"Chúng tôi sẽ kỷ niệm sinh nhật qua Zoom", - người đối thoại với Sputnik cho biết.
Ông nói thêm rằng những người bạn thân thiết của chính trị gia Mikhail Gorbachev và những người từng làm việc với ông sẽ tham gia cuộc gặp trực tuyến này.
Gorbachev kêu gọi toàn thế giới giải quyết vấn đề hạt nhân
Mikhail Gorbachev tin tưởng rằng hiện nay "cả thế giới cần giải quyết vấn đề hạt nhân", đồng thời ủng hộ việc khẳng định lại quan điểm của ông và Ronald Reagan về công thức không để cho chiến tranh hạt nhân xảy ra.
Trả lời phỏng vấn Sputnik trước sinh nhật lần thứ 90 của mình, cựu lãnh đạo Liên Xô nói rằng hiện nay là thời điểm "đầy trách nhiệm và rất khó khăn". Tuy nhiên, như ông Gorbachev nhấn mạnh, thế giới "không được rơi vào tuyệt vọng".
"Cần phải tin tưởng. Và cần phải hành động. Thứ nhất, cả thế giới cần phải cùng nhau giải quyết vấn đề hạt nhân. Tôi nhận thấy rằng Nga đã đề xuất với tất cả các cường quốc hạt nhân khẳng định lại công thức "không chấp nhận chiến tranh hạt nhân, vì không thể có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến tranh như vậy". Tôi hoàn toàn ủng hộ, hơn thế nữa tôi và Ronald Reagan đã cùng tuyên bố điều này trong cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi năm 1985. Và kết quả là quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân đã bắt đầu, cho dù không hề dễ dàng", - cựu tổng thống Liên Xô nói.
Ông tin tưởng rằng các nước trên thế giới có thể hợp tác tương tự như vậy với nhau trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
Lời chúc mừng từ Tổng thống Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin ghi nhận vai trò quan trọng của Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev trong lịch sử nước nhà và thế giới.
“Ngài thuộc về hàng ngũ những con người phi thường, sáng chói, những chính khách kiệt xuất của thời đại chúng ta, những người đã có tác động lớn lao đến tiến trình lịch sử quốc gia và thế giới” - Tổng thống Nga nhấn mạnh trong lời chúc mừng sinh nhật ông Mikhail Gorbachev.
Theo ông Putin, kinh nghiệm chuyên nghiệp và kinh nghiệm sống, nghị lực và sự sáng tạo đã giúp ông Gorbachev cho đến ngày nay vẫn tích cực tham gia công tác xã hội và giáo dục, quan tâm đến việc thực hiện các dự án nhân đạo quốc tế.
Người phiên dịch của ông Mikhail Gorbachev kể về cuộc đời cựu Tổng thống Liên Xô
Trước đó, trả lời phỏng vấn Sputnik, người phiên dịch của cựu lãnh đạo Liên Xô, nay là người đứng đầu cơ quan báo chí của Quỹ Gorbachev, ông Pavel Palazhchenko nói rằng sau khi rời bỏ quyền lực, Mikhail Gorbachev không muốn "vào rừng taiga ở ẩn", ở bên ngoài chính trị, mà vẫn tiếp tục làm việc, phát triển các dự án của mình và nhờ điều này mà "duy trì được bản thân".
"Thời kỳ hậu Tổng thống tất nhiên là khó khăn về mọi mặt. Về mặt này, Mikhail Gorbachev cũng là người đi tiên phong. Ông ấy rời bỏ quyền lực khi chưa già - ở tuổi 60 - và không muốn kết thúc, như ông ấy nói, “sống cô lập trong rừng taiga”, xa rời chính trị, giống như Khrushchev đương thời từng làm.
Người đối thoại của Sputnik lưu ý rằng sau khi từ chức, Mikhail Gorbachev tham gia vào nhiều dự án khác nhau như lập Quỹ Quốc tế Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội và Chính trị (Quỹ Gorbachev), Tổ chức Chữ thập Xanh Quốc tế, khởi xướng thành lập Diễn đàn những người đoạt giải Nobel Hòa bình.
“Ông ấy viết rất nhiều, thuyết trình, phỏng vấn, phản ứng trước những gì đang xảy ra ở Nga và trên thế giới. Và ngay cả bây giờ, trong tình trạng cách ly do đại dịch, ông ấy vẫn theo dõi sát sao tình hình, giao tiếp với bạn bè, nhân viên, nhà báo. Nhờ điều này, ông ấy đã duy trì bản thân mình”, - người phiên dịch của chính trị gia Mikhail Gorbachev cho biết.
Theo ông, cú đánh lớn nhất đối với Gorbachev trong giai đoạn này sau khi làm tổng thống là việc vợ ông, bà Raisa Maksimovna qua đời hồi tháng 9 năm 1999.
Về những kỷ niệm làm việc cùng nhau trong những năm Gorbachev tlãnh đạo đất nước, ông Palazhchenko lưu ý rằng "có rất nhiều sự kiện sẽ được ghi nhớ mãi mãi."
Chẳng hạn, đó là hội nghị thượng đỉnh Xô-Mỹ ở Reykjavik, vụ ký kết Hiệp ước đầu tiên về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cuộc đối thoại chiến lược lớn với Tổng thống Mỹ George W. Bush ở Novo-Ogaryovo mùa hè năm năm 1991
Trong số những sự kiện đáng nhớ như vậy, ông nhắc đến chuyến thăm Moskva của nhà lãnh đạo Mỹ Ronald Reagan năm 1988. Khi trò chuyện với các nhà báo bên cạnh khẩu “Đại bác vua” ở Điện Kremlin, Ronald Reagan nói rằng ông không còn coi Liên Xô là đế chế của cái ác.
Tiểu sử Mikhail Gorbachev
Mikhail Gorbachev đã giữ chức vụ cao nhất của chính phủ trong sáu năm, trong thời gian đó, ông đã đi vào lịch sử như một người đã thay đổi đất nước và thế giới. Năm 1985, ông tuyên bố đường lối mới gần như ngay lập tức sau khi được bổ nhiệm làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, khi đó đứng đầu Xô viết tối cao của Liên Xô, đề xuất lập ra chức vụ Tổng thống và bãi bỏ điều khoản Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng. Vào thời điểm đó, các từ tiếng Nga như "perestroika" và "glasnost" đã xuất hiện trong nhiều ngôn ngữ thế giới.
Gorbachev từ chức tổng thống Liên Xô vào ngày 25 tháng 12 năm 1991, cùng thời điểm Liên Xô không còn tồn tại.
Trong quan hệ quốc tế, chính trị gia Mikhail Gorbachev tuyên bố "tư duy mới", dẫn đến việc nối lại đối thoại Xô-Mỹ về giải trừ vũ khí hạt nhân, chấm dứt Chiến tranh Lạnh và ký kết Hiệp ước INF năm 1985, rút quân đội Liên Xô ra khỏi Afghanistan. Tên tuổi ông gắn liền với sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự kiện thống nhất nước Đức.