Chiều nay 4/2, Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca mắc Covid-19 mới, lây nhiễm trong cộng đồng tại Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai và Bình Dương, nâng tổng số ca nhiễm của cả nước lên thành 1.957 bệnh nhân.
Nhân viên Ngân hàng Public Bank, Giảng Võ, Hà Nội mắc Covid-19. Đây là trường hợp F1 của công chứng viên Phòng Công chứng số 3 Duy Tân, Quận Cầu Giấy, Hà Nội - bệnh nhân số 1.883.
Việt Nam thêm 9 ca mắc Covid-19 mới
5 tỉnh, thành phố của Việt Nam vừa ghi nhận thêm các trường hợp dương tính với coronavirus mới. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, chiều nay 4/2, Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca mắc Covid-19 mới, lây nhiễm trong cộng đồng tại Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Dương và Gia Lai.
Theo thông báo của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, 9 trường hợp nhiễm nCoV mới này đều là các ca cộng đồng. Trong đó, Gia Lai 4 ca, Quảng Ninh 2 ca, Hà Nội, Hải Dương và Bình Dương mỗi địa phương 1 trường hợp nhiễm.
Cụ thể, bệnh nhân số 1.949 ở Hải Dương là cô gái 17 tuổi, tại xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, có liên quan đến ổ dịch ở Cẩm Giàng, Hải Dương.
Hai bệnh nhân 1.950 và 1.951 ở Quảng Ninh là các trường hợp F1 của bệnh nhân 1.892, 1.893, liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Gia Lai hôm nay có thêm 4 ca dương tính mới (các bệnh nhân từ 1.952 – 1.955) liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, Hải Dương.
Thủ đô Hà Nội có thêm 1 ca mắc SARS-CoV-2 (bệnh nhân 1.956) là F1 của nhân viên phòng Công chứng số 3 Duy Tân, Hà Nội, liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, Hải Dương. Đây là nữ nhân viên Ngân hàng Public Bank, Giảng Võ.
Tại Bình Dương, thêm 1 ca nhiễm nCoV mới (bệnh nhân 1.957), F1 của bệnh nhân 1.886, cũng được xác định liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, Hải Dương.
Như vậy, tính đến 18h chiều nay, tổng số ca mắc Covid-19 của Việt Nam là 1.957. Số ca được chữa khỏi là 1.465 người.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, chủng virus corona đợt tái bùng phát này ở Việt Nam là B.1.1.7, được xác định là biến thể ghi nhận ở Anh với tốc độ lây lan nhanh, thời gian khởi phát bệnh ngắn, chu kỳ lây cũng rút ngắn xuống từ 3-4 ngày khiến tỷ lệ F1 di chuyển thành F0 cao hơn.
Trước nguy cơ lây nhiễm lớn, đặc biệt là các ca dương tính trong cộng đồng có lịch trình di chuyển phức tạp, nên Bộ Y tế yêu cầu người dân đặc biệt nâng cao ý thức phòng chống dịch, thực hiện tốt 5K, khai báo y tế, hạn chế tụ tập đông người.
Nữ nhân viên Ngân hàng Public Bank dương tính với nCoV
Chiều nay, 4/2, Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) thông tin cho biết, kết quả xét nghiệm của nữ nhân viên ngân hàng Public Bank, Giảng Võ dương tính với SARS-CoV-2.
Đây là ca bệnh Covid-19 thứ 22 của Hà Nội. Bệnh nhân là V.H.H, 46 tuổi, cư trú ở địa chỉ P2104B, Chung cư 88 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, đồng thời là nhân viên Ngân hàng Public Bank tại D8, đường Trần Huy Liệu, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.
Người phụ nữ này là F1 của bệnh nhân 1.883, là nhân viên Phòng Công chứng số 3 Duy Tân, Quận Cầu Giấy.
Qua điều tra dịch tễ cho thấy, nhân viên ngân hàng này có tiếp xúc với công chứng viên (ca bệnh 1.883) tại cổng trường THCS Giảng Võ, Ba Đình vào trưa ngày 27/1. Bệnh nhân không nhớ chính xác thời gian gặp, cả hai đều không đeo khẩu trang.
Từ 17h30 đến 19h ngày 1 tháng 2, bệnh nhân đã gặp chị V.H.H tại quán Trà Như Ý (địa chỉ số 17A, ngõ 26 Nguyên Hồng). Ngoài ra còn có người phụ nữ tên L, với khoảng cách tiếp xúc khoảng 1m. Cả ba người đều không đeo khẩu trang khi gặp gỡ.
Từ 27/1-2/2, nữ nhân viên ngân hàng vẫn đi làm bình thường. Ngày 3/2, bệnh nhân được xác định là người có nguy cơ lây nhiễm vì là F1 của ca bệnh 1.883 và được Trung tâm Y tế quận Đống Đa lấy mẫu xét nghiệm.
Cùng ngày, nữ bệnh nhân này được chuyển cách ly tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai và có kết quả dương tính ngày 4/2 do CDC Hà Nội thực hiện. Đến chiều nay, Bộ Y tế cũng đã khẳng định đây là trường hợp dương tính với nCoV thứ 22 của Hà Nội.
Hiện tại, Hà Nội đã ghi nhận 22 trường hợp nhiễm coronavirus tại các quận, huyện gồm Nam Từ Liêm (10), Cầu Giấy (3), Hai Bà Trưng (2), Đống Đa (1), Đông Anh (3), Mê Linh (3).
CDC Hà Nội đã truy vết được 162 người là F1 của bệnh nhân số 1.883 – nhân viên công chứng, trong đó có 144 ca âm tính với nCoV. Sở Y tế Hà Nội cũng đã thông báo đến các địa phương về lịch trình di chuyển phức tạp của ca bệnh này để tiếp tục công tác truy vết.
Nữ nhân viên quán karaoke ở Hải Dương đã đi những đâu?
Theo thông tin từ Sở Y tế Hải Dương, nữ nhân viên quán karaoke Tre Vàng (địa chỉ xóm 3, Quý Dương, Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương), người có liên quan đến các ca bệnh 1.851, 1.871, 1.872 đã được Bộ Y tế xác nhận dương tính chiều nay (bệnh nhân 1.949).
Điều tra dịch tễ cho thấy, cô gái này ngoài phục vụ ở quán Tre Vàng thì còn làm ở một số điểm kinh doanh karaoke khác trên địa phận huyện Cẩm Giàng như karaoke Men, karaoke Thanh Thủy, karaoke Ngất ngây, ăn tại nhà hàng Cội nguồn, đi chợ gần quán karaoke Tre vàng, có tiếp xúc với nhiều người nhưng không rõ danh tính.
Ngày 1/2, nữ nhân viên này được đưa đi cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng vì là diện F1 của bệnh nhân 1.871 và bệnh nhân 1.872.
Theo lãnh đạo địa phương, lực lượng chức năng đã phong tỏa quán karaoke Tre Vàng và phun khử khuẩn toàn bộ nhà hàng liên quan, đồng thời đưa đi cách ly các trường hợp F1 theo quy định.
Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Trần Văn Quyết cho biết, hiện địa phương đã nâng cấp mức độ phòng chống dịch lên cao nhất.
Hiện, tất cả 17 xã, thị trấn của huyện cũng sẵn sàng phương án mỗi xa một khu cách ly theo chỉ đạo của Bí thư tỉnh ủy Hải Dương.
“Tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện hiện nay rất nguy cấp, BCĐ của huyện đã họp và nâng cấp độ lên ở mức cao nhất đối với việc phòng chống dịch. Chúng tôi đã thực hiện phong tỏa một xã và một khu, việc trực chốt được duy trì nghiêm ngặt”, Chủ tịch huyện Cẩm Giàng nhấn mạnh.
Hiện tại, tỉnh Hải Dương đã ghi nhận 278 trường hợp dương tính với coronavirus, truy vết gần hơn 6.600 F1, hơn 22.600 diện F2 tại 32 xã/phường/thị trấn.
Bộ Y tế nói gì về thông tin “người dân không được về quê ăn Tết”?
Chỉ trong vòng 8 ngày sau khi Covid-19 tái búng phát tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận 366 bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng tại 10 tỉnh, thành phố.
Do đây là virus biến chủng nên tốc độ lây lan nhanh hơn trước. Do đó, Chính phủ, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương có dịch phải nâng các biện pháp phòng, chống dịch lên một mức.
Tuy nhiên, đợt bùng phát này lại rơi đúng vào dịp cận Tết Nguyên đán, người dân chuẩn bị về quê đón năm mới cùng gia đình. Do đó, một câu hỏi được nhiều người dân quan tâm là liệu họ có được về quê và di chuyển tới các địa phương khác hay không. Với người dân ở 10 tỉnh, thành đang có bệnh nhân mắc Covid-19, họ có bị cách ly 14-21 ngày khi đến các nơi khác?
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho các địa phương về vấn đề này. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ quyết định phạm vi khoanh vùng, phong tỏa, cũng như các trường hợp thuộc diện phải cách ly, theo dõi y tế.
Do đó, việc có cách ly người từ 10 tỉnh, thành đang ghi nhận dịch Covid-19 hiện nay hay không là tùy thuộc theo quyết định của lãnh đạo các địa phương.
“Đó là thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành, không phải do Bộ Y tế hay Chính phủ quyết định”, ông Tuyên nói.
Mặc dù vậy, lãnh đạo các địa phương và người dân cần hiểu rõ thế nào là vùng dịch để có biện pháp phù hợp.
“Vùng có dịch là nơi được chính quyền địa phương xác định và đang bị phong tỏa nghiêm ngặt, 'nội bất xuất, ngoại bất nhập'. Như vậy, những người đang ở vùng dịch, nơi bị phong tỏa, người đi qua những khu vực đang bị phong tỏa tuyệt đối không được di chuyển”, ông Tuyên cho biết.
Các cá nhân thuộc diện F3, F4 không sinh sống hoặc đi qua các địa điểm bị phong tỏa vẫn có thể di chuyển đến địa phương khác nếu nhận được sự đồng ý của chính quyền địa phương nơi cư trú. Tuy nhiên, họ bắt buộc phải khai báo với chính quyền nơi đến để được theo dõi y tế.
Hiện Cục Y tế Dự phòng đang soạn thảo hướng dẫn chung toàn quốc về vấn đề này. Theo đó, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho người dân về việc có được di chuyển trong dịp Tết này hay không cũng như các biện pháp phòng hộ.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện có 10 tỉnh, thành có dịch Covid-19, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả người dân tại các địa phương này đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển.
“Ví dụ Hà Nội đang có dịch Covid-19, phong tỏa một số điểm ở quận Cầu Giấy, nhưng người dân huyện Thanh Oai sẽ không liên quan. Kể cả ở Cầu Giấy, một số điểm bị phong tỏa chứ không phải toàn quận”, ông Tuyên cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khuyến nghị, những người được phép đi lại trong kỳ nghỉ Tết cần nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, vừa góp phần bảo vệ chính bản thân mình, vừa giúp làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
“Biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất là họ phải đeo khẩu trang khi đi lại trên các phương tiện công cộng. Sau đó là rửa tay, sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn. Khi về tới địa phương, họ nên khai báo y tế để được theo dõi”, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý.
Trong khi đó, cố vấn Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân ở những địa phương chưa có dịch cũng vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Cụ thể, nên ưu tiên di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Nếu đi lại bằng phương tiện công cộng, phải chấp hành quy định của đơn vị vận chuyển (nhà xe, hãng hàng không, bến tàu...) như ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn.
“Người dân khi về quê ăn Tết cũng cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như tránh tiếp xúc đông người, đeo khẩu trang, khử khuẩn. Lý do là nguy cơ virus lây lan vẫn rất lớn, không chỉ ở các ổ dịch đã được kiểm soát”, chuyên gia của Bộ Y tế lưu ý.
Nguy cơ lây lan dịch ở Việt Nam còn rất lớn nếu lơ là
Hiện nay, căn cứ vào tình hình dịch, chưa phải cấm việc người dân Hà Nội, TP.HCM cũng như 8 tỉnh còn lại không nằm trong vùng dịch đi đến các nơi khác. Đây là ý kiến của ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện công cộng, Bộ Y tế.
Cũng có nghĩa là, không phải tất cả người dân 10 tỉnh, thành đang có dịch khi di chuyển sang các địa phương khác phải thực hiện cách ly y tế (cách ly tập trung hoặc tại nhà) trong 14-21 ngày.
“Người ở địa điểm chưa xuất hiện ca bệnh, chưa bị cách ly, phong tỏa khi về các tỉnh sẽ không bị cách ly. Ví dụ, nếu nói Cầu Giấy (Hà Nội) xuất hiện ca bệnh thì cả quận Cầu Giấy là vùng dịch, mọi người dân sống tại quận này khi đi về các tỉnh khác sẽ bị cách ly là không chính xác”, chuyên gia cho biết.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, vừa qua nguy cơ lây lan dịch ở Việt Nam còn rất lớn khi chỉ vừa nới lỏng một số hoạt động. Ông kêu gọi mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch.
“Trong dịp Tết này nhu cầu đi lại của mọi người rất lớn nên cần đặc biệt tuân thủ các biện pháp phòng bệnh. Tôi nghĩ, trong lúc này chúng ta không nên tổ chức những việc không cần thiết như liên hoan tất niên, gặp gỡ tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt không cần thiết vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hy vọng, chúng ta sẽ khống chế được dịch để người dân đón Tết an lành”, ông Phu nói.
Đồng thời, khi đi lại, lưu trú tại các địa điểm công cộng như khách sạn, nhà nghỉ, địa chỉ ăn uống, vui chơi…cần có ý thức chủ động kiểm tra xem họ có áp dụng các biện pháp phòng dịch hay không.