Vài ngày trước khi Tổng thống thứ 46 của Mỹ Joe Biden nhậm chức, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố phát triển kho vũ khí hạt nhân, gọi Mỹ là kẻ thù lớn nhất của Bình Nhưỡng “bất kể ai nắm quyền”. Động thái này của Triều Tiên nhằm mục đích gì ? Triều Tiên có thể là hướng chính trong chính sách ngoại giao của tân tổng thống Mỹ hay không?
Phóng viên Sputnik đã tìm hiểu vấn đề nóng này và phỏng vấn một số chuyên gia quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Triều Tiên muốn khiêu khích?
Một số giới quan sát cho rằng, động thái của Kim Jong-un là khiêu khích, gây chú ý với chính quyền Washington mới. Nhưng tại sao họ không đặt câu hỏi “khiêu khích để làm gì?”, và quên rằng, Triều Tiên luôn coi Mỹ là kẻ thù lớn nhất, nguy hiểm nhất đối với nền độc lập, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
“Một số nhà phân tích cho rằng chiến thắng của Joe Biden có thể gây bất lợi cho Bắc Triều Tiên và việc ông ta thắng cử đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách ngoại giao liên quan đến bán đảo Triều Tiên. Biden có khả năng sẽ áp dụng chiến lược ưu tiên các cuộc đàm phán cấp chuyên viên, sau đó là các cuộc gặp cấp cao và cuối cùng mới là các cuộc hội đàm thượng đỉnh. Cách này có thể làm chậm lại quá trình cải thiện quan hệ Mỹ-Triều vì sẽ mất nhiều thời gian. Cho nên họ cho rằng Triều Tiên “khiêu khích” Mỹ để Mỹ quan tâm tới Triều Tiên hơn. Tôi không cho là như vậy. Bản chất của vấn đề là Triều Tiên khẳng định “Mỹ luôn là kẻ thù lớn nhất”, - PGS-TS Hoàng Giang bình luận với Sputnik.
“Cũng như trước đây, Ban lãnh đạo Triều Tiên đã đánh giá đúng bản chất đối thủ chính của họ. Không chỉ hiện tại mà từ khi thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đến nay, các thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước Triều Tiên đều coi Mỹ là kẻ thù lớn nhất, nguy hiểm nhất đối với nền độc lập, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đó là một kiểu “chơi rắn”. một hành động hợp lý theo phương châm “mềm nắn, rắn buông”, Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Cũng theo nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm thì lời tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa có tác dụng như một lời cảnh báo đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Triều Tiên không bao giờ được mất cảnh giác và phải toàn tâm, toàn ý xây dựng nền quốc phòng mạnh mẽ, đủ khả năng bảo vệ nền độc lập, tự chủ. Đó đồng thời cũng là lời cảnh cáo đanh thép đối với Mỹ rằng, nếu Mỹ còn tiếp tục theo đuổi chính sách thù địch đối với Triều Tiên, không chịu thay đổi chính sách dùng vũ lực quân sự đối với Triều Tiên thì người Triều Tiên sẽ sử dụng mọi biện pháp, mọi vũ khí, mọi khả năng có thể huy động để cương quyết bảo vệ nền độc lập, hòa bình của mình.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Triều Tiên cũng yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt ngay các cuộc tập trận chung, coi đó là điều kiện tiên quyết để có thể mở lại các cuộc đàm phán với Mỹ, nối lại các cuộc đàm phán liên Triều vốn đã bị gián đoạn trong thời gian qua.
Vấn đề Triều Tiên có vị trí như thế nào trong chính sách đối ngoại của Joe Biden?
Triều Tiên có thể là hướng chính trong chính sách ngoại giao của Biden cùng với thách thức từ Trung Quốc và Iran, việc tái thiết quan hệ với EU và NATO hay không?
