Nikkei Asia Review viết rằng xét về kích thước thặng dư thương mại trong giao thương với Hoa Kỳ, Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020 lọt vào tốp ba, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Washington gây áp lực lên Hà Nội trong mấy năm qua, tờ báo này lưu ý và nhắc nhở về những lệ phí trừng phạt đối với các loại thép do Việt Nam sản xuất, các cuộc điều tra về lốp xe và gỗ. Bloomberg nhận xét rằng trong n đề này nhiều điều còn tuỳ thuộc vào cách hành xử của Tổng thống vừa đắc cử Joe Biden.
Hướng tới Đại hội Đảng
Kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới
Mặc dù hứng chịu tác động tiêu cực từ đại dịch coronavirus, nền kinh tế vẫn trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm đầy khó khăn này và đang có mọi tiền đề cho nhịp độ tăng trưởng mạnh trong năm tới. Một số lượng lớn các bài viết và thông tin trên báo chí nước ngoài đã tập trung vào chủ đề này. Asia Times cho rằng, việc hội nhập quốc tế sâu rộng, ký kết tham gia các hiệp định đối tác quy mô lớn như RCEP và EVFTA, tích cực gia tăng xuất khẩu nói chung và sang Hoa Kỳ nói riêng, đó là các yếu tố cốt lõi làm nên thành công của nền kinh tế Việt Nam. Ấn phẩm ghi nhận tác động tích cực của việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng GDP được xác định bởi sản xuất và xuất khẩu vốn dễ duy trì hơn trong thời đại dịch. Nền kinh tế Việt Nam ít phụ thuộc vào du lịch hơn so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, mà ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch nặng nề hơn các lĩnh vực khác. IMF nhấn mạnh rằng, các hành động táo bạo của Hà Nội nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của COVID-19 đến kinh tế và sức khỏe đã là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm nay, báo cáo ghi nhận phản ứng nhanh chóng và có thẩm quyền của đảng và các giải pháp được thực hiện với tính minh bạch khác thường.
CNA phân tích các yếu tố như nguyên nhân thành công của nền kinh tế Việt Nam trong năm khó khăn này. Trong đó có thể kể đến việc sớm mở cửa nền kinh tế do kiểm soát được đại dịch, tăng trưởng xuất khẩu nhờ đa dạng đa phương hóa thị trường và nhu cầu trong quá trình cách ly kiểm dịch với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như điện tử dân dụng, trang thiết bị nội thất văn phòng, máy tính và TV, sự hỗ trợ của Chính phủ rót vốn đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như cầu đường, tạo ra nhu cầu bổ sung và thêm những chỗ làm việc. Tờ báo Ấn Độ The Hindu cho rằng Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhờ việc ký kết và tham gia nhiều FTA, nhờ các khoản đầu tư lớn của TNC và các ưu đãi hào phóng dành cho các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, tờ báo lưu ý, tỷ trọng xuất khẩu trên GDP Việt Nam là 107% (so với 11,7% của Hoa Kỳ và 18,4% của Trung Quốc). Sự phụ thuộc quá mức của Việt Nam vào xuất khẩu khiến nước này dễ bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn kinh tế toàn cầu.
Flight Global cho biết rằng, Hà Nội đã phân bổ 4,7 tỷ USD cho dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ sẽ có công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. PR News Wire thông báo về việc thành lập cơ sở liên doanh với công ty lớn nhất của Mỹ là «Gunvor» để sản xuất điện từ LNG của Mỹ ở tỉnh Bình Thuận. Và trang tin của Nga Dairy News viết rằng, kim ngạch xuất khẩu nông sản Nga sang Việt Nam đã tăng gấp 5 lần so với 2019.
Việt Nam chờ đợi các du khách
Tuy biên giới quốc gia hiện còn đóng cửa với du khách nước ngoài, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những đất nước tươi đẹp và hấp dẫn bậc nhất của thế giới, và các ấn phẩm nước ngoài năm nay không ngừng giới thiệu các danh lam thắng cảnh, những điểm đến xứng đáng dành cho những chuyến du ngoạn tham quan trong tương lai. Travel Daily xướng danh 5 địa điểm tốt nhất nên ghé thăm ở Việt Nam. Tờ báo mời du khách nếm thử những món đặc sản ngon lành của Hội An, lang thang thả bước khắp phố núi quanh Sapa, nghỉ ngơi thư giãn trên các bãi biển của Phú Quốc, dạo xe đạp khắp Đà Lạt mờ sương và tận hưởng bầu không khí đặc biệt của thủ đô Hà Nội.
Còn tờ The National và nhiều ấn phẩm nước khác thì giới thiệu khách sạn mạ vàng đầu tiên trên thế giới - khách sạn 5 sao 25 tầng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake đã khai trương tại thủ đô Việt Nam sau gần 11 năm xây dựng. Trong toà nhà lộng lẫy này không chỉ những bức tường lấp lánh, mà các vị khách còn được chào đón trong gian sảnh toàn vàng, rồi bể bơi, đồ nội thất, chậu rửa, bồn tắm và cả đến… bồn cầu cũng đều mạ vàng.
Cuộc đua xe «Formula-1» không diễn ra tại Hà Nội
Một trong những chủ đề được lưu ý trên các ấn phẩm nước ngoài là số phận của cuộc đua xe «Formula-1» ở Hà Nội. Nhiều ấn phẩm nước ngoài đăng các bài viết về việc Chặng đua F1 Hà Nội vốn được lên kế hoạch để diễn ra tháng 4 năm nay đã bị hủy do đại dịch. Vụ bắt giữ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, một nhân vật chủ chốt trong việc thúc đẩy chặng đua Công thức 1, đã đánh dấu chấm hết trong vấn đề này. Ban tổ chức F1 đã lên phương án thay thế cho chặng đua ở Việt Nam bao gồm Malaysia, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Ý.
Tổng kết lại, có thể nói rằng Việt Nam là hình mẫu anh hùng đích thực của năm 2020, năm đã gây cú sốc chấn động với nền kinh tế toàn cầu và đời sống cộng đồng. Những thử thách mà Việt Nam đối mặt và vượt qua đã cho thấy sức mạnh kiên cường của nhân dân và tài sáng suốt của ban lãnh đạo đất nước, thu phục sự kính trọng, ngưỡng mộ chân thành của cộng đồng thế giới và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mong rằng trong năm tới đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta sẽ đạt nhiều thành tựu mới, ngày càng thịnh vượng và thực hiện trọn vẹn những kế hoạch đầy kỳ vọng vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần củng cố hoà bình ổn định cho khu vực và thế giới.