Ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để cùng giải quyết căng thẳng ở Biển Đông. Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc vẫn “gắn bó từ trong lịch sử” và giữ vai trò định hướng quan hệ giữa Hà Nội - Bắc Kinh thời gian tới.
Trong khi đó, học giả Trung Quốc bình luận về thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam và quan hệ với Trung Quốc sau Đại hội XIII, cho rằng ban lãnh đạo mới, trụ cột quốc gia, có đức có tài, sẽ giúp đất nước phát triển nhưng vẫn ‘vừa là đồng chí, vừa là anh em’, giữ quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc.
Chính sách ngoại giao của Việt Nam sau Đại hội XIII sẽ như thế nào?
Ngày 27/1, ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương trả lời báo chí bên lề Đại hội XIII về đường lối ngoại giao của Việt Nam nhiệm kỳ tới, nhất là việc “cân bằng” tốt đẹp quan hệ ba bên Mỹ - Việt Nam - Trung Quốc, giải quyết các tranh chấp, căng thẳng ở Biển Đông, phát triển tình hữu nghị giữa hai Đảng Cộng sản Việt – Trung cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế với công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
Phóng viên nêu câu hỏi về đường lối đối ngoại của Việt Nam trong 5 năm tới sẽ ra sao, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân khẳng định, Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều chính sách ngoại giao đa phương, hội nhập sâu rộng đáng chú ý.
Theo đó, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng cho biết, nhiệm kỳ vừa qua Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc hội nhập sâu với quốc tế trên hầu hết các lĩnh vực.
Ông Hoàng Bình Quân nêu rõ, Việt Nam đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế. Hà Nội sẵn sàng là bạn bè, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh, trong các thập niên vừa qua và nhiệm kỳ Đại hội XII, Việt Nam đã “rất nỗ lực” trên tất cả các phương diện để vươn tầm ra thế giới và nâng cao vị thế của mình trong mắt bạn bè quốc tế.
“Việt Nam đã có quan hệ với 30 nước trong khuôn khổ quan hệ rất cao là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Chúng tôi tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó hầu hết các FTA thế hệ mới Việt Nam đều tham gia”, ông Hoàng Bình Quân thông tin và khẳng định không gian thương mại, đầu tư của Việt Nam rất lớn.
Nghị quyết của Đảng đặt nhiệm vụ nâng cao quan hệ đa phương của Việt Nam trên tinh thần tích cực tham gia các cơ chế song phương, đồng thời chủ động tham gia các cơ chế đa phương. Cụ thể, Việt Nam luôn sẵn sàng, chủ động đưa ra các cơ chế đa phương, chủ động tham gia vào các sáng kiến đa phương.
“Đây là một bước phát triển trong chủ trương đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Chính phủ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới”, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng cho biết.
Đồng chí Hoàng Bình Quân cũng lưu ý, với đà hội nhập, mở cửa sâu rộng với quốc tế thì trong nước cũng phải chuẩn bị thật tốt hệ thống chính sách, hạ tầng, bao gồm hạ tầng về công nghệ, kinh tế số để Việt Nam có thể tham gia vào các sân chơi thế giới một cách tự tin, thực chất và hiệu quả hơn
Ông Hoàng Bình Quân: Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới cao hơn
Theo đồng chí Hoàng Bình Quân, chặng đường Đổi mới 35 năm vừa qua là giai đoạn Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, “phải tìm đường” phát triển.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng tạm gọi đây là “giai đoạn mở rộng”. Đến nay, đất nước đã bước sang giai đoạn cao hơn là “giai đoạn hiệu quả”.
Ông Quân nhắc lại, việc hợp tác quốc tế trong giai đoạn này do đó cũng phải phù hợp tình hình mới để trở nên chặt chẽ, hiệu quả, thiết thực hơn.
Trao đổi với báo giới bên lề Đại hội XIII về đường lối đối ngoại của Việt Nam trong nhiệm kỳ tới hôm nay, ông Quân cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để hoạt động một cách hiệu quả, có trách nhiệm đối với quốc tế, cũng như đối với các thiết chế đa phương.
“Việt Nam phải cố gắng tham gia hội nhập quốc tế với chất lượng cao hơn, cũng như triệt để khai thác được sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế, cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới của Việt Nam”, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng cho biết.
Ông Hoàng Bình Quân cho biết, mục tiêu phát triển đến năm 2030, 2045 được nêu trong Văn kiện trình Đại hội XII thể hiện khát vọng phồn vinh của Việt Nam rất lớn, trong đó có nêu bật hoạt động đối ngoại là thành tố vô cùng quan trọng, cần chú ý.
Đồng chí Hoàng Bình Quân khẳng định, với đường lối đối ngoại rộng mở như nêu trên, Việt Nam muốn đóng góp cho một thế giới an toàn hơn, thịnh vượng hơn và người dân hạnh phúc hơn.
“Chúng tôi luôn ủng hộ các sáng kiến hoặc là các liên kết quốc tế và khu vực vì thịnh vượng, an ninh và sự phát triển chung”, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng bày tỏ.
Việt Nam có liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc ở Biển Đông?
Trước của phóng viên về việc Việt Nam có tính đến việc ‘liên minh’, ‘bắt tay’ với Mỹ để đáp trả hay phản ứng lại với các chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông hay không, đồng chí Hoàng Bình Quân cho biết Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến, hoặc các liên kết quốc tế và khu vực vì sự thịnh vượng và an ninh, phát triển chung.
“Tôi nghĩ bất cứ quốc gia nào, nếu như có thiện chí, nếu như có trách nhiệm, chúng tôi luôn luôn ủng hộ. Bởi vì, chúng ta đều ý thức rằng, các quốc gia và nhân dân các nước trong khu vực đều luôn hướng tới mục tiêu là hòa bình, ổn định và phát triển”, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nêu quan điểm.
“Biển Đông của chúng tôi đang là vấn đề thì chúng tôi mong muốn sự nỗ lực của cộng đồng quốc tế để cùng giải quyết vấn đề đó”, ông Hoàng Bình Quân khẳng định.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân khẳng định, Việt Nam hướng tới không chỉ là một quốc gia tích cực tham gia các cơ chế đa phương mà còn phải là một quốc gia tham gia ở tư thế chủ động. Cụ thể, Hà Nội sẽ chủ động nêu các cơ chế đa phương, chủ động tham gia vào các sáng kiến đa phương.
“Đây là một bước phát triển trong chủ trương đối ngoại của Việt Nam nhiệm kỳ tới”, ông Quân nói.
Quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc sau Đại hội XIII ra sao?
Đáng chú ý, trong buổi họp báo hôm nay, nói về mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Hoàng Bình Quân khẳng định Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng, với nhiều điểm tương đồng như cùng hệ thống chính trị, cùng do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
“Hai nước vốn có quan hệ hữu nghị. Chúng ta vừa kỷ niệm 70 năm quan hệ kiến giao giữa Việt Nam và Trung Quốc”, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng cho hay.
Theo ông, quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc là thành tố rất quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Hai đảng có quan hệ gắn bó với nhau từ trong lịch sử, và trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thì quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản giữ vai trò là nền tảng chính trị và có tính chất định hướng cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc”, ông Hoàng Bình Quân chia sẻ.
Học giả Trung Quốc bình luận về thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam và quan hệ với Bắc Kinh
GS. Hoàng Hưng Cầu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam (Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc) đã có những nhận định đáng chú ý trước sự kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, triển vọng phát triển quan hệ Việt – Trung nhiệm kỳ tới.
Học giả Trung Quốc đánh giá cao công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, nhất là giai đoạn dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trong cuộc trao đổi với VOV, chuyên gia Hoàng Hưng Cầu nhấn mạnh, các quan chức cấp cao lần lượt bị xử lý, cho thấy uy lực không vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam trên thực tế.
Theo GS. Cầu, việc các Bộ trưởng, tướng lĩnh, lãnh đạo dù đã nghỉ hưu cũng bị truy cứu trách nhiệm khi còn đương chức, đã chứng minh một thực tế rằng, các phần tử tham nhũng không có chỗ dung thân.
“Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Việt Nam đã đạt được thành quả mang tính giai đoạn, rõ như ban ngày, được cả thế giới ghi nhận và tán thưởng”, GS. Hoàng Hưng Cầu nhận xét.
Tuy nhiên, vị chuyên gia vô cùng am hiểu về Việt Nam này cũng lưu ý, cuộc chiến chống tham nhũng của chính quyền Hà Nội vẫn còn đầy khó khăn, cam go, còn cả chặng đường dài phía trước, khi nạn tham nhũng chưa được xóa bỏ tận gốc, vẫn còn kẽ hở để trục lợi quyền lực, giới chức trách Việt Nam phải siết chặt cơ chế.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam của phía Trung Quốc cũng nêu quan điểm hy vọng rằng, nhân sự cấp cao sắp tới, ban lãnh đạo mới sắp được bầu ra của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là “rường cột” của quốc gia, có đức có tài, góp phần phát triển đất nước, hợp ý Đảng, lòng dân.
Học giả Trung Quốc kỳ vọng quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh sẽ vận hành đúng trục, “khăng khít” như thế hệ lãnh đạo tiên phong của hai nước từ Chủ tịch Hồ Chí Minh – Chu Ân Lai, Chu Đức, Mao Trạch Đông đà dày công vun đắp.
GS. Hoàng Hưng Cầu cho rằng, sau Đại hội XIII, sẽ sẽ có nhiều nhân sự cấp cao, đại diện cho thế hệ mới của chính trường Việt Nam và tương lai Việt Nam.
“Tôi thật lòng mong muốn họ (thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam) sẽ nối tiếp, ươm mầm bông hoa của tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí vừa là anh em” giữa hai Đảng Cộng sản, phát huy rực rỡ trong thời đại mới, để những bông hoa đó ngày càng nở rộ, tươi đẹp trong tương lai”, nhà nghiên cứu Hoàng Hưng Cầu nhấn mạnh.