Phân tích cương lĩnh tranh cử của ông Joe Biden về 7 trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ thời gian tới, có thể khẳng định rằng, Triều Tiên chưa phải là hướng chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ, ít nhất trong thời gian nửa đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
“Triều Tiên vẫn sẽ là thách thức ngoại giao lớn đối với chính quyền Joe Biden, nhưng có những vấn đề khác sẽ được ưu tiên giải quyết hơn. Ví dụ như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, còn việc Washington ủng hộ Đài Loan nữa và vấn đề khôi phục kinh tế trong nước”, - PGS-TS Hoàng Giang nêu quan điểm của mình với Sputnik.
“Thách thức từ Trung Quốc vẫn là thách thức lớn nhất đối với Mỹ. Nhưng chính quyền của ông Joe Biden sẽ có sự điều chỉnh chiến lược đối phó với Trung Quốc theo cách thức mới, có hiệu quả hơn chứ không phải là cuộc đối đầu thương chiến tay đôi để dẫn đến tình trang kẻ thua thì lụn bại nhưng người thắng chắc chắn cũng tổn thương nghiêm trọng và cuối cùng là tình trạng “cò ngao tranh chấp, ngư ông thủ lợi” sẽ diễn ra”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Chính quyền của ông Joe Biden có quá nhiều việc phải làm và trong đó, có nhiều việc rất quan trọng về quan hệ quốc tế để có thể chấn chỉnh lại chính sách đối ngoại đã phần nào bị cực đoan hóa và “chệch hướng” dưới thời Donald Trump. Thậm chí, tổng thống mãn nhiệm Donald Trump đã từng có một số hành động đối ngoại được cho là đặt nước Mỹ vào tình thế nguy hiểm.
Cũng theo ý kiến của nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, trong đối ngoại, kết nối, khôi phục lại trạng thái quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước EU vốn đã bị sứt mẻ và suy yếu dưới thời Donald Trump sẽ được chính quyền Joe Biden ưu tiên hàng đầu. Còn vấn đề tích cực “sửa chữa” quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là trong hoàn cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và những đe dọa, thách thức về an ninh mạng ngày càng gia tăng.
“Hành động này có thể giúp nước Mỹ tập hợp lại lực lượng và san sẻ các nguy cơ với các đồng minh truyền thống. Hoạt động đối ngoại được ưu tiên thứ hai là gia hạn, khôi phục lại hoặc gia nhập lại các hiệp ước chính trị-quân sự-kinh tế quan trọng Đối với Nga, chính quyền của ông Joe Biden cũng sẽ có những điều chỉnh chiến thuật. Mặc dù khi làm cấp phó cho tổng thống Barack Obama, Joe Biden coi Nga là đối thủ nguy hiểm nhất nhưng thực chất Nga chỉ là đối thủ xứng tầm với Mỹ về quân sự chứ không phải là thách thức lớn về kinh tế như Trung Quốc”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.
Theo các chuyên gia quan hệ quốc tế, ngoài những hướng nêu trên, nước Mỹ hiện vẫn chưa thể rời mắt khỏi một vài điểm nóng chứa đựng nguy cơ bùng nổ như ở Bắc Phi, Trung Đông, vùng vịnh Caribbean, Biển Đông…
Bên cạnh đó, chính quyền mới của ông Joe Biden còn phải đối mặt với nhiều vấn đề đối nội rất phức tạp cũng cần phải ưu tiên giải quyết như Đại dịch COVID-19, tổng sản phẩm quốc nội suy giảm, nạn thất nghiệp, tệ phân biệt chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo, sự chia rẽ nghiêm trọng trong xã hội Mỹ sau cuộc bầu cử đầy biến động vừa qua…Cho nên, Triều Tiên sẽ không là hướng chính trong đối ngoại của Mỹ dưới thời Joe Biden, chí ít là trong nửa nhiệm kỳ đầu.
“Chỉ sau khi các thách thức mà chúng ta đã đề cập ở trên được giải quyết cơ bản và tình hình tạm ổn định, chính quyền của ông Joe Biden mới có thể rảnh tay để giải quyết các quan hệ với hai miền Triều Tiên và thông qua đó, tác động đến quan hệ liên Triều”, - chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik.