Việt Nam luôn có quan hệ tốt với Myanmar
Liên quan đến chính biến ở Myanmar, Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đồng thời là Nghiên cứu sinh Chính trị học, Đại học Victoria Wellington (New Zealand), ông Nguyễn Khắc Giang, bình luận với Sputnik:
“Động thái của quân đội Myanmar là bất ngờ về thời điểm. Tuy nhiên, điều này luôn có nguy cơ xảy ra kể từ sau tiến trình dân chủ hóa bắt đầu vào năm 2011, bởi quân đội Myanmar vẫn luôn giữ vai trò kiểm soát. Việt Nam luôn có quan hệ tốt với Myanmar bất kể dưới chính quyền dân sự hay quân sự trước đó, vì vậy, sự kiện này không ảnh hưởng nhiều đến bang giao của hai nước”.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng bất ổn chính trị là lo ngại lớn, bởi kể từ sau năm 2011, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Myanmar.
“Thêm vào đó, tình hình chính trị bất ổn sẽ khiến ASEAN mất khả năng hợp tác để đối phó với những nguy cơ chung, cụ thể là phòng chống Covid-19 và giải quyết xung đột trên biển Đông”, ông Giang nói thêm.
Chính biến xảy ra như nào?
Sáng 1/2, vài giờ trước khi khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Myanmar (được bầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11), quân đội nước này đã bắt giữ các lãnh đạo của chính phủ, gồm Tổng thống Win Myint và Cố vấn Nhà nước (trên thực tế là Thủ tướng) Aung San Suu Kyi.
Sau cuộc bầu cử Quốc hội, quân đội Myanmar đã cáo buộc Ủy ban Bầu cử Quốc gia đảng cầm quyền “Liên minh Quốc gia vì Dân chủ” gian lận trong cuộc bầu cử và yêu cầu tổ chức lại tổng tuyển cử.
Phe quân sự đứng sau cuộc đảo chính ở Myanmar đã bổ nhiệm Phó Tổng thống Myint Swe làm Tổng thống lâm thời của nước này, trong khi tất cả quyền lực nhà nước được chuyển giao cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar - Thượng tướng Min Aung Hlaing. Ông Myint Swe từng làm Tổng thống lâm thời Myanmar vào năm 2018 sau khi cựu Tổng thống Htin Kyaw từ chức.
Theo Tân Hoa Xã, phe quân sự thông báo cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, được đưa ra trong thời hạn một năm.