Đối đầu Nga-Mỹ ở Bắc Cực giống tình hình Biển Đông?
Ông Bộ trưởng Mỹ lưu ý rằng trong những năm tới, Washington sẽ phải hành động «kiên quyết hơn» ở Bắc Cực để đẩy lui «yêu sách» của Nga cũng như của Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi liệu Hoa Kỳ có nên tiến hành «các chiến dịch nhằm đảm bảo tự do hàng hải» ở ngoài khơi bờ biển phía bắc của Nga hay chăng, ông Braithwaite đã so sánh tình hình trong khu vực này với tình hình Biển Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với một số nước.
«Các tuyến đường biển ở phương Bắc đang lưu thông tốt, Hải quân Hoa Kỳ sửa soạn đảm bảo quyền tự do hàng hải cho các đối tác của chúng ta», - Bộ trưởng tuyên bố. Ông gọi chiến lược này là «lập trường táo bạo hơn» khi thực hiện «quyền và nghĩa vụ» của Hoa Kỳ như là «lực lượng hải quân thống lĩnh trên thế giới».
Theo lời Bộ trưởng Braithwaite, lợi thế chính của Hoa Kỳ ở Bắc Cực là tàu ngầm. Tuy nhiên, ông nói thêm, Hải quân Mỹ sẽ phải thuê tàu phá băng của các đồng minh, trong khi Nga có nguyên cả hạm đội tàu phá băng của riêng mình còn Trung Quốc đang đóng tàu với nhịp độ mà Hoa Kỳ «không sao sánh kịp».
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thông báo về thực trạng Hoa Kỳ tăng cường hiện diện tàu chiến ở Bắc Cực. Theo lời ông Shoigu, bối cảnh quân sự-chính trị trong khu vực này trở nên phức tạp do sự cạnh tranh của các quốc gia hàng đầu thế giới trong việc tiếp cận nguồn dự trữ và giao thông liên lạc vận tải đường biển. Bộ trưởng Sergei Shoigu nhấn mạnh, để tăng cường khả năng quốc phòng và đảm bảo lợi ích quốc gia của mình ở Bắc Cực, Nga đang tích cực phát triển Hạm đội phương Bắc.