Trong thông điệp của mình, nhà lãnh đạo Trung Quốc lưu ý rằng ông sẵn sàng đóng góp cho «sự phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định của quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược toàn diện Trung-Việt, để mang lại nhiều lợi ích to lớn hơn nữa cho nhân dân hai nước cũng như đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển cùng có lợi ở khu vực và trên toàn thế giới».
Quan trọng không phải là văn bản luật, mà là việc áp dụng vào thực tế
Quan hệ với Trung Quốc là bang giao có ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam. Trong các giai đoạn khác nhau của diễn trình lịch sử Việt Nam nhiều thế kỷ, Trung Quốc là nước láng giềng, là đối thủ và là người bạn lớn ở phương Bắc, còn hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất và là một trong những nhà đầu tư chính của CHXHCN Việt Nam. Đồng thời, những tuyên bố mang tham vọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là nguyên nhân thường xuyên gây khó chịu cho quan hệ giữa hai nước. Đạo luật mới của CHND Trung Hoa về Cảnh sát biển, bắt đầu hiệu lực vào ngày 1 tháng 2, đã khiến trong dư luận Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác dấy lên mối lo ngại rằng việc cho phép lực lượng tuần duyên của CHND Trung Hoa sử dụng vũ khí chống lại tàu thuyền nước ngoài sẽ đẩy tăng căng thẳng ở Biển Đông. Ý kiến của các chuyên gia tuy không đồng nhất nhưng hầu hết đều thừa nhận rằng vấn đề không nằm ở bản thân đạo luật, mà ở cách áp dụng luật.
Tờ báo uy tín «The Diplomat» đã dành một bài viết dài cho đề tài này. Chuyên gia quan hệ quốc tế Shuxian Luo từ ĐHTH Johns Hopkins của Mỹ giải thích rằng hệ thống thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý vững chắc, dẫn đến tình trạng thiếu vắng quy trình chuẩn để xác định bối cảnh khi Cảnh sát biển có thể sử dụng vũ lực và các loại hình vũ khí. Trong đạo luật mới nêu các điều kiện và kịch bản sử dụng vũ khí, cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí cầm tay, vũ khí trên tàu và trên không đối với tàu nước ngoài. Luật hải cảnh gồm 11 chương, với tổng cộng 84 điều, trong đó điều 50 của luật này nhấn mạnh rằng nhân viên Cảnh sát biển phải đánh giá hợp lý mức sử dụng vũ lực cần thiết, xuất phát từ bản chất, mức độ và tính khẩn cấp của mối nguy hiểm do hoạt động bất hợp pháp và tội phạm gây ra, để tránh hoặc giảm nhẹ thương vong và thiệt hại tài sản không mong muốn.
«Việc cho phép các nhân viên hải cảnh sử dụng vũ lực chống lại tàu nước ngoài là một thực tế thông thường mà cảnh sát biển trong khu vực tuân thủ. Ví dụ, năm 2001, Nhật Bản đã sửa đổi Đạo luật Cảnh sát biển, cho phép Cảnh sát biển sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài ở vùng biển Nhật Bản trong các tình huống được cho là hợp lý và cần thiết. Hàn Quốc năm 2016 đã cho phép các sĩ quan tuần duyên của mình sử dụng súng, bao gồm súng lục và pháo boong tàu để chống lại tàu thuyền Trung Quốc hoạt động trái phép, đánh bắt khai thác hải sản trong vùng biển của Hàn Quốc, nếu tình hình được xem là có nguy cơ đe doạ. Đạo luật mới về Cảnh sát biển của Việt Nam, được thông qua vào năm 2018, cũng cho phép các nhân viên thực thi pháp luật hàng hải có quyền tự do quyết định lớn hơn khi cần thấy nổ súng trên biển.
Đồng thời, tính đến sự chênh lệch khá rõ về năng lực hàng hải giữa nước này và các nước khác trong khu vực, Trung Quốc có thể và nên làm nhiều điều để giảm bớt sự lo ngại của khu vực về đạo luật mới của mình, kiểm soát khống chế nguy cơ tính toán sai lầm và leo thang, - chuyên gia lưu ý, và đề xuất rằng Trung Quốc nên thường xuyên tiến hành tập trận chung cùng với lực lượng bảo vệ bờ biển tương tự của các quốc gia Đông Nam Á. Trong các cuộc tập trận chung như vậy, các bên phải học cách đối phó với những tình huống hàng hải liên quan đến đánh bắt cá và thăm dò hydrocacbon tại các vùng biển tranh chấp, bởi trong những tình huống này dễ có nguy cơ các nhân viên thực thi pháp luật hàng hải sử dụng vũ lực quá mức chống lại dân thường. Bắc Kinh cần hiểu tại sao Luật Cảnh sát biển của họ làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng trong khu vực và trấn an các nước láng giềng thông qua mở rộng hiệp lực và tăng cường minh bạch», - tác giả bài báo lưu ý.
Hoa Kỳ - đối tượng gây rối phá vỡ sự yên bình
«Điểm mấu chốt của tình hình là ở chỗ người Mỹ hối thúc Trung Quốc tuân thủ Công ước về Luật Biển, văn kiện mà chính họ chưa phê chuẩn. Tôi nghĩ rằng đạo luật mới về quyền hạn của hải cảnh Trung Quốc phản ánh chính xác mối quan tâm của Bắc Kinh về hiện diện quân sự của phía Mỹ ở Biển Đông. Như tôi thấy, khả năng thoát khỏi tình hình căng thẳng ở khu vực này gắn liền với việc ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông, mà nội dung đã được đàm phán suốt gần hai thập kỷ. Năm ngoái, văn bản chung của tài liệu đã được thống nhất và thảo luận trong lần đọc đầu tiên, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn tiến trình này. Các bên cam kết trong năm nay sẽ hoàn tất đàm phán về thông qua Bộ Quy tắc. Tôi hy vọng rằng Quy tắc sẽ có tính ràng buộc cả trong hoạt động, chứ không đơn thuần là tài liệu chính trị có thể giải nghĩa theo cách thuận tiện cho bất kỳ ai. Trong sự phát triển của quan hệ Việt-Trung, tôi thấy có động lực tích cực chung, các bên sẽ kiềm chế tránh làm bùng phát trầm trọng thêm và tìm kiếm cái mà Trung Quốc diễn đạt là «lợi ích chung».
Tìm kiếm cách thức giải quyết hợp lý cho vấn đề
Ý kiến của VS Vladimir Petrovsky nhận được sự tán đồng của ông Evgeny Vlasov, Phó Hiệu trưởng phụ trách Quan hệ Quốc tế của ĐHTH Liên bang Viễn Đông (FEFU). Đây là cách ông Vlasov đánh giá sự phát triển quan hệ giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa.
Trung Quốc sẽ tập trung nỗ lực đầu tư chủ yếu vào các khu công nghiệp ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam do thuận tiện về giao thông, địa lý như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và đặc biệt là sau Đại hội XIII đặc khu kinh tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) cũng sẽ là điểm đến của làn sóng đầu tư từ Trung Quốc. Cần lưu ý rằng nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh là ông Phạm Minh Chính, người được đánh giá là nhà lãnh đạo có công lao thu hút nhiều nhà đầu tư Trung Quốc vào tỉnh này. Ông Phạm Minh Chính đã trúng cử vào Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và có triển vọng đảm trách 1 trong 4 vị trí chủ chốt của ban lãnh đạo mới ở Việt Nam. Đây là cơ hội tốt đẹp để đẩy mạnh các dự án đầu tư Trung Quốc vào đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Việt Nam thi hành chính sách đa phương hóa quan hệ với các nước trong khu vực, duy trì sự cởi mở đa dạng cũng như về bình ổn cấu trúc an ninh. Đáng tiếc rằng giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn vấn đề chưa giải quyết được, tồn tại khúc mắc phức tạp nhất là tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Sau Đại hội XIII, tình hình chưa được cải thiện triệt để.
Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện hoạt động khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, thậm chí có thể đẩy mạnh tuần tra, tập trận, thăm dò dầu khí… Việt Nam đương nhiên không từ bỏ quyền hiện diện của mình trong khu vực này, cố gắng sử dụng những biện pháp mềm dẻo để đảm bảo lợi ích về lãnh thổ, đối phó với sức ép ngày càng mạnh hơn của Trung Quốc. Một mặt, Việt Nam sẽ kêu gọi thực hiện cơ sở luật pháp quốc tế, mặt khác sẽ khai thác mọi khả năng của quan hệ song phương (trong đó có cả ở tầm quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản) để tìm ra cách thức khéo léo giải quyết vấn đề này.
Có thể tin chắc rằng sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả hai bên sẽ không dùng biện pháp vũ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông, và cũng sẽ không xảy ra những cuộc xung đột hoặc đụng độ nhỏ, như từng có trong quá khứ», - chuyên gia Nga từ FEFU nhận định